Để luật Giao dịch điện tử không còn xa vời với người dân
Các Website khác - 18/01/2006
Có hiệu lực từ 1-3 tới, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) sẽ điều chỉnh các hoạt động GDĐT của các cơ quan nhà nước, cũng như trong các lĩnh vực khác như dân sự, kinh doanh, thương mại... Tuy nhiên, GDĐT và các ứng dụng của nó là những vấn đề còn khá mới mẻ, không chỉ với người dân mà với cả các cơ quan có trách nhiệm thực thi luật.
Việc một bộ luật có sớm đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào các phương án thực thi Luật GDĐT cũng không nằm ngoài quỹ đạo này. Về mảng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng luật, có thể nói Luật GDĐT là một trong những luật có các nghị định (NĐ) được xây dựng nhanh chóng nhất, gần như song hành với tiến trình xây dựng luật.

Các NĐ GDĐT trong lĩnh vực ngân hàng, GDĐT trong lĩnh vực tài chính, NĐ thương mại điện tử, NĐ chứng thực số và chữ ký số do Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ BCVT xây dựng đều đã trong khâu hoàn thiện cuối cùng để trình Chính phủ. Với hệ thống NĐ hướng dẫn khá đầy đủ này, Luật GDĐT sẽ nhanh chóng phát huy hiệu lực điều chỉnh các hoạt động. GDĐT trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, GDĐT là những vấn đề còn khá mới mẻ không chỉ với người dân mà với cả các cơ quan có trách nhiệm thực thi luật. Chính vì vậy công tác phổ biến luật đóng một vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, để "kéo" Luật GDĐT lại gần với người dân, cho dân dễ hiểu, dễ áp dụng, Chính phủ phải thực hiện rất nhiều các động thái hỗ trợ cần thiết.

Tại Hồng Công, khi Luật GDĐT được ban hành, Chính phủ đã lên ngay kế hoạch sao cho mỗi người dân đều có thể tham gia các GDĐT phục vụ cho cuộc sống của mình. Sự hỗ trợ của Chính phủ thể hiện ở các hoạt động như tổ chức tuyên truyền rộng rãi những lợi ích của GDĐT cho nhân dân, kêu gọi người dân sử dụng GDĐT tiến hành các hoạt động giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước để không phải đóng phí như giao dịch thông thường, thay toàn bộ thẻ căn cước đang lưu hành bằng thẻ căn cước điện tử có chữ ký số có khả năng lưu giữ nhiều thông tin nhân thân hơn (việc thay thế này sẽ hoàn thành vào giữa năm nay)... Đặc biệt, Chính phủ còn cho đặt nhiều trạm máy tính công cộng sử dụng miễn phí để người dân có thể giao dịch với các dịch vụ công.

TS.Mai Anh - Ủy viên Ủy ban KHC- NMT Quốc hội, thành viên Tổ biên tập Luật GDĐT cho biết ông rất lo lắng về công tác tuyên truyền Luật GDĐT. Người dân hiện nay đại đa số còn không có chút kiến thức nào về GDĐT thì nói gì đến chuyện ứng dụng GDĐT. Thậm chí nhiều DN còn không biết Luật GDĐT có từ khi nào và để làm gì. Ông Mai Anh cho rằng, Chính phủ cần có những hoạt động tích cực để tuyên truyền phổ biến Luật GDĐT, vì đây chính là một trong những chìa khóa giúp công cuộc cải cách hành chính thành công.

Nhìn từ góc độ thực thi luật, có thể nói hiện nay khái niệm GDĐT vẫn còn khá xa vời với nhiều cơ quan thực thi trong đó có hệ thống cơ quan tố tụng. Bước đầu, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã coi việc giao dịch thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu như một hình thức giao dịch bằng văn bản (Điều 124), Luật Thương mại năm 2005 cũng thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại (Điều 15). Sự công nhận này cần được tiếp tục trong các luật hình sự (như quy định về tội phạm máy tính), tố tụng (quy định quy trình thu thập chứng cứ là thông điệp dữ liệu). Bên cạnh đó công tác đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với yêu cầu công việc mới cũng rất quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa luật.

Theo Pháp luật Việt Nam