Chăm lo cho con người là mục đích của chủ nghĩa xã hội
Các Website khác - 28/10/2005
Ðại hội VI của Ðảng (1986) là đại hội đầu tiên đặt ra nhiệm vụ khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng CNXH, và định ra luận điểm hết sức coi trọng "yếu tố con người"; gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, lấy sự tôn trọng con người, quan tâm đến con người là tiêu chuẩn đạo đức thiết yếu, chú ý đến các đối tượng chính sách thiệt thòi.
Xuất phát từ thực trạng đất nước, trên cơ sở suy ngẫm nghiên cứu lý luận nói chung, trong đó có lý luận về con người và vai trò của nhân tố con người nói riêng, Ðảng và Nhà nước ta đã đổi mới một cách sâu sắc quan niệm về CNXH, về con đường xây dựng CNXH, về sự phát triển xã hội và về con người. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh "công việc đầu tiên là công việc với con người", Ðại hội VI của Ðảng (1986) là đại hội đầu tiên đặt ra nhiệm vụ khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng CNXH, và định ra luận điểm có ý nghĩa to lớn đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân ta là hết sức coi trọng "yếu tố con người", phát huy yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, lấy việc chăm lo con người làm mục đích của CNXH, lấy sự tôn trọng con người, quan tâm đến con người là tiêu chuẩn đạo đức thiết yếu, chú ý đến các đối tượng chính sách thiệt thòi.

Cương lĩnh mới của Ðảng thông qua tại Ðại hội VII (1991) đã khẳng định trong xã hội XHCN, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Trên đường phấn đấu tiến tới xã hội đó, trong 20 năm đổi mới, chúng ta coi đầu tư vào con người là đầu tư phát triển cho hiện tại và cho tương lai, thực hiện lòng mong ước của Bác Hồ và cũng là mong ước của nhân dân: "Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực, con người ngày càng được hưởng nhiều hơn những quyền cơ bản, nhất là quyền sống tự do và hạnh phúc. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000 khẳng định: Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con người; lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, coi nguồn lực con người là điều kiện quan trọng bậc nhất để công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Ðây cũng là quan điểm tiến bộ của loài người ở thời đại ngày nay. Ðại hội VIII (1996) tiếp tục đường lối đổi mới bắt đầu từ Ðại hội VI, triển khai nhận thức lý luận về con người vào các chính sách cụ thể, nhất là chính sách giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ như là quốc sách hàng đầu.

Ðại hội IX của Ðảng (2001) đã khẳng định tinh thần phải phát huy mạnh nhân tố con người, và xác định rõ thêm sự phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là những khâu đột phá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực tiễn 20 năm đổi mới là một bước phát triển lớn, một lần nữa khẳng định quan niệm của Ðảng ta về con người không phải là con người chung chung, phi giai cấp, phi dân tộc, mà là những người lao động, là quần chúng nhân dân, là chủ thể cụ thể của lịch sử. "Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người" (1). Ðảng ta đặt sứ mệnh giải phóng con người trong sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, trong đó giải phóng con người là mục tiêu cao nhất. Vấn đề dân tộc, giai cấp và vấn đề con người ở đây gắn bó hữu cơ với nhau. Con người chỉ được giải phóng khi dân tộc, giai cấp được giải phóng. Không có độc lập dân tộc thì giai cấp không có tự do, con người vẫn ở kiếp nô lệ. Ðối với những người Cộng sản Việt Nam, giải phóng con người là phấn đấu xây dựng xã hội công bằng, mọi người được sử dụng lao động và tiềm năng của mình để mưu cầu hạnh phúc cá nhân gắn liền với phục vụ lợi ích xã hội, mọi người được sống một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và được tạo điều kiện để phát triển toàn diện cá nhân, được giải phóng khỏi mọi sự nô dịch, được tự do phát triển về cá nhân, cá tính và nhân cách, được làm chủ bản thân và làm chủ xã hội: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"(2). Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta, chúng ta tiếp tục chăm sóc tốt con người và phát huy mọi tiềm năng và giá trị của con người, đưa đất nước thành một nước phát triển. Phát triển con người là yếu tố quan trọng nhất trong phát triển bền vững đất nước.

