Khi người nông dân cả tin...
Ngày 7-12, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Viên, ngụ ấp Trung Đông, Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn,TP Hồ Chí Minh. Ông Viên kể: khoảng tháng 5-2004, biết gia đình ông đang gặp khó khăn, bà Tiêu Thị Anh (sinh 1955), ngụ cùng xã Thới Tam Thôn, tìm đến nhà gợi ý nếu muốn vay tiền ngân hàng lãi suất thấp thì bà ta sẽ giúp đỡ làm thủ tục.
Nghe theo lời bà Anh, ông Viên đưa toàn bộ giấy tờ để bà lên UBND xã xin xác nhận tình trạng nhà đất, làm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Theo ông Viên, những thủ tục này bà Anh đều tự làm hết và đưa cho ông ký. Ông cũng không hề thấy nhân viên của ngân hàng xuống khảo sát nhà và đất trước khi đồng ý cho thế chấp.
Tại hợp đồng thế chấp tài sản được UBND xã Thới Tam Thôn xác nhận ngày 11-5-2004 thì số tiền vay là 50 triệu đồng. Nhưng có một điều rất không bình thường giữa các con số, đó là bà Anh đã chừa một khoảng trống giữa chữ số 0 của hàng chục triệu và số 0 hàng trăm nghìn, đồng thời ở hàng phía dưới dành để ghi số tiền bằng chữ thì bà Anh đã cố tình không ghi chữ nào.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, bà Anh cho xe đến tận nhà chở ông Viên lên Quỹ tín dụng trung ương - chi nhánh TP Hồ Chí Minh (đường Trịnh Văn Cấn, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) để nhận tiền. Lúc ký nhận tiền, ông Viên ngớ người khi nhân viên tín dụng giao cho ông số tiền vay lên đến 500 triệu đồng. Tưởng có sự nhầm lẫn, ông Viên kiểm tra lại hợp đồng tín dụng thì mới biết rằng đúng là con số 500 triệu đồng.
Đến lúc này ông Viên mới lờ mờ hiểu ra chính bà Anh hoặc ai đó đã ghi chen vào khoảng trống thêm con số 0 (thành 500 triệu đồng), đồng thời bên dưới đã ghi thêm dòng chữ “năm trăm triệu đồng chẵn”. Ông Viên thắc mắc về số tiền này, bà Anh trấn an: “Cứ yên tâm nhận đi. Tới kỳ đáo hạn tui trả cho, kể cả tiền lãi hằng tháng”.
Trên đường về, bà Anh cho xe dừng lại rồi chìa ra cho ông Viên một bản “hợp đồng góp vốn” đã được bà soạn sẵn và ký tên với nội dung: bên A đại diện là Trần Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Tài (13/7 quốc lộ 1A, khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) và Tiêu Thị Anh là người bảo lãnh để vay của ông Viên 300 triệu đồng. Bà Anh tiếp tục thuyết phục: “Chú cứ cho tôi vay 300 triệu đồng. Yên tâm đi, tới kỳ đáo hạn nếu chú không có khả năng trả thì tôi lo hết, cả tiền lãi hằng tháng của chú”.
Tin lời ngon ngọt của bà Anh, ông Viên đã đưa cho bà ta 300 triệu đồng, phần mình giữ lại 200 triệu đồng. Sau khi giao tiền, bà Anh đòi ông Viên phải trả cho bà 12% trong số tiền 200 triệu đồng (bằng 24 triệu đồng) mà bà nói là “tiền lo các thủ tục thế chấp, vay tiền hay còn gọi là tiền dịch vụ”.
Tuy nhiên, đến thời hạn trả tiền bà Anh vẫn cố tình lờ đi. Ngay cả tiền lãi hằng tháng bà Anh cũng nuốt lời hứa. Trong khi đó, cán bộ Quỹ tín dụng trung ương đã hai lần đến nhà ông yêu cầu trả tiền lãi. Ông Viên mếu máo: “Vì tin lời ngon ngọt của bà Anh mà vợ chồng tôi phải gánh một khoản nợ quá lớn. Hiện vợ chồng tôi đã già yếu, hết khả năng lao động, con trai thì bệnh nặng nằm một chỗ... Tôi không còn biết phải xoay xở sao đây, trong khi đó đã sắp tới kỳ đáo hạn, tiền lãi, tiền gốc nợ chồng chất...”.
