Chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Các Website khác - 10/10/2005
Những năm trước đây, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp. Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo năm sau nhiều hơn năm trước với tính chất gay gắt. Thực hiện Chỉ thị 09 của Ban bí thư, các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong cả nước đã tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó tạo nên sự chuyển biến mới trong công tác này.
Trước đây, đã từng có nhiều vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người tham gia, trong đó có một số vụ trở thành "điểm nóng", như vụ khiếu nại, tố cáo ở 19 xã (trong số 22 xã) thuộc huyện Giao Thủy (Nam Ðịnh); vụ đòi lại đất đã đưa vào tập đoàn của hơn 3.000 hộ dân ở ba huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre); vụ tranh chấp đất đai của hơn 300 hộ nông dân với Nông trường 30-4 (Sóc Trăng)... Ðể phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết tình trạng trên, Ðảng và Nhà nước đã có một số chính sách, cơ chế, như ban hành Luật Ðất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo, tổ chức các đoàn công tác liên ngành về giải quyết khiếu nại, tố cáo... Triển khai chính sách, cơ chế, giải pháp nói trên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu được một số kết quả, nhưng chưa vững chắc, tình hình vẫn còn phức tạp.

Trước tình hình đó, Ban Bí thư T.Ư Ðảng đã ra Chỉ thị 09-CT/TW ngày 6-3-2002 về "Một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay". Quán triệt Chỉ thị 09-CT/TW, các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong cả nước đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã tạo nên sự chuyển biến mới trong công tác này. Tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng lắng dịu; số lượng các vụ khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm. Ðáng chú ý là các vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, có đông người tham gia giảm hẳn (năm 2002 có 468 đoàn, năm 2003 có 352 đoàn, đến năm 2004 chỉ còn 256 đoàn) và không phát sinh "điểm nóng". Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm hơn công tác này, phần lớn đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của địa phương, của đơn vị; đã phổ biến, quán triệt Chỉ thị 09-CT/TW, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra đối với công tác này. Một số tỉnh ủy đã quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chí để đánh giá tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết tốt hơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, có đông người tham gia. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo các bộ, ngành và Chủ tịch UBND các địa phương có nhiều cố gắng trong việc tổ chức tiếp dân; kiện toàn tổ chức, cán bộ, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho cơ quan chức năng như trước đây. Nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã xuống cơ sở, trực tiếp đối thoại với dân, qua đó thấy được những thiếu sót, hạn chế khuyết điểm của cơ quan, cán bộ mình để chấn chỉnh, uốn nắn, đồng thời giải thích, hướng dẫn cho dân thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo. Ðồng thời, các ngành công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp đã nghiêm túc quán triệt Chỉ thị 09-CT/TW; đề cao trách nhiệm, chủ động và phối hợp giải quyết tốt nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo và những người trực tiếp làm công tác này. Công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chú trọng đổi mới cả về nội dung và phương pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quốc hội đã nhiều lần nghe Chính phủ, Tòa án NDTC, Viện kiểm sát NDTC báo cáo chuyên đề hoặc báo cáo công tác chung, trong đó có nội dung về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại các phiên họp, hội đồng nhân dân các cấp đã chú trọng xem xét, thảo luận, đánh giá báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền, nhất là ở những nơi có khiếu nại, tố cáo phức tạp thông qua việc tiếp dân, nhận đơn thư và chỉ đạo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải tại cơ sở ngày càng được các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả hơn, góp phần làm hạn chế phát sinh và giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo như Luật khiếu nại, tố cáo (sửa đổi), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Thanh tra, Luật Ðất đai (sửa đổi)... Từ khi Ban Bí thư T.Ư Ðảng có Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 về phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã được các ngành, các cấp quan tâm hơn. Chính phủ đã xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007. Các báo, đài truyền hình, phát thanh đã thông tin kịp thời kết quả thanh tra, kiểm tra; dũng cảm tố cáo tham nhũng, tiêu cực; phản ánh khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Công tác hòa giải cũng đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW và pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói trên, hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố, mà nếu không đánh giá một cách đúng đắn, không xử lý, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, nhất là các khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai (chiếm 63% tổng số các vụ khiếu nại) thì có thể dẫn đến những diễn biến xấu, ảnh hưởng phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy trong các ngày 10 và 11-10, Ban Bí thư T.Ư Ðảng tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW và pháp luật về khiếu nại, tố cáo để rút ra những bài học, kinh nghiệm và thống nhất chủ trương, giải pháp nhằm giải quyết có hiệu quả khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.