NÓI tổng quát, Cách mạng Tháng Tám đã đổi đời con người Việt Nam, chấm dứt kiếp nô lệ. Từ đó mới nói đến quyền con người, quyền công dân (nghĩa vụ và quyền), mới nói đến dân chủ, tự do, bình đẳng, hạnh phúc là những giá trị nổi bật trong sự phát triển con người. Sau khi giành lại được độc lập trên toàn lãnh thổ, thống nhất Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Ðảng và Nhà nước cùng nhân dân tập trung hơn vào đầu tư, chăm sóc sự phát triển con người: từ 5% số dân tăng lên 95% số dân biết chữ, trình độ học vấn bình quân trên đầu người tăng lên rõ rệt, thường xuyên 30% số dân đi học, xóa được nạn đói, tỷ lệ người nghèo giảm hẳn, sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ tăng lên hàng chục lần. Cơ chế mới, tình hình mới đã tạo nên những biến đổi trong sự phát triển con người, trong đó có biểu hiện tập trung ở sự chuyển động thang giá trị, định hướng giá trị khuyến khích con người tích cực, năng động, sáng tạo, dám cạnh tranh vượt qua thách thức, không chờ đợi bao cấp mà tự tạo cho mình có cuộc sống tốt hơn, đồng thời đóng góp cho gia đình, cộng động và xã hội.

Ở Việt Nam, phát triển con người cũng đã được biết tới từ lâu như là một khái niệm rất cơ bản trong "Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản" (1848) nổi tiếng. Ở đây trình bày thành tựu phát triển con người theo nội hàm và cách lượng hóa chung của thế giới: Của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia đó. Và mục đích của phát triển là tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép con người được hưởng cuộc sống dài lâu, khỏe mạnh và sáng tạo. Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, Chương trình phát triển LHQ (UNDP) đã đưa khái niệm này làm tiêu chí phát triển của từng nước hay vùng lãnh thổ, và quan trọng hơn là đã xác định cụ thể hệ tiêu chí và đưa ra cách tính toán rất chính xác từng tiêu chí, để đánh giá và xếp hạng trình độ phát triển của các nước trong LHQ theo hệ tiêu chí phát triển con người (tiếng Anh viết tắt là HDI) gồm một tiêu chí về thu nhập quốc dân đầu người (GDP/đầu người) và 2 tiêu chí về năng lực con người (giáo dục và sức khỏe), nhấn mạnh ý tưởng coi con người là nguồn lực vô tận, là nhân tố quyết định, là mục tiêu của sự phát triển, phê phán những quan điểm phiến diện, như chú trọng phát triển, nhưng vô tình hoặc cố ý "bỏ quên" con người, nhìn con người chỉ như là công cụ, là phương tiện của sự phát triển, v.v.

Từ năm 1990 đến nay, UNDP hằng năm công bố báo cáo phát triển con người. Báo cáo của Việt Nam được xuất bản năm 2001, với chủ đề Ðổi mới vì sự nghiệp phát triển con người, đã được đánh giá cao, được UNDP bình chọn tặng thưởng vào năm 2006.

Từ đó HDI đã trở thành công cụ xác định chiến lược phát triển của các quốc gia, thước đo đánh giá trình độ phát triển hằng năm trên thế giới - đây thật sự là một thành quả cực kỳ to lớn của chủ nghĩa nhân văn trong thời đại mới. Ðại hội IX (2001) Ðảng ta đã đưa HDI thành chỉ tiêu quốc gia. Các chỉ số HDI cơ bản được mang giá trị từ 0 đến 1; chỉ số giáo dục được coi là có giá trị bằng 1, khi 100% số người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc, biết viết; bằng 0, khi 0% số người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc, biết viết. Chỉ số tuổi thọ được coi là có giá trị bằng 1, khi tuổi thọ bình quân là 85 tuổi; bằng 0, khi tuổi thọ bình quân chỉ đạt 25 tuổi. Chỉ số kinh tế được coi là có giá trị bằng 1, khi GDP bình quân đầu người đạt 40.000 USD (tính theo PPP - giá trị sức mua của đồng tiền); bằng 0, khi GDP bình quân đầu người chỉ đạt 100 USD (tính theo PPP).

