Từ "50% không có"...
Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm "Người điều khiển xe cơ giới không có GPLX theo quy định". Cũng tại Điều 53 của Luật này, xác định "Người lái xe tham gia giao thông phải có GPLX phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp". Quy định như vậy, nhưng trên thực tế rất nhiều người điều khiển xe cơ giới không có GPLX.
Các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiều vụ tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 1A, 5A... cho chúng tôi biết: Qua thực tế kiểm tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý vi phạm của người tham gia giao thông trên đường thì số vi phạm không có GPLX, đặc biệt là với xe máy, thường chiếm tỷ lệ cao. Ở nhiều vùng nông thôn, người điều khiển xe máy, xe công nông (đầu ngang, đầu dọc) cứ vô tư nhảy lên lái xe chẳng cần GPLX. Tại một số trường học ở thành phố, thị xã, học sinh không có bằng lái, chưa đủ tuổi vẫn phóng xe máy vèo vèo, bất chấp quy định của nhà trường và pháp luật. Còn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, số người điều khiển xe cơ giới thiếu GPLX càng nhiều hơn. Theo thông tin từ cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai, tính đến đầu năm 2006, toàn tỉnh vẫn còn đến 50% người điều khiển xe máy trong các xã vùng cao không có GPLX.
Đến "có cũng như không"?
Ngay cả những người đã có GPLX thì một tỷ lệ không nhỏ "có cũng như không", bởi đó là GPLX rởm, giả, bất hợp pháp. Không ít GPLX mà chủ của nó không phải học một giờ nào, cứ đưa ảnh, nộp tiền là có. Một số trường hợp người mù chữ vẫn được cấp GPLX. Mới đây, lực lượng cảnh sát giao thông công an thành phố Hải Phòng phát hiện, thu giữ hàng chục GPLX lái xe ô-tô giả con dấu và chữ ký. Tình trạng làm giả GPLX xảy ra liên tiếp, nghiêm trọng ở hàng chục địa phương.
Tại Hà Nam, Thái Bình từng có hàng chục bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa, chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật vì hành vi liên quan đến GPLX bất hợp pháp. Gần đây, tiếp tục xảy ra nhiều vụ làm, mua bán GPLX giả. Chỉ xin nêu mấy vụ lớn từ tháng 12- 2005 đến nay: Công an thành phố Đà Nẵng phá vụ án làm GPLX giả, bắt giữ hai bị can Ngô Văn Hùng và Hồ Văn Minh, bước đầu Hùng khai nhận đã làm, tiêu thụ hơn 1.500 GPLX mô-tô giả. Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đưa ra truy tố hai đối tượng chủ mưu trong đường dây chuyên thi hộ và làm giả GPLX.
Công an tỉnh Sơn La phát hiện vụ làm giả hàng trăm GPLX mô tô, trong đó có người phải chi 1,6 triệu đồng cho một GPLX giả. Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt giam nhiều bị can trong vụ án lớn, kéo dài nhiều năm trên địa bàn tám tỉnh, thành phố chuyên làm giấy tờ giả, trong đó có những GPLX giả giá bán, mua lên đến 2,5 triệu đồng/chiếc. Ngày 10-1-2006 vừa qua, Công an tỉnh Hà Nam bắt quả tang Phạm Huy Chính, 31 tuổi, quê ở Nam Định, là thợ sửa chữa xe máy ở phố Cà, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, đang bán GPLX giả, thu giữ gần 20 GPLX hạng A1 giả...
Cần biện pháp đồng bộ và kiên quyết
Không có GPLX, sử dụng GPLX giả, bất hợp pháp thường gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng với hậu quả thật nặng nề. Việc phòng ngừa thảm họa được báo trước đó rất cần những chủ trương, biện pháp tích cực, đồng bộ và kiên quyết.
Trước hết, phải làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục về Luật an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, để họ thấy được tầm quan trọng và sự cần thiết của GPLX, từ đó trang bị cho mình GPLX theo đúng quy định hiện hành. Đây là yêu cầu khách quan, việc làm bắt buộc mà chỉ trên cơ sở tự giác thì người tham gia giao thông mới có thể thực hiện nghiêm túc và triệt để nhất. Có bằng lái đúng, đủ, luôn mang theo người khi tham gia giao thông phải trở thành thói quen, hành vi cần thiết của mỗi cá nhân. Đồng thời, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý mọi trường hợp sai phạm về GPLX theo quy định. Chỉ tính trong năm 2005, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hải Phòng đã xử lý hơn 124.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó tước gần 10.000 GPLX, đánh dấu và xử phạt hơn 17.000 GPLX khác, qua đó góp phần tạo ra chuyển biến tích cực về bảo đảm an toàn giao thông trên dịa bàn thành phố. Dư luận cho rằng, chế tài xử phạt (mức tiền, thời gian giữ xe) do vi phạm về GPLX là chưa đủ mạnh, tính răn đe còn hạn chế cần được nghiên cứu bổ sung cho hợp lý. Cơ quan pháp luật tập trung tấn công mạnh mẽ, bóc gỡ, trừng phạt nghiêm khắc các đường dây, ổ nhóm chuyên làm giả, mua bán, sử dụng GPLX bất hợp pháp. Chú ý bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác thi, kiểm tra, cấp GPLX, ngăn chặn và xử lý những trường hợp gây phiền nhiễu, lợi dụng sơ hở để làm liều, thu lợi bất chính trong lĩnh vực này.
Trước nhu cầu được cấp GPLX ngày càng tăng của người tham gia giao thông, Nhà nước và ngành chức năng cần có những quy định chặt chẽ, khoa học, phù hợp để việc thi và cấp GPLX ngày càng hoàn thiện, chính xác và thuận lợi hơn. Trước mắt, cần có ngay giải pháp tình thế để chấn chỉnh và giải tỏa sự quá tải của các trung tâm đào tạo, thi và sát hạch GPLX.
Vừa qua, Bộ Giao thông-Vận tải ra Quyết định số 72/QĐ-GTVT về việc ban hành Quy chế quản lý, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, được dư luận rất đồng tình. Những biện pháp tích cực được triển khai, như: Từ 1-1-2006, tất cả các trung tâm sát hạch lái xe trên cả nước phải thi thực hành lái xe ô-tô trên hệ thống chấm điểm tự động theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông-Vận tải quy định; Các địa phương không có trung tâm sát hạch đủ tiêu chuẩn sẽ không được sát hạch... Có quy định rõ ràng thì việc thực hiện phải được triển khai nhanh chóng và nghiêm túc, tránh tình trạng chạy theo số lượng hay lợi ích vật chất không chính đáng, dẫn đến "phép vua thua lệ làng", thậm chí vi phạm pháp luật.
Thực hiện tốt những quy định về GPLX, kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khác, sẽ là cơ sở để chúng ta hạn chế thấp nhất tình trạng tai nạn giao thông - nỗi đau thường ngày trên phạm vi cả nước.
|