Các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết tốt hơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính
Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, công điện chỉ đạo; đồng thời thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường trực Chính phủ đã trực tiếp nghe và chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, xử lý nghiêm một số vi phạm được phát hiện trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo các bộ, ngành và Chủ tịch UBND các địa phương nâng cao hơn trách nhiệm, có nhiều cố gắng trong việc tổ chức tiếp dân; kiện toàn tổ chức, cán bộ, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho cơ quan chức năng như trước đây (TP Hồ Chí Minh đã thành lập Văn phòng tiếp dân như một cơ quan cấp sở). Nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền để có kế hoạch, biện pháp giải quyết. Một số tỉnh, như Hòa Bình, Lạng Sơn, Kiên Giang, Nghệ An, Sơn La, Bình Ðịnh, Ninh Thuận... chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo phức tạp ngay từ cơ sở nên đã hạn chế khá nhiều khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Việc kiểm tra, đôn đốc trách nhiệm của cấp dưới trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng hơn. Tòa án nhân dân các cấp cũng có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Trong sáu năm qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thụ lý 614.717 vụ, việc khiếu nại hành chính, trong đó đã giải quyết được 513.409 vụ, việc (đạt tỷ lệ hơn 80%) và thụ lý 89.510 vụ, việc tố cáo, trong đó đã giải quyết được 63.708 vụ, việc (đạt tỷ lệ hơn 90%).

Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được chú trọng

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả. Hiện nay, cả nước đã có 102.332 tổ hòa giải ở các thôn, ấp, bản, làng, khu dân cư (chiếm khoảng 90% tổng số thôn, ấp, bản, làng, khu dân cư trên cả nước).

Từ năm 1999 đến năm 2004, ở 48 tỉnh, thành phố, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 449.157 vụ. Hội Nông dân đã tích cực tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tinh thần Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2001 đến năm 2004, các Hội Nông dân ở cơ sở đã hòa giải thành 136.270 vụ. Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh các cấp cũng có nhiều đóng góp tích cực trong công tác này. Một số chính quyền địa phương đã có chính sách động viên, hỗ trợ, khuyến khích công tác hòa giải.

Ở nhiều nơi, thông qua công tác hòa giải đã giải quyết nhiều tranh chấp ngay từ cơ sở; xây dựng, giữ vững tình đoàn kết xóm giềng, thân tộc, xóa bỏ những mâu thuẫn, hiềm khích; phòng ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo; hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an ninh.

Các cơ quan tư pháp đã chủ động và phối hợp giải quyết tốt nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Các cơ quan tư pháp đã tập trung tổ chức quán triệt Chỉ thị 09-CT/TW và pháp luật khiếu nại, tố cáo; kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong hai năm 2002 và 2003, các cơ quan tư pháp Trung ương đã phối hợp Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Ban Nội chính T.Ư tiến hành tổng rà soát các khiếu nại, tố cáo tư pháp để có kế hoạch giải quyết, nhất là các vụ việc phức tạp, gay gắt, tồn đọng kéo dài.

Từ năm 1999 đến năm 2004, các cơ quan tư pháp thụ lý 157.973 vụ, việc khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp, đã giải quyết được 127.018 vụ, việc, đạt tỷ lệ 80%; thụ lý 22.341 vụ, việc tố cáo, đã giải quyết được 21.867 vụ, việc, đạt tỷ lệ 98%.

ND


VÂN LONG