TRONG 15 năm qua, HDI của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nói lên thành tựu to lớn và quan trọng của đường lối đổi mới (xem bảng 1)

Bảng 1: HDI của Việt Nam

Năm Chỉ số Thứ bậc so Chỉ số

HDI với các nước giáo dục

tham gia xếp hạng

1990 0,608 74/130 nước

1995 0,539 120/174 nước 0,78

2000 0,671 108/174 nước 0,83

2004 0,691 112/177 nước 0,82

2005 0,704 108/177 nước 0,82

Nguồn: Báo cáo phát triển của UNDP công bố hằng năm

Ðiều đáng lưu ý là nhiều nước có thu nhập quốc dân đầu người cao hơn Việt Nam, như In-đô-nê-xi-a (PPP, 2001: 2.940 USD/PPP Việt Nam, 2001: 2.070 USD), Ai Cập (PPP, 2001: 3.520 USD), Goa-tê-ma-la (PPP, 2001: 4.400 USD), Na-mi-bi-a (PPP, 2001: 7.120 USD), Ga-bông (PPP, 2001: 5.990 USD), thậm chí GDP trên đầu người rất cao như Nam Phi (PPP, 2001: 11.290 USD)... song do các chỉ số về tuổi thọ và giáo dục đều thấp, nên đã bị xếp ở thứ hạng thấp hơn Việt Nam về phát triển con người. Năm 2005, Việt Nam đứng thứ 108/117 nước: GDP/đầu người từ 200 USD (1990) lên khoảng hơn 600 USD, tuổi thọ tăng từ 63 tuổi (1990) lên 71,5 tuổi (2005), trình độ học vấn tính theo số lớp trên đầu người tăng từ 3 - 4 lớp (trước 1990) lên 7 - 8 lớp.

Ðể làm rõ thêm những khía cạnh xã hội của sự phát triển, từ năm 1997, chỉ số nghèo khả năng phát triển con người (viết tắt tiếng Anh - HPI) đã được sử dụng trong Báo cáo phát triển con người của UNDP, HPI còn được gọi là chỉ số nghèo khổ tổng hợp. Nghĩa là, trong khi chỉ số HDI đo thành tựu cộng đồng về phát triển con người, chỉ số HPI đo sự thiệt thòi và những rào cản đối với phát triển con người. Theo quan điểm phát triển con người, nghèo khả năng phát triển được hiểu là sự thiếu hụt các cơ hội và thiếu khả năng lựa chọn để có một cuộc sống có thu nhập tốt, trường thọ và có giáo dục.

Từ 1997 đến nay, chỉ số HPI của Việt Nam và vị trí xếp hạng của Việt Nam trong số các nước đang phát triển được tính theo HPI-1 đã có những thay đổi tích cực: năm 1999, Việt Nam xếp thứ 51 trong số 92 nước đang phát triển được tính HPI-1; năm 2000, Việt Nam xếp thứ 47/85; năm 2001, Việt Nam xếp thứ 45/90. Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2003, Việt Nam đứng thứ 39/94 trong bảng xếp hạng HPI-1, năm 2005 - đứng thứ 47/103 nước. Trong thành phần chỉ số HPI-1, tỷ lệ dân không được sử dụng các nguồn nước sạch ở Việt Nam đã giảm từ 57% năm 1997 xuống còn 44% năm 2001, và 23% năm 2003. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng giảm từ 45% năm 1997 xuống còn 41% năm 1999; 41% năm 2000, 39% năm 2001 và 33% năm 2003.

Các số liệu vừa dẫn ra đã cho thấy rõ sự cố gắng to lớn của Nhà nước cũng như nhân dân ta trong việc chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, ngày càng quan tâm hơn tới lợi ích thiết thực của con người. Trước mắt cần có kế hoạch thật cụ thể thực hiện tốt tám Mục tiêu Thiên niên kỷ: 1- Xóa hết nghèo, đói; 2- Phổ cập trung học cơ sở và phổ cập trung học phổ thông; 3- Tăng cường bình đẳng giới và tăng cường khả năng của phụ nữ; 4- Giảm tỷ lệ trẻ em chết yểu; 5- Cải thiện sức khỏe bà mẹ; 6- Chống HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các bệnh khác; 7- Bảo đảm môi trường bền vững; 8- Phát triển đối tác toàn cầu vì phát triển.