Cùng chung “số phận” với ông Viên còn có anh Lê Văn Tuấn (ngụ ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn) chỉ vay 45 triệu đồng bị bà Anh “biến” thành 450 triệu đồng; hộ bà Trần Thị Ơi (ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn) vay 50 triệu nhưng được Tiêu Thị Anh “nâng” lên thành... 700 triệu đồng; hộ ông Đặng Văn Chạ trong hợp đồng lưu tại UBND xã chỉ vay 50 triệu, còn trong hợp đồng lưu tại Quỹ tín dụng trung ương ghi số tiền vay lên đến 450 triệu đồng; hộ ông Phan Văn Bé, trong hợp đồng lưu tại UBND xã ghi số tiền vay 100 triệu đồng nhưng trong hợp đồng lưu tại Quỹ tín dụng trung ương được bà Anh nâng lên 600 triệu đồng...
Một số trường hợp UBND xã không lưu hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng có ghi lại trong sổ theo dõi của UBND xã, trong đó cũng thể hiện số tiền xin vay chỉ từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, nhưng hợp đồng lưu tại Quỹ tín dụng trung ương chi nhánh TP Hồ Chí Minh đều đã được “nâng” lên với mức thấp nhất là 220 triệu đồng, cao nhất 600 triệu đồng.
Tiền tỷ của Nhà nước có nguy cơ mất trắng!
Hợp đồng thế chấp ghi số tiền vay chỉ 50 triệu đồng nhưng đã bị biến thành 500 triệu đồng bằng cách thêm số 0 vào chỗ trống, rồi sau đó ghi thêm dòng chữ "năm trăm triệu đồng".
| Phó chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn Trần Văn Châu cho biết đã nắm được vụ việc. Tuy nhiên xã chỉ xác nhận theo tình trạng nhà và đất theo quy định để giúp nông dân vay vốn phục vụ sản xuất, chứ không thể biết các thủ tục tiếp theo khi ra Quỹ tín dụng trung ương. Ông Cao Anh Tuấn, cán bộ địa chính xã, cho biết thêm khi tiếp nhận hồ sơ có trường hợp nào nghi ngờ tranh chấp thì mới xuống kiểm tra, còn thì xác nhận hết. Các thủ tục cho vay hoặc khảo sát, định giá tài sản thế chấp là trách nhiệm của nơi cho vay tiền.
Theo xác minh của cơ quan chức năng, trong hai năm 2003-2004 Quỹ tín dụng trung ương chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã làm thủ tục cho 85 hộ dân vay tiền trị giá trên 40 tỷ đồng, tài sản thế chấp là đất và nhà ở. Số tiền các hộ dân vay được chỉ sử dụng một phần nhỏ, còn phần lớn đều rơi vào tay Tiêu Thị Anh và Trần Anh Tuấn, trị giá khoảng 27 tỷ đồng.
Toàn bộ hồ sơ thủ tục vay tiền đều do Tiêu Thị Anh và Trần Anh Tuấn thực hiện. Nhưng để thực hiện trót lọt việc vay tiền (có kèm theo dấu hiệu sửa chữa tài liệu, chứng từ ) theo cơ quan chức năng là “có dấu hiệu móc ngoặc, thông đồng với các cán bộ của Quỹ tín dụng trung ương chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh”. Đáng lưu ý là qua xác minh bước đầu số hợp đồng thế chấp của các xã tại hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đã phát hiện 21 trường hợp có dấu hiệu sửa chữa tài liệu, chứng từ.
Ngày 1-3-2005, sau nhiều lần thất hẹn với người dân, Trần Anh Tuấn đã cao chạy xa bay ra nước ngoài “ôm” theo 13 tỷ đồng. Tiêu Thị Anh thì vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hiện nay, ngoài số tiền Tuấn đã chiếm đoạt bỏ trốn thì Quỹ tín dụng trung ương chi nhánh TP Hồ Chí Minh còn bị thất thoát hơn 7 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền thất thoát khó thu hồi lên đến hơn 20 tỷ đồng.
|