Sáng 19-2, hai chiến sĩ CSGT Hải Phòng đang làm nhiệm vụ tại một ngã tư đường phố, phát hiện một phụ nữ điều khiển xe máy vượt đèn đỏ. Các chiến sĩ đuổi theo yêu cầu dừng xe. Lúc ấy, xuất hiện một thanh niên đến "xin" cho cô gái nói trên. Thấy thái độ cương quyết của CSGT, gã bất ngờ giật gậy chỉ huy giao thông vụt liên tiếp vào một cảnh sát, làm gãy bàn tay trái. Khi mọi người chạy đến hỗ trợ CSGT, y chạy mất.
Trước đó, vào khoảng 23 giờ ngày 8-2-2006 (tức 11 Tết Bính Tuất), Hạ sĩ Vương Thành Dũng (CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh) điều khiển xe mô-tô cùng Ðại úy Ðặng Quang Ðịnh, cán bộ Cục CSGT đường bộ (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an), tuần tra lưu động trên tuyến quốc lộ 1A cũ, thuộc địa bàn xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh, phát hiện xe ô-tô tải, biển kiểm soát 29T - 0392 chạy trên đường, nhưng không có đèn chiếu sáng. Ngay lập tức, đại úy Ðịnh ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy trình. Chiếc xe tải, áp sát lề bên phải, giảm tốc độ và dừng lại. Nhưng, khi hai CSGT vừa dừng mô-tô trước đầu xe tải thì bất ngờ lái xe rồ ga đâm thẳng, làm hai cảnh sát cùng xe mô-tô ngã ra đường, bánh xe tải đè lên đại úy Ðịnh, đồng thời kéo rê hạ sĩ Dũng và xe mô-tô khoảng 10 mét.
Hành vi côn đồ, chống người thi hành công vụ của Phương Anh Dũng (lái xe tải) đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù đã được quần chúng nhân dân gần đó và đồng đội đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng đồng chí Ðịnh đã hy sinh ngay trên đường đến bệnh viện, đồng chí Dũng thì bị thương nặng.
Trên đây chỉ là hai trong hàng chục trường hợp cảnh sát đang thi hành công vụ bị hành hung, tiến công gây thương tích, tổn thất về người và sức khỏe vừa qua. Những ngày đầu xuân Bính Tuất, chúng tôi về Hải Phòng, bên cạnh niềm vui xuân mới, vẫn còn nghe bà con và đồng đội của Thiếu tá Bùi Tiến Tường nhắc lại chuyện anh đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Với họ, thời gian tuy đã lùi khá xa, nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Ðể ngăn chặn một vụ ẩu đả, gây rối của một nhóm lưu manh, côn đồ, Thiếu tá Tường (Phó trưởng Công an phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng), đã bị bọn côn đồ dùng dao và gậy tiến công, anh đã ngã xuống trong sự tiếc thương vô hạn của bà con và đồng đội.
Theo thống kê ban đầu của Bộ Công an, năm 2005, trên phạm vi cả nước, có hơn 300 vụ tiến công, chống người thi hành công vụ, hơn 50% trong số đó là các vụ tiến công, hành hung lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Xét ở khía cạnh sâu xa, hành vi này không chỉ trực tiếp xâm hại tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, mà còn làm giảm uy tín, tính nghiêm minh của pháp luật, làm mất trật tự trị an trong xã hội và ít nhiều tạo ra những bức xúc, lo lắng trong một bộ phận nhân dân. Từ thực tiễn một số vụ chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống lại lực lượng cảnh sát khi họ đang thừa hành nhiệm vụ những năm gần đây cho thấy, tính chất và mức độ nguy hiểm của các hành vi nói trên có chiều hướng ngày càng phức tạp. Ðã đến lúc dư luận cần cảnh báo và lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm này.
Có một điều rất dễ nhận ra, hầu hết những kẻ chống lại người thi hành công vụ đều rơi vào lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, những đối tượng có trình độ văn hóa thấp, thiếu sự giáo dục, dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng, năm 2005, toàn thành phố có năm vụ hành hung, tiến công CSGT khi họ đang thi hành công vụ, thì cả năm vụ các đối tượng đều là những thanh niên, thiếu niên hư hỏng.
Vụ chống người thi hành công vụ xảy ra ngày mồng 5 Tết ở Ðền Hùng mà cơ quan công an Phú Thọ đang điều tra, hầu hết đối tượng đều là thanh, thiếu niên, tên trẻ nhất trong số 32 đối tượng bị khởi tố mới 16 tuổi. Ngay cả tên Phương Anh Dũng, kẻ đã lao xe đâm chết đại úy Ðịnh như đã kể trên, năm nay cũng mới 23 tuổi. Thực tế này đang cho thấy, công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục pháp luật; ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhiều thanh, thiếu niên đang nổi lên những vấn đề đáng bàn. Họ sẵn sàng lăng mạ, chửi bới và tiến công cảnh sát với nhận thức rất đơn giản: - Mấy ông này là quái gì mà "ghê gớm" thế. Hoặc, các ông ấy có quyền gì mà can thiệp vào "việc riêng" của người khác. Nhưng, họ cần phải hiểu rằng, trong khi thi hành công vụ, cảnh sát được giao nhiệm vụ phải giữ gìn sự bình yên cho xã hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trước khi hành vi đó gây ra hậu quả đáng tiếc.
Vấn đề là ở chỗ, pháp luật phải nghiêm minh. Người thi hành pháp luật và người vi phạm đều phải tôn trọng pháp luật. Không phủ nhận rằng, thực tế có nhiều lý do để biện hộ cho việc ai đó có hành vi chống lại người thi hành công vụ, và cũng không thể phủ nhận rằng đâu đó, trong một vài hoàn cảnh cụ thể, vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ công an cư xử với dân chưa đúng mực, thậm chí là sách nhiễu, tiêu cực. Song, nhìn một cách tổng thể và khách quan, mấu chốt của vấn đề vẫn là do đạo đức và lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay trong xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ai dám chắc, hành vi điều khiển xe ô-tô không có đèn chiếu sáng của tên Phương Anh Dũng kia (bản thân hắn cũng không có giấy phép lái xe), nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ không gây ra tai nạn cho người vô tội? Và ai biết được, vụ ẩu đả của nhóm lưu manh côn đồ xảy ra trên địa bàn phường Hùng Vương hôm ấy, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Thiếu tá Bùi Tiến Tường, sẽ có bao người phải bỏ mạng vì một cuộc đâm chém? Rõ ràng, trong mọi trường hợp và hoàn cảnh, dù lúc nào, ở đâu, xã hội luôn rất cần sự có mặt của lực lượng cảnh sát. Và tất nhiên, lực lượng cảnh sát cũng rất cần có sự hậu thuẫn vô cùng mạnh mẽ từ nhiều phía, nhiều lực lượng, mà nòng cốt và kịp thời nhất chính là từ phía quần chúng nhân dân. Những chiến sĩ cảnh sát nhân dân chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân và họ xứng đáng nhận được sự tin yêu, giúp đỡ hết mình từ nhân dân.
|