Chúng ta tiếp tục kiên định triển khai tư tưởng đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình. Trong các chỉ số HDI, chúng ta cũng tự thấy còn nhiều hạn chế, mức thu nhập trung bình đầu người còn thấp, mức sống nói chung còn nhiều điều chưa đạt yêu cầu, nhất là chất lượng sống còn nhiều đòi hỏi chưa được thỏa mãn; giáo dục còn biết bao vấn đề ngổn ngang; y tế (sức khỏe) cũng vậy, cả mạng lưới khám chữa bệnh lẫn trung tâm y tế chất lượng cao, đều rất xa so với yêu cầu của cuộc sống, môi trường sống có nhiều vấn đề chưa thể an tâm. Trong nhiều mặt, nhân cách con người nói chung có một số biểu hiện tiêu cực: xu thế chuyển từ "con người xã hội" sang "con người kinh tế" ở nhiều nơi ngày càng chiếm ưu thế, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức từng người và đạo đức xã hội; "con người thực dụng" lấn át con người sống có lý tưởng, con người cá nhân chủ nghĩa trong nhiều trường hợp dễ được chấp nhận: chỉ có lợi ích cá nhân, sao nhãng lợi ích cộng đồng và xã hội, tác phong nông nghiệp còn phổ biến, tư duy còn nặng về cảm tính, cảm tình...

Hiện trạng phát triển con người, dưới góc độ giá trị tinh thần lẫn giá trị vật chất, giá trị nhân cách đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách là phải trên cơ sở kế thừa, phát triển, làm sao xây dựng cho được hệ giá trị Việt Nam làm cơ sở cho chiến lược chung về phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, cần có đủ chính sách cụ thể về giáo dục và y tế, về sử dụng người, nhất là chính sách dùng người tài - đầu tàu của nguồn nhân lực. Chỉ số phát triển trí tuệ (IQ) của chúng ta không thua kém các nước phát triển, vấn đề là sử dụng, trọng thị, chăm sóc sao có lợi nhất cho đất nước.

Ðể thực hiện mục tiêu nâng vị thế của nước nhà trên thế giới theo tiêu chí HDI lên mức trung bình trên thế giới, như Ðại hội IX Ðảng ta đã quyết định, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, Ðảng và Nhà nước cùng toàn thể xã hội phải đầu tư vào phát triển con người nhiều hơn nữa, nhằm phát triển toàn diện (đức, trí, thể, mỹ, nghề) theo định hướng giá trị đúng, có lý tưởng độc lập dân tộc và XHCN, phát huy mọi tiềm năng và tài năng của con người, ai ai cũng được lao động tự do sáng tạo, coi trọng vai trò của từng cá nhân trong sự phát triển của cộng đồng và xã hội, động viên tính tích cực của từng người, làm cho mọi người đều năng động, phát huy sáng kiến, kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội, dân trí ngày càng cao, nhân tài nảy nở, dân khí đồng tâm, phấn chấn, vượt qua tình trạng kém phát triển, sánh vai với bạn bè năm châu bốn biển.

GS.VS PHẠM MINH HẠC

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập. t.5.Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.644.

(2) Sđd: T4, tr.56

H Các nước có GDP/đầu người từ 3.000 USD - 4.000 USD (tính theo PPP) mới đạt chỉ số HDI từ 0,7 trở lên. Năm 2005, chỉ số HDI của Việt Nam là 0,704, GDP/đầu người (tính theo PPP) mới được hơn 2.000 USD.

H Số hạng này cũng xếp thứ tự từ 1, ví dụ Xin-ga-po hơn ta, đứng thứ 6; U-ru-goay đứng nhất (ít nghèo nhất); các nước kém ta, như Ni-giê-ri-a đứng cuối cùng - 103/103.