Giải quyết khiếu nại, tố cáo ở TP Hồ Chí Minh
Các Website khác - 10/10/2005
Các cấp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã quan tâm tìm các giải pháp nhằm ngăn chặn đến mức thấp nhất việc phát sinh khiếu nại, tố cáo (KNTC), chỉ đạo bổ sung xây dựng cơ chế, chính sách đối với các dự án, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác đền bù, giải tỏa, cơ quan thanh tra, cơ quan tiếp dân. Không bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực kém tham gia công tác ở lĩnh vực này.
Trong nhiều năm qua, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo ở TP Hồ Chí Minh luôn chiếm tỷ lệ đáng kể so với cả nước. Lĩnh vực nhà đất, xây dựng chiếm 70% số vụ kiện trên địa bàn. Số vụ khiếu kiện đông người ở các dự án gia tăng về quy mô, gay gắt về tính chất và kéo dài đã ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Trong nhiều năm qua, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo ở TP Hồ Chí Minh luôn chiếm tỷ lệ đáng kể so với cả nước. Lĩnh vực nhà đất, xây dựng chiếm 70% số vụ kiện trên địa bàn. Số vụ khiếu kiện đông người ở các dự án gia tăng về quy mô, gay gắt về tính chất và kéo dài đã ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Trước tình hình đó, thành phố đã lập bốn đoàn khảo sát tình hình phát sinh khiếu nại, tố cáo ở một số quận, huyện trọng điểm, ban hành nghị quyết về công tác quy hoạch, đền bù khi thu hồi đất và tái bố trí dân cư. Chấn chỉnh Văn phòng tiếp dân, tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư ngày 6-3-2002 về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo hiện nay (gọi tắt là Chỉ thị 09-CT/TW) Ban Thường vụ Thành ủy đã có kế hoạch số 16 thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân, kiểm tra hai đơn vị thành phố (Văn phòng tiếp công dân và Sở Ðịa chính nhà đất) và sáu quận, huyện (quận 2, 7, 9, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Bình Chánh) có nhiều vụ khiếu kiện phức tạp.

Thành phố đã xác định tổ chức tiếp công dân, đối thoại để giải quyết KNTC là nhiệm vụ trọng tâm, là nguyên tắc xuyên suốt trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố, Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia giám sát chính quyền các cấp giải quyết KNTC. Lãnh đạo UBND các cấp, thủ trưởng các ngành tiếp công dân hằng tuần. Trong sáu năm qua chính quyền các cấp thành phố tổ chức tiếp 104.495 lượt công dân. Ðối với những vụ việc kéo dài phức tạp, các ngành thành phố đã bàn bạc, tham mưu cho lãnh đạo thành phố giải quyết từng vụ việc.

Những năm qua thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 70.551 đơn KNTC, đã giải quyết theo thẩm quyền 90,2% đơn khiếu nại và 87,9% đơn tố cáo. Phần lớn nội dung đơn khiếu nại tập trung các lĩnh vực nhà đất, quy hoạch, đền bù giải tỏa, tái định cư. Nội dung đơn tố cáo tập trung vào hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, vi phạm kỷ luật trong quản lý kinh tế. Thành phố đã giải quyết 224 vụ khiếu nại đông người, chủ yếu là giá đền bù và chính sách tái định cư như dự án chợ Cầu Sáng (Bình Chánh), dự án mở rộng đường Xô-viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), đường song hành xa lộ Hà Nội (quận 2) dự án khu dân cư Rạch Miễu (Phú Nhuận) dự án trường tiểu học phường 4, quận 9.

Thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, các cấp ủy đã tập trung kiểm tra việc giải quyết KNTC công dân, nhất là các vụ khiếu nại kéo dài, những vụ mà trong khi giải quyết, còn có ý kiến khác nhau, tìm nguyên nhân để lãnh đạo chủ trì giải quyết. Thành phố quan tâm là công tác hòa giải ở cơ sở, coi đây là biện pháp tích cực phòng ngừa, hạn chế KNTC phát sinh từ cơ sở. Hội Nông dân các cấp tham gia hòa giải hơn 7 nghìn vụ khiếu kiện ở nông thôn, xây dựng 8.700 tổ hòa giải cơ sở. Hầu hết các vụ phát sinh trong nội bộ nhân dân đều được đưa ra hòa giải cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành đạt 75%, góp phần hạn chế các điểm nóng phát sinh giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện nay đơn thư khiếu nại tồn đọng có giảm đi, hạn chế khiếu nại vượt cấp và các điểm nóng phát sinh trên địa bàn. Qua giải quyết KNTC đã phát hiện nhiều công chức sai phạm, kỷ luật hành chính 643 cán bộ, thu hồi cho Nhà nước gần 15 tỷ đồng, 920 ha đất. Cùng với giải quyết KNTC hành chính, TP Hồ Chí Minh cũng đã tập trung giải quyết KNTC về hoạt động tư pháp. Cấp ủy, thủ trưởng cơ quan tư pháp thành phố đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, chọn cán bộ có phẩm chất và năng lực bổ sung cho bộ phận tiếp dân, rà soát các vụ khiếu nại kéo dài để giải quyết dứt điểm. Sáu năm qua ngành tư pháp thành phố đã giải quyết 23.660 vụ KNTC thuộc thẩm quyền, đạt 93,5%. Qua giải quyết KNTC ngành tư pháp đã xử lý hình sự 44 người, xử lý hành chính 279 người. Những cố gắng nêu trên của các cấp các ngành là rất đáng ghi nhận, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong nhiều năm qua.

Nhưng nghiêm túc nhìn nhận, việc giải quyết KNTC ở TP Hồ Chí Minh cũng còn nhiều bất cập. Cấp ủy chính quyền chưa thật sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, phần lớn còn giao khoán cho cơ quan thanh tra và các ngành chức năng giải quyết. Ðơn thư khiếu kiện còn chuyển lòng vòng. Ðơn thư KNTC để quá thời hạn luật định còn phổ biến, lượng đơn tồn đọng còn nhiều. Khá nhiều quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật chưa được thực hiện, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào hiệu lực của bộ máy Nhà nước. KNTC của công dân trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc quán triệt các quan điểm yêu cầu cấp bách trong công tác giải quyết KNTC theo tinh thần Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng chưa sâu sắc ở nhiều cấp ủy và nhiều sở, ngành. Thực hiện chính sách, nhất là quản lý và sử dụng đất đai, quy hoạch, giải tỏa đền bù khi thu hồi đất và tái định cư nhiều trường hợp chưa thấu tình đạt lý là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh KNTC nhưng thành phố chậm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính, trong xã hội chưa nghiêm.

Việc giải quyết KNTC nhìn chung còn nặng tính hành chính, khép kín thiếu dân chủ, chưa coi trọng đối thoại công khai giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và người giải quyết khiếu nại dẫn đến việc ra quyết định cuối cùng không chuẩn xác, phải chỉnh sửa nhiều lần, giải quyết kéo dài, phức tạp. Dù quy trình và cơ chế giải quyết KNTC có được cải tiến nhưng nguyên nhân cơ bản làm cho công tác giải quyết KNTC kém hiệu quả là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức giải quyết KNTC chưa có quan điểm, thái độ phục vụ nhân dân, non yếu về năng lực nghiệp vụ và kiến thức pháp luật, thiếu công tâm, đùn đẩy, nhũng nhiễu tiêu cực. Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới là tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 09-CT/TW, Ban Thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết KNTC, phân công một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của mỗi cấp, một số ngành chịu trách nhiệm công tác quan trọng này. Ðối với vụ việc phức tạp phải thống kê định rõ giải quyết dứt điểm. Cần tổ chức đối thoại tiếp xúc người khiếu nại, người bị khiếu nại và các cơ quan liên quan. Tuyệt đối không kéo dài tình trạng "một cửa", khép kín đối với cơ chế giải quyết KNTC.

Lãnh đạo, thủ trưởng các cấp, các ngành đề cao trách nhiệm trực tiếp giải quyết KNTC. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân kiểm tra giám sát thực hiện công tác giải quyết KNTC. Ðiều quan trọng là tìm các giải pháp nhằm ngăn chặn đến mức thấp nhất việc phát sinh KNTC. Trong tình hình hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo sớm bổ sung xây dựng cơ chế, chính sách đối với các dự án, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác đền bù, giải tỏa, cơ quan thanh tra, cơ quan tiếp dân. Không bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực kém tham gia công tác ở lĩnh vực này. Xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm, sai phạm. Ðưa nội dung tiếp công dân giải quyết khiếu kiện thành một chỉ tiêu bình xét thi đua khen thưởng hằng năm.

THẾ GIA