Kết thúc điều tra vụ nâng khống giá danh bạ điện thoại để tham ô
Các Website khác - 22/12/2005
Ngày 23-12-2004, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi hàng chục tỷ đồng xảy ra tại Bưu điện Nghệ An và Bưu điện tỉnh Hà Tây, khởi tố 8 bị can có liên quan.
Cuối tháng 11-2003, Vũ Thị Kim Ngân - Trưởng phòng quảng cáo, phát hành - Báo Khoa học đời sống, cùng với Phạm Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Hậu (tức Hằng) - phóng viên Báo Văn nghệ - vào Bưu điện Nghệ An gặp Nguyễn Xuân Lý - Giám đốc - để đặt vấn đề in danh bạ điện thoại (DBĐT) cho Bưu điện Nghệ An năm 2003 và kết hợp viết bài quảng cáo về bưu điện này trên các Báo Văn nghệ, Khoa học đời sống số Tết năm 2004. Thúy đã bàn bạc, thống nhất giá in 200.000 cuốn danh bạ với Nguyễn Xuân Lý là 100.000 đồng/cuốn (đã có VAT) trị giá 20 tỷ đồng và hợp đồng này đã được ông Nguyễn Xuân Phan - Phó giám đốc Bưu điện Nghệ An - ký với Doanh nghiệp tư nhân mỹ thuật Nguyễn.

Ngày 25-11-2003, Lý đã ký biên bản bàn giao số liệu DBĐT với Vũ Thị Kim Ngân. Quá trình thực hiện hợp đồng, nhận thấy việc ký hợp đồng giá trị lớn mà không qua đấu thầu, hợp đồng do phó giám đốc ký là không đúng thẩm quyền nên đến khoảng tháng 4-2004, Lý chỉ đạo ông Nguyễn Xuân Phan, Hồ Đình Chiến - Trưởng phòng kế hoạch đầu tư, Lê Bá Tường làm thủ tục đấu thầu để hợp thức hóa thủ tục. Tiếp đó, theo yêu cầu của Bưu điện Nghệ An, Thúy đã yêu cầu Nguyễn Minh Tuấn làm hồ sơ doanh nghiệp Nguyễn dự thầu in DBĐT, bản thân Thúy nhờ và lấy được hồ sơ dự thầu in DBĐT của bốn đơn vị là Công ty in Cầu Giấy, Công ty in Tài chính, Nhà xuất bản Y học, Công ty in Công đoàn để nộp cho Hồ Đình Chiến - Trưởng phòng kế hoạch đầu tư - làm thủ tục đấu thầu để hợp thức việc doanh nghiệp Nguyễn trúng thầu in DBĐT với giá trúng thầu như đơn giá hợp đồng đã ký trước đó.

Trên cơ sở số liệu do Bưu điện Nghệ An cung cấp, Tuấn đã làm maket DBĐT cho Bưu điện Nghệ An và thuê Công ty in Trần Phú với giá in là 38.854 đồng/cuốn, trị giá 7,77 tỷ đồng, thanh toán bằng hình thức điện tử liên ngân hàng. Cuối tháng 6, sau khi nhận được toàn bộ số danh bạ này, Bưu điện Nghệ An đã thanh toán chuyển khoản cho doanh nghiệp Nguyễn tổng số 22,781 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, kết thúc hợp đồng, Thúy được Tuấn trả qua các hợp đồng in DBĐT là 8,703 tỷ đồng. Thúy khai đã đưa cho Lý 3 tỷ đồng, còn lại 3 tỷ đã chi tiêu cá nhân một ít và đưa cho Ngân để lo chạy gối vụ hợp đồng in danh bạ các bưu điện Hải Phòng, Hà Tây, Huế, Nghệ An, Đà Nẵng năm 2005.

Tuấn khẳng định số tiền thực chuyển cho Thúy qua hợp đồng in DBĐT cho Bưu điện Nghệ An là 9,881 tỷ đồng, còn Thúy khẳng định chỉ được Tuấn thanh toán 8,703 tỷ đồng. Riêng Vũ Thị Kim Ngân đã phải thừa nhận được Thúy chia cho 2,8 tỷ đồng và 23.000 USD qua hợp đồng in danh bạ bưu điện Hà Tây và Nghệ An. Như vậy, bằng thủ đoạn móc nối tinh vi, gửi giá, nâng giá in DBĐT lên rất cao, các bị can Nguyễn Xuân Lý, Phạm Thị Thanh Thúy, Nguyễn Minh Tuấn và Vũ Thị Kim Ngân đã thông đồng để rút hàng chục tỷ đồng của Nhà nước chia nhau, có dấu hiệu của tội tham ô chiếm đoạt tài sản. Hồ Đình Chiến, Lê Bá Tường và Hồ Bá Tú tuy biết việc ký kết, thực hiện các hợp đồng với giá trị lớn không qua đấu thầu là sai nhưng vẫn tham gia làm hồ sơ đấu thầu hợp thức hóa thủ tục, phạm tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 1-2004, Vũ Thị Kim Ngân và Phạm Thị Thanh Thúy vào bưu điện gặp Tăng Hữu Tá - Giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Tây - đặt vấn đề in danh bạ nhưng lúc đó bưu điện chưa có kế hoạch. Không bỏ lỡ cơ hội, giáp Tết âm lịch, Ngân và Thúy lại vào Bưu điện Hà Tây gặp Tá để bàn in DBĐT với giá 100.000 đồng/cuốn và hứa sẽ “lại quả” cho Tá 10% giá trị hợp đồng. Tháng 3-2004, Tá chỉ đạo Nguyễn Duy Tân - Phó phòng KHKDTT - làm tờ trình xin kinh phí in DBĐT. Anh Tân đã soạn thảo tờ trình xin kinh phí với giá 60.000 đồng/cuốn nhưng Tá yêu cầu làm lại tờ trình với giá 100.000 đồng/cuốn nên Bưu điện Hà Tây đã có tờ trình số 398/KHKDTT ngày 5-3-2004 gửi Ban kế hoạch Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam xin 15 tỷ đồng để in 150.000 cuốn danh bạ, đơn giá 100.000 đồng/cuốn.

Tháng 6-2004, Ngân và Thúy tiếp tục vào Bưu điện Hà Tây bàn cụ thể cách thức in danh bạ, trong đó thể hiện phải tổ chức đấu thầu. Thúy đã thông qua Nguyễn Thị Mai Hương - cán bộ Công ty cổ phần nhà in khