* Thưa ông, trong bối cảnh nào Ban Bí thư T.Ư Ðảng đã ban hành Chỉ thị 09/CT/T.Ư?
- Trong những năm 2000 - 2001, tức là trước và sau Ðại hội lần thứ IX của Ðảng, đặc biệt là sau sự kiện ở Thái Bình, Ðồng Nai... số lượng người kéo ra Hà Nội khiếu kiện ngày càng đông, khiếu kiện kéo dài, đến nhà riêng một số vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Ở địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo cũng tăng, nhiều người tham gia, có một số vụ đã trở thành "điểm nóng" như ở Nam Ðịnh, Hà Tây, Bến Tre, Sóc Trăng... Có thể nói một cách khái quát, tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian đó như sau: "Tình hình khiếu nại có chiều hướng gia tăng về số lượng, đa dạng về nội dung, phức tạp về tính chất, gay gắt về yêu sách, tiềm ẩn về nguy cơ"...
Trước hình hình nói trên, tuy các tổ chức đảng, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã có nhiều nỗ lực cố gắng giải quyết, nhưng tình hình lay chuyển quá chậm, kết quả chưa đạt yêu cầu. Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, ảnh hưởng đến ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Sở dĩ có tình hình đó là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân mấu chốt, trực tiếp là trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa thật sự gương mẫu, có nơi còn khoán trắng cho các cơ quan chuyên môn.
Do vậy, ngày 6-3-2002, Ban Bí thư T.Ư Ðảng ban hành Chỉ thị 09-CT/T.Ư về: "Một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay" nhằm tạo sự chuyển biến mới trong công tác này.
* Theo ông, điểm mấu chốt của Chỉ thị 09-CT/T.Ư là gì?
- Ðể khắc phục tình trạng khiếu tố đông người, vượt cấp lên Trung ương, khiếu tố không đúng quy định và những hành vi lợi dụng việc khiếu tố làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lập lại trật tự trong khiếu nại, tố cáo, trong Chỉ thị 09-CT/T.Ư nêu sáu nhiệm vụ thuộc hai lĩnh vực khiếu nại về hành chính và khiếu nại về tư pháp.
Ðối với khiếu nại về hành chính: Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải đặc biệt quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết đúng đắn, kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân. Cụ thể là, thường vụ cấp ủy, trước hết là Bí thư phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tất cả các cấp ủy, nhất là cấp ủy ở những nơi đang có khiếu nại phức tạp, phải phân tích đánh giá tình hình khiếu kiện của dân; rà soát các vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, bàn kế hoạch chỉ đạo, phân công giải quyết tích cực, nghiêm túc trong thời gian sớm nhất.
Những vụ việc còn phải chờ chủ trương, chính sách chung của Ðảng và Nhà nước, chưa thể giải quyết sớm thì trả lời công khai cho dân biết. Lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền địa phương cần phân công nhau, kiểm tra đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ việc đặc biệt phức tạp.
Một nội dung đặc biệt quan trọng nữa của Chỉ thị 09-CT/T.Ư là yêu cầu giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tư pháp. Cụ thể là các tổ chức đảng trong ngành tư pháp như: công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp phải chỉ đạo rà soát, phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, có kế hoạch giải quyết và chỉ đạo cấp dưới giải quyết các khiếu nại, tố cáo đó; lựa chọn những khiếu tố về hoạt động tư pháp có nhiều bức xúc được dư luận quan tâm để kiểm tra, xem xét và giải quyết dứt điểm; từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời những sai phạm của các cơ quan tư pháp, xử lý nghiêm minh những cán bộ tư pháp làm sai và xem xét nghiêm túc việc bồi thường thiệt hại do những sai phạm đó gây ra.
Ðó là hai điểm mấu chốt trong Chỉ thị 09-CT/T.Ư của Ban Bí thư, đồng thời trong Chỉ thị cũng nhấn mạnh thêm hai điểm, đó là, đối với những người lợi dụng dân chủ trong việc khiếu nại, tố cáo mà kích động xúi giục, tổ chức đông người đi khiếu kiện và có hành động gây mất trật tự - an ninh phải nghiêm khắc phê phán, lên án, phải vạch mặt kẻ xấu cho nhân dân biết và cảnh giác, đồng thời xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ðối với các cơ quan thông tin đại chúng phải biểu dương kịp thời những điển hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay, phê phán những việc làm trái pháp luật. Khi đưa tin phải thật khách quan, đúng sự thật, tránh tình trạng đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất sự việc hoặc suy diễn mang tính kích động, không có lợi. Ðây là những điểm cần đặc biệt lưu ý và chính là điểm mấu chốt trong Chỉ thị 09.
* Sau hơn ba năm triển khai thực hiện Chỉ thị 09-CT/T.Ư, đến nay, chúng ta đã thu được kết quả như thế nào? Theo ông, kết quả quan trọng nhất là gì?
- Ðiều vui mừng và đáng phấn khởi là sau ba năm triển khai thực hiện Chỉ thị 09, tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng lắng dịu; số lượng các vụ khiếu nại, tố cáo có hướng giảm. Việc chuyển biến rõ nét nhất là các tổ chức đảng và đảng viên đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều nơi đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của địa phương, đơn vị, xem đó là một tiêu chuẩn để đánh giá hoạt động của mỗi cấp ủy, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó đã tăng cường và kiểm tra thực hiện.
Ở một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân, chỉ đạo xử lý các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp. Có những vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm, tỷ lệ giải quyết các khiếu nại, tố cáo đều đạt từ 80 đến 90%. Những vụ việc có "tính nóng" như các năm trước đây ít xảy ra... Nhìn chung, tình hình có phần lắng dịu. Công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội, HÐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở các cấp quan tâm đổi mới cả về nội dung và phương pháp giám sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức hòa giải tại cơ sở được các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả hơn.
* Thưa ông, bên cạnh những kết quả nói trên, còn có gì bất cập? Trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư?
- Tuy tình hình khiếu nại, tố cáo có lắng dịu hơn, song chuyển biến chưa thật cơ bản, vẫn còn diễn biến phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ở chỗ này hay chỗ khác, lúc này hay lúc khác, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ðặc biệt là những tranh chấp khiếu kiện về các vụ việc liên quan đất đai dự kiến sẽ còn phức tạp kéo dài do đất đai là nhu cầu cơ bản của người dân, lại chịu nhiều biến động trong lịch sử cách mạng, kháng chiến và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhưng cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước còn trong quá trình hoàn thiện.
Ðây là khó khăn, bất cập nhất trong tình hình hiện nay và sắp tới, do đó phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi, khắc phục. Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết Chỉ thị 09-CT/T.Ư khai mạc ngày hôm nay sẽ thống nhất, đánh giá và đề ra biện pháp để chúng ta thực hiện tốt hơn Chỉ thị 09-CT/T.Ư của Ban Bí thư.
Theo tôi nghĩ, trong thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chủ động phòng ngừa, hạn chế khiếu nại, tố cáo; đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát trong lĩnh vực này, tăng cường công tác hòa giải; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân để dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình; kiện toàn các cơ quan chuyên trách công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một giải pháp quan trọng là phải nâng cao nhận thức đối với nội bộ chúng ta, coi giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy đảng, chính quyền phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này, trong đó bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan chính quyền, cơ quan tư pháp, các đoàn thể phải chịu trách nhiệm trước Ðảng và Nhà nước về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
* Xin trân trọng cảm ơn ông.
|