Những năm gần đây, quy mô của các vụ tham nhũng ngày càng lớn và vượt ra khỏi phạm vi một ngành, một địa phương, một quốc gia. Phương thức và thủ đoạn tham nhũng diễn ra rất đa dạng, ngày càng tinh vi, có sự móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước với người ngoài Nhà nước, giữa đối tượng trong nước với đối tượng là người nước ngoài có sử dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội. Chủ thể của các vụ tham nhũng có địa vị, chức vụ ngày càng cao. Vì vậy Quốc hội đã ban hành dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng.Trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Chống tham nhũng trước đây, bản dự thảo đã bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, tiệm cận hơn với yêu cầu của thực tiễn và tương đối phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà nước ta đã cam kết thực hiện. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đã đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc sống và tương đối đầy đủ về nội dung.
Tuy vậy, sau khi nghiên cứu bản dự thảo, tôi có một số đề nghị như sau: Về phạm vi điều chỉnh, xét bản chất, tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, vì vậy tham nhũng bao giờ cũng gắn với công quyền. Không có quyền lực, bất thành tham nhũng. Trên thực tế, đây chính là khu vực tham nhũng gây ra nhiều thất thoát nhất cho tài sản quốc gia, gây nhiều bức xúc cho xã hội và làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Ðảng, Nhà nước. Vì lẽ đó, đối tượng điều chỉnh chính yếu của luật này dứt khoát phải là khu vực công chức Nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng điều chỉnh cũng cần phù hợp các bộ luật hiện hành khác.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, những hành vi như tham ô, hối lộ, cố ý làm trái... được xem là tội phạm tham nhũng và xếp vào chương tội phạm về chức vụ. Luật còn quy định những hành vi phạm tội không phải của công chức Nhà nước như Ðiều 291, tội lợi dụng ảnh hưởng của người có nhiệm vụ, quyền hạn để trục lợi; Ðiều 289, 290 đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Luật đã ghép vào nhóm tội chức vụ cả những hành vi phạm tội của những người không thuộc khu vực Nhà nước.
Xem xét các vụ án tham nhũng gần đây, đều nổi lên hiện tượng đằng sau các doanh nghiệp nhà nước, thường có các doanh nghiệp tư nhân có cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Ðây là "sân sau" của cán bộ chức sắc trong doanh nghiệp nhà nước và luôn luôn trúng thầu trong các dự án, các hợp đồng thương mại "màu mỡ". Sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tạo thành chu trình tham nhũng khép kín và rất hợp pháp. Như vậy, quá trình sử dụng công quyền để tham nhũng đã có sự giúp sức rất tích cực và không thể thiếu được của khu vực viên chức ngoài nhà nước.
Sự gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh mà Liên hợp quốc đã tổng kết và phân loại như là những hành vi tham nhũng. Ðó là, hối lộ (bao gồm cả đưa và nhận) trong khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình hoạt động thương mại hoặc tài chính. Các doanh nghiệp tư nhân thuê giám đốc, mà sau đó giám đốc đã có hành vi lợi dụng quyền điều hành để tư lợi; hợp pháp hóa tài sản do tham nhũng mà có, như chuyển đổi, chuyển nhượng vì mục đích ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản; che giấu bản chất thực của tài sản do tham nhũng mà có... Phần lớn những hành vi rửa tiền này là của những người có liên quan đến đối tượng tham nhũng và không phải lúc nào cũng ở trong khu vực Nhà nước.
Từ những phân tích trên, chúng tôi muốn đưa ra sự lựa chọn phạm vi điều chỉnh của luật này phải bao gồm cả đối tượng trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, điều đáng bàn nhất lại không phải là sự lựa chọn mà là hầu hết những điều luật sau đó trong dự thảo lại không phù hợp với phạm vi điều chỉnh nói trên. Từ khái niệm, quy định hành vi tham nhũng, trách nhiệm nghĩa vụ kê khai tài sản; quy tắc ứng xử... đều không đề cập đến khu vực ngoài Nhà nước. Ðây là vấn đề bất cập của dự thảo cần nghiên cứu, bổ sung. Ðể đấu tranh chống tham nhũng, Nhà nước đã xây dựng được hệ thống các cơ quan giám sát và chống tham nhũng. Các cơ quan giám sát bao gồm hệ thống kế toán tài chính chuyên ngành, cơ quan tư vấn, thẩm định, kiểm toán... Các cơ quan đấu tranh chống tham nhũng bao gồm thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử... Các cơ quan này thuộc nhiều lực lượng khác nhau, hoạt động phân chia theo các giai đoạn của quá trình đấu tranh và độc lập với nhau để bảo đảm tính khách quan, hệ thống này đã phát huy tác dụng tích cực.
Từ thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng có thể chỉ ra một số hạn chế như sau: Tình trạng phân tán sức mạnh chung do chia cắt, cát cứ quyền lực trong phán quyết xử lý tham nhũng. Sự chi phối của một số cấp lãnh đạo cơ sở đối với các cơ quan tư pháp trong đấu tranh chống tham nhũng. Sự thiếu thống nhất trong đánh giá chứng cứ, vận dụng pháp luật để xử lý tham nhũng. Trong khi đó nhiều biện pháp công tác, nhiều nguồn chứng cứ quan trọng không được tận dụng để chứng minh hành vi tham nhũng.Tình trạng né tránh, đùn đẩy, an phận làm ngơ giữa các cơ quan, giữa các cán bộ thực thi pháp luật. Theo đó, xu thế đấu tranh chống tham nhũng rất hạn chế ở cấp quận, huyện và không hiệu quả ở địa phương mình đang ngày càng rõ nét.
