Một miếng đất bán cho nhiều người
Cuối tháng 7-2003, bà Phan Thị Bé (SN 1968, ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) mua một nền đất có diện tích 75m2 của Huỳnh Minh Tâm (SN 1965, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) với giá 23 lượng vàng SJC. Phần đất này thuộc thửa 37 tờ bản đồ số 5 do bà Lê Thị Nhị - mẹ ruột Tâm đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất. Sau khi nhận cọc của bà Bé 16 cây vàng, Tâm cam kết sẽ hoàn tất hồ sơ tách thửa từ tên bà Nhị sang cho Tâm để chuyển nhượng cho bà Bé. Viện cớ việc lo thủ tục giấy tờ đất phải tốn khá nhiều tiền, Tâm mượn thêm của bà Bé 5,8 cây vàng nữa và hứa sẽ trả lãi!
Đợi chờ mòn mỏi gần cả năm trời mà giấy tờ đất chẳng thấy đâu ngoài những lời hứa suông, bà Bé âm thầm tìm hiểu và tá hỏa khi biết miếng đất mà mình mới mua trước đó đã được Tâm bán cho bà Lý Ngọc Hân ở phường 14, quận Tân Bình. Bà Bé yêu cầu Tâm phải trả lại số vàng nhưng y cứ lần lữa, lẩn tránh không chịu trả.
Cũng vì thiếu tìm hiểu kỹ càng mà ông Phạm Xuân Bá đã mắc bẫy của Tâm. Cuối năm 2003, ông Bá mua một nền đất diện tích 44m2 của Tâm giá 66 triệu đồng. Sau khi chồng đủ tiền, ông Bá xây nhà thì bị bà Giang Thị Thó (ngụ phường 3 quận 5) ngăn cản vì nền đất này trước đó Tâm đã bán cho bà. Ngoài hai trường hợp trên, bằng thủ đoạn một miếng đất bán cho nhiều người, Tâm còn cho nhiều nạn nhân khác "vào tròng", như chị Dương Thị Hoa (SN 1977, quê Thừa Thiên - Huế) bị lừa 70 triệu đồng, anh Nguyễn Tấn Hồng (SN 1973, quê Bình Thuận) bị lừa 40 triệu đồng... Việc mua bán đất giữa Tâm và các nạn nhân đều thực hiện bằng giấy tay, không có xác nhận của cơ quan chức năng.
Cơ quan điều tra Công an quận Bình Tân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Huỳnh Minh Tâm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Làm gì để khỏi bị lừa?
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra khá nhiều vụ lừa đảo trong lĩnh vực mua bán nhà, đất. Những kẻ lừa đảo lợi dụng sự kém hiểu biết của người mua để giở thủ đoạn. Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 181/CP, đất nông nghiệp rất được các tay đầu nậu quan tâm vì giá rẻ và trong tương lai, những khu đất nông nghiệp này sẽ trở thành vùng đô thị hóa. Các đầu nậu đổ xô mua đất nông nghiệp ở các khu vực ngoại thành, phân lô bán lạt với giá cao cho những người có nhu cầu. Chính điều này đã tạo nên cơn sốt đất ảo.
Từ khi Nghị định 181/CP có hiệu lực thi hành, với việc "cấm phân lô, bán nền đất nông nghiệp", thị trường nhà, đất đã ổn định trở lại. Mặc dù vậy, các tay đầu nậu đất vẫn gạ gẫm những người kém hiểu biết nhằm sang tay những lô đất mà chúng đã "lỡ" mua trước đây. Giá bán các lô đất này thường rẻ hơn giá thị trường nên không ít người có nhu cầu về chỗ ở tìm mua, để rồi lãnh hậu quả vì không thể làm thủ tục hợp thức hóa hay xây cất do đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.
Vì thế, để tránh mắc bẫy, trước khi quyết định mua đất cất nhà, người dân cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý mảnh đất mà mình định mua (phải có quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ có quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 đã được Kiến trúc sư trưởng TP, nay là Sở Kiến trúc phê duyệt). Tuyệt đối không nên mua đất bằng giấy tay, nhất là với loại đất nông nghiệp để khỏi lâm cảnh tiền mất, hận mang.
|