Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an khởi tố bị can, bắt và khám xét tám đối tượng trong vụ án "cố ý làm trái và sản xuất, buôn bán hàng giả" liên quan đến việc đấu thầu mua 312.000 điện kế điện tử (ĐKĐT) tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, mới đây, Viện KSND tối cao đã nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiến hành tố tụng đối với đại biểu Quốc hội Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.
Ông Lê Minh Hoàng sinh năm 1945 tại Cà Mau, thường trú tại số 9 Thái Văn Lung, Q.1, TP Hồ Chí Minh, là Giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh từ năm 1998 đến tháng 7-2005.
Trong vụ án ĐKĐT, qua điều tra cho thấy, ngày 1-10-2003, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản số 2780 phê duyệt kế hoạch mua sắm thiết bị của Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, trong đó xác định rõ "gói thầu ĐKĐT là 40.000 chiếc, giá 340.000 đồng/chiếc, không điều chỉnh giá, giao cho ông giám đốc công ty lập hồ sơ mời thầu theo đúng quy chế hiện hành".
Trong quá trình thực hiện, ông Lê Minh Hoàng đã tự ý phê duyệt kế hoạch đấu thầu tại văn bản số 2154 ngày 7-11-2003 có số lượng 10.000 ĐKĐT, giá 580.000 đồng/chiếc; sau đó ký hợp đồng mua 312.000 ĐKĐT trị giá 171 tỷ đồng. Rõ ràng việc làm này của ông Lê Minh Hoàng (thay đổi số lượng, giá trong đấu thầu và mua ĐKĐT không báo cáo EVN) là vi phạm các quy định về quản lý, vi phạm quy chế đấu thầu. Chưa hết, ông Hoàng đã phê duyệt hồ sơ mời thầu quốc tế tại quyết định số 4102 ngày 7-11-2003 và phê duyệt tiêu chuẩn xét thầu tại quyết định số 4550 ngày 8-12-2003 với nội dung hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn xét thầu không đúng quy định yêu cầu cụ thể về kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu. Việc làm này vi phạm điều 29, Nghị định 88 và Nghị định số 55/NĐ-CP sửa đổi quy chế đấu thầu.
Đáng chú ý, việc mở thầu, đánh giá gói thầu với hồ sơ dự thầu của nhà thầu Linkton Singapore không đáp ứng cơ bản các điều kiện của hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn xét thầu; Giấy phép đăng ký kinh doanh của nhà thầu Linkton không xác định có ngành nghề sản xuất ĐKĐT, không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), không có chứng chỉ ISO... nhưng ngày 14/1/2004, ông Hoàng vẫn ký quyết định số 162 phê duyệt "kết quả xét thầu" và có thông báo trúng thầu cho nhà thầu Linkton Singapore. Những việc làm này đã vi phạm điều 27 Nghị định 88/CP về hồ sơ dự thầu.
Sau đó, việc ông Hoàng ký hợp đồng với Công ty Linkton mua 10.000 ĐKĐT trị giá 6,3 tỷ đồng (sản xuất tại Singapore) không qua thương thảo hợp đồng, và ký tại thời điểm giấy đăng ký kinh doanh của Linkton đã hết hiệu lực cũng là vi phạm quy chế đấu thầu, vi phạm quy định của EVN. Tiếp theo, từ 18-2-2004 đến 31-12-2004, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh ký 13 hợp đồng với Công ty Linkton mua 302.000 ĐKĐT (ông Lê Minh Hoàng ký 10 hợp đồng, Phó giám đốc Lê Văn Hoành ký 3 hợp đồng) thì cũng chính ông Lê Minh Hoàng ký duyệt trả tiền trị giá 171 tỷ đồng. Theo kết luận của Bộ Khoa học và Công nghệ tại văn bản số 2141 ngày 17-8-2005 thì "đã đủ cơ sở xác định" lô hàng ĐKĐT trên là hàng giả mạo (giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ). Chính phủ đã có chỉ đạo không được sử dụng số ĐKĐT này và phải tháo dỡ số đã đưa vào sử dụng, đền bù thiệt hại cho khách hàng.
Khi bị cơ quan CSĐT gọi hỏi, ông Lê Minh Hoàng thừa nhận quá trình tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng mua 312.000 ĐKĐT là không đúng quy định của EVN và quy chế đấu thầu. Với cương vị là giám đốc, ông Hoàng "xin chịu trách nhiệm" với nguyên nhân là... "do quá tin tưởng vào tham mưu của cấp dưới, thiếu kiểm tra đôn đốc". Và "quá trình đấu thầu, ký và thực hiện hợp đồng không thấy cấp dưới báo cáo khó khăn và thay đổi xuất xứ hàng hóa, đến đầu tháng 6-2005, khi báo chí đưa tin thì mới biết" (?).
Cơ quan CSĐT xác định, việc ông Hoàng được EVN ủy quyền thực hiện đấu thầu, mua sắm 312.000 ĐKĐT đã có nhiều sai phạm. Việc làm này gây hậu quả nghiêm trọng với giá trị lô hàng là 171 tỷ đồng được xác định là hàng giả, không được phép sử dụng, gây thiệt hại cho khách hàng, dư luận xã hội quan tâm bức xúc. Ông Hoàng là người đã ký trình kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả xét thầu, ký duyệt thanh toán tiền, do vậy phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Hành vi của ông Hoàng có dấu hiệu phạm tội "cố ý làm trái..." theo điều 165 Bộ luật Hình sự, cần được xem xét xử lý hình sự.
Bãi miễn tư cách đại biểu QH của ông Hoàng trong kỳ họp thứ 8? Chương trình làm việc của phiên họp thứ 33 không có nội dung xem xét tư cách đại biểu Quốc hội Lê Minh Hoàng, nguyên Giám đốc công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho biết: bất kỳ khi nào nhận được đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, nơi giới thiệu đại biểu Hoàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét. Phó chủ tịch còn khẳng định, nếu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh đề nghị kịp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trình Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Minh Hoàng ngay tại kỳ họp thứ 8 tới đây (khai mạc ngày 18-10-2005). Ông Trương Quang Được cũng cho biết, việc cơ quan điều tra đang đề nghị khởi tố đại biểu Lê Minh Hoàng theo luật Tổ chức Quốc hội là đúng luật, không cần xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trừ trường hợp bắt giam, truy tố, khám xét nơi làm việc của đại biểu).
|
|