* Vừa qua đã xảy ra một số vụ việc cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng báo cáo của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát và công an trước Quốc hội dường như đề cập chưa rõ vấn đề này, vì sao thưa ông?
- Đúng là trong thời gian gần đây, một số người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như thanh tra, công an (điều tra, cảnh sát giao thông…), viện kiểm sát và ngay trong những người làm công tác xét xử cũng vi phạm pháp luật.
Một công dân ít hiểu biết về pháp luật, ở trong môi trường bình thường nếu vi phạm cũng đã là đáng trách, nhưng nếu điều ấy lại xảy ra trong cơ quan bảo vệ pháp luật càng đáng trách hơn và đáng hổ thẹn cho chính những người làm công tác pháp luật.
Những việc vi phạm pháp luật nói chung không phải bao giờ cũng dễ nhìn thấy. Làm thế nào để chúng ta cố gắng sớm phát hiện và ngăn chặn từ xa, không để phát sinh, chúng tôi nghĩ đây là cả một quá trình.
* Về mặt luật pháp, cần bổ sung những cơ chế nào để có thể “ngăn chặn từ xa”?
- Có rất nhiều biện pháp, từ giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tuyển chọn nhân sự, xem xét đề bạt, giao nhiệm vụ..., nói chung là rất nhiều vấn đề cần phải làm. Còn nếu chờ sự việc xảy ra mới xử lý thì sẽ rất khó.
* Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó có đề cập tới một cơ quan thống nhất chỉ đạo việc phòng chống tham nhũng. Mô hình này có thể tháo gỡ những vướng mắc, trở lực và phát huy triệt để sức mạnh của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh với tham nhũng?
- Để đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả, phải nghiên cứu và tổng hợp trong nhiều điều kiện, nhiều yêu cầu khác.
Chỉ thành lập một cơ quan phòng chống tham nhũng riêng biệt hay bất cứ tổ chức nào khác mà nếu không nghĩ ra những biện pháp khác - đặc biệt là những biện pháp ở ngay trong khâu quản lý hành chính, quản lý tài sản, quản lý công sản trong tình hình hiện nay, không ngăn chặn ngay những điều kiện, những nguyên nhân phát sinh tham nhũng thì việc thành lập các tổ chức chuyên trách chống tham nhũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Mặt khác, chính những cơ quan đang được giao nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng cũng phải đặt vấn đề là mình làm đã hết chức năng, nhiệm vụ chưa, đã quan tâm đủ và đúng trách nhiệm chống tham nhũng chưa.
Nếu chúng ta có được các cơ quan chuyên trách, sẽ có những mặt tốt như có điều kiện chuyên sâu hơn, tập trung hơn. Điều này có những hiệu quả nhất định. Nhưng trong đấu tranh chống tham nhũng, nếu chỉ nhìn một mặt vấn đề thì chắc là khó.
Kể cả cơ quan phòng chống tham nhũng nếu lập ra mà không quan tâm thỏa đáng đến những vấn đề khác nêu trên thì hiệu quả sẽ chỉ có mức độ.
* Một trong những trách nhiệm của tòa án là kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục những khe hở, những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách nhằm phòng ngừa tội phạm. Điều này đã được tòa án các cấp thực hiện ra sao qua hàng loạt vụ án tham nhũng lớn gần đây?
- Thông thường tòa án chỉ xem xét, kiến nghị những gì thật sự là những nguyên nhân, điều kiện lớn, có tính phổ biến và nghiêm trọng, cần sớm khắc phục. Một năm tòa án xét xử trên dưới 50.000 vụ án hình sự, không có nghĩa là tất cả các bản án chúng tôi cũng đều kiến nghị.
Hơn nữa, đây là một công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Tòa án là khâu cuối cùng của các hoạt động tố tụng. Những nguyên nhân, thiếu sót gì mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa kiến nghị thì tòa án sẽ kiến nghị, còn những gì đã kiến nghị rồi thì nếu trong bản án nhắc lại là không cần thiết.
* Xin cảm ơn Chánh án.
|