Thành lập các Hãng hàng không tư nhân: Thủ tướng mới có quyền quyết định
Theo tờ trình của Chính phủ thì Luật Hàng không dân dụng (HKDD) hiện hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật HKDD là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu này. Tờ trình của Chính phủ cũng như dự thảo của dự luật mới đây đã thể hiện quan điểm hội nhập cao, trong đó một trong các phần quan trọng của dự luật là cho phép thành lập các Hãng hàng không tư nhân, cho phép các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh và xóa bỏ sự nhập nhằng - bất cập giữa quản lý Nhà nước với kinh doanh hiện nay. Dự luật cũng bổ sung thêm nhiều điều khoản liên quan đến An ninh hàng không, bồi thường thiệt hại đối với hành khách, vấn đề điều tiết giờ bay, thuê và cho thuê máy bay v.v. So với Luật HKDD hiện hành, dự luật bổ sung thêm 3 chương mới với các nội dung chính vừa nêu và bỏ hai chương liên quan đến thanh tra hàng không và xử lý vi phạm khi tranh chấp đã được quy định tại các Luật, Bộ luật khác. Theo ban soạn thảo, tại phiên thảo luận về dự luật của UBTVQH vừa qua, phần các Ủy viên UBTVQH cho rằng luật mới cần điều chỉnh hoặc quy định lại những vấn đề còn chưa rõ tại luật cũ; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp và cố gắng luật hóa các quy định tránh phải hướng dẫn bằng nhiều văn bản dưới luật. Nhiều ý kiến cho rằng có nhiều quy định tại dự luật còn chung chung, đặc biệt nếu dự luật không quy định cụ thể các điều khoản sẽ áp dụng với tàu bay quân sự, hải quan và cảnh sát v.v. thì sẽ điều chỉnh theo luật nào? Ban soạn thảo cho biết: Các loại tàu bay quân sự, hải quan, cảnh sát do các bộ, ngành đó điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật vì những máy bay này làm nhiệm vụ mà không kinh doanh thương mại. Đối với máy bay công vụ (như chuyên cơ phục vụ lãnh đạo cấp cao) cũng có điều lệ riêng mà không chịu sự điều chỉnh của dự luật này.
Một vấn đề được rất nhiều Ủy viên UBTVQH đặt ra trong phiên họp thứ 32 là: Ai có quyền cho phép thành lập các Hãng hàng không tư nhân (kể cả yếu tố nước ngoài tham gia kinh doanh)? Ban soạn thảo và Bộ trưởng Giao thông vận tải khi giải trình đều thống nhất quan điểm cho rằng, Bộ trưởng GTVT chỉ có quyền xem xét các đề án xin thành lập và nếu đủ điều kiện thì đề nghị Thủ tướng quyết định. Trong dự luật đang gấp rút hoàn tất, những quy định này vẫn giữ nguyên. Đối với việc các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này, kể cả nước ngoài, dự luật đã quy định mở hết cỡ theo quy định của pháp luật về đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, hàng không là lĩnh vực liên quan rất nhiều đến an ninh trong đó có an ninh hàng không nên chúng ta mở cũng phải cân nhắc kỹ và có lộ trình phù hợp. Riêng việc thành lập Hãng hàng không tư nhân thì nên quy định Thủ tướng có thẩm quyền này, Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình nói tại một cuộc họp tổ chuyên gia tham gia xây dựng luật Bộ GTVT tuần qua.
Sẽ có một thị trường cạnh tranh nóng?
Theo các quy định của dự luật và nếu QH thông qua cuối năm nay, thị trường hàng không sẽ bước vào một cuộc cạnh tranh mới. Có thể hiểu ngắn gọn về sự cạnh tranh này như sau: Việt Nam sẽ có thêm nhiều Hãng hàng không tư nhân và việc điều tiết giờ bay, quy định giá vé, bồi thường thiệt hại khi chậm giờ, trễ chuyến sẽ không còn chuyện Vietnam Airlines điều hành, khống chế như hiện nay. Cơ quan quản lý Nhà nước - Cục HKDDVN sẽ chỉ làm những công việc có tính quản lý vĩ mô thuộc ngành như quy định của luật mới. Phần hoạt động rất rộng lớn còn lại của ngành hàng không sẽ được áp dụng theo cơ chế mở hơn và khách hàng có nhiều sự lựa chọn.
Kỳ vọng về một ngành hàng không cạnh tranh theo cơ chế thị trường hoàn toàn có cơ sở khi mới đây Pacific Airlines chính thức có ý định bán 30% cổ phần của Hãng (trị giá 50 triệu USD) cho Công ty Đầu tư tài chính Tesmasek Holding Ltd (Singapore). Còn Thứ trưởng Giao thông vận tải kiêm Cục trưởng Cục HKDDVN Nguyễn Tiếm Sâm thì cho biết, một thị trường hàng không năng động là điều có thể làm trong tầm tay. Vấn đề là các quy định sẽ cụ thể đến đâu và hấp lực của môi trường kinh doanh sẽ hấp dẫn ra sao để thu hút đầu tư và thực hiện xã hội hóa lĩnh vực này. Nhóm chuyên gia tham gia soạn thảo dự luật cũng cho biết, các quy định của luật mới đã căn bản xóa bỏ tình trạng "một mình một chợ" tồn tại nhiều năm qua trong hoạt động hàng không.
|