Ðể khắc phục tình trạng trên, cần thiết phải xây dựng Ủy ban quốc gia chống tham nhũng và cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thực quyền và đủ mạnh. Ðối với những vụ án có tập trung chỉ đạo quyết liệt như vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, vụ Mường Tè... thì thành công triệt để. Trong khi tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động của ủy ban này chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định (theo Ðiều 72) thì chưa thể bàn luận gì thêm. Xin lưu ý rằng, để tháo gỡ khó khăn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hoạt động của ủy ban này ở các cấp phải gắn với hoạt động của các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án tương ứng một cách thường xuyên trong chỉ đạo kế hoạch chống tham nhũng tổng thể cũng như trong từng vụ việc, trong xử lý từng con người chứ không phải chỉ để giải quyết bất đồng như trong Ðiều 76 của dự thảo quy định.
Cơ quan thường trực chống tham nhũng và cơ quan chuyên trách chống tham nhũng là hai khái niệm khác nhau. Chúng tôi không có ý định bàn về cơ quan thường trực chống tham nhũng. Nhưng cơ quan chuyên trách chống tham nhũng phải bao gồm cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Theo đó cơ quan điều tra phải là công an, cơ quan truy tố là Viện Kiểm sát và xét xử là Tòa án. Xét về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì không lực lượng nào có thể thay thế ba cơ quan này vì đã được nhiều bộ luật khác quy định. Xét về năng lực và thực tiễn hoạt động thì đây là lực lượng chống tham nhũng hiệu quả nhất, có tác dụng răn đe phòng ngừa cao nhất. Xét về cơ cấu tổ chức thì cả ba cơ quan đang có hiện tượng cấp càng thấp, hiệu quả chống tham nhũng càng hạn chế. Tỷ lệ truy tố, xét xử án tham nhũng ở cấp quận, huyện chỉ chiếm 1% tổng số án tham nhũng toàn quốc, trong khi quân số chiếm đến 50% cho mỗi lực lượng.
Tình hình này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chỉ đạo hữu khuynh, tính chuyên nghiệp của các lực lượng này ở cơ sở chưa cao, đầu tư hạn chế, ảnh hưởng của văn hóa làng xã trong một khuôn khổ cộng đồng chật hẹp mà mọi người đều có quan hệ với nhau theo nhiều cách: dòng họ, thông gia, đồng hương, đồng môn, đồng đội, bạn bè...Vì vậy, riêng với cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, tôi đề nghị nghiên cứu không nên bố trí ở tất cả các quận, huyện như hiện nay mà chỉ nên bố trí ở những quận, huyện, thành phố, thị xã trọng điểm và đặc biệt ở cụm một số huyện gần về địa lý. Cấp Trung ương cần nghiên cứu triển khai lực lượng chuyên trách này theo ba khu vực Bắc - Trung - Nam để hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp cần thiết. Nếu cả ba cơ quan này điều tra tham nhũng, kiểm sát án tham nhũng, Tòa án xử tham nhũng được kết hợp trong một tổ chức đặc biệt, có chỉ đạo chặt chẽ thì chắc chắn hiệu quả sẽ rất cao.
Hoạt động của Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng và hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng nhất thiết phải gắn chặt với nhau. Ðiều này cần được quy định chi tiết và đầy đủ hơn trong luật, chứ không phải chỉ có các Ðiều 57, 76 như dự thảo. Theo đó, Ủy ban phòng, chống tham nhũng một mặt hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn chống tham nhũng, mặt khác chỉ đạo công việc thường xuyên của cơ quan chống tham nhũng, có thể tham gia bố trí tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan này. Sự lãnh đạo của Ðảng đối với các cơ quan chống tham nhũng do cấp ủy đảng cấp trên thực hiện chứ không phải do cấp ủy cùng cấp, vốn phải chịu trách nhiệm về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mình, đồng thời càng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách.
Kinh nghiệm đấu tranh chống tham nhũng đã chỉ rõ trở ngại lớn làm hạn chế kết quả xử lý tham nhũng chính là quá trình thiết lập chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng. Nhiều vụ không thể xử lý được triệt để, gây nghi ngờ trong nhân dân cũng là do rơi vào tình trạng bên nói "có", bên nói "không" . Nguồn cung ứng các loại chứng cứ hiện hành đã không đủ khả năng để khởi tố một cá nhân tham nhũng, một mặt do phần lớn đều đã được thu thập bằng biện pháp công khai, thiếu tính bất ngờ, đã bị dàn dựng đối phó; mặt khác, do đòi hỏi quá cao về nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Quy luật của chủ thể tham nhũng là không bao giờ tự nhận tội nếu không có chứng cứ cụ thể. Vì vậy, đấu tranh chống tham nhũng đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh hơn, có nhiều nguồn lực hơn và với thời gian dài hơn.
Trước đòi hỏi của cuộc đấu tranh đặc biệt này, Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định thuận lợi hơn cho quá trình thiết lập chứng cứ; cho phép các cơ quan chống tham nhũng áp dụng các biện pháp điều tra bí mật cần thiết. Bởi lẽ, tài liệu thu thập bí mật trong quá trình trao đổi, mặc cả giữa các bên liên quan tham nhũng thường phản ánh rõ nét bản chất tội phạm và có thể cá thể hóa trách nhiệm dễ dàng. Các hoạt động bí mật như ghi âm, ghi hình... có sự đồng ý tự nguyện của một trong các bên liên quan đến tham nhũng cần phải được công nhận. Ðương nhiên hoạt động này phải được Viện Kiểm sát, Tòa án kiểm soát chặt chẽ cả về quyền hạn, thủ tục, quy trình, nội dung thông tin cần thu thập... để bảo đảm tự do cá nhân, chống lạm dụng, vi phạm nhân quyền.
PGS, TS NGUYỄN HÒA BÌNH (Bộ Công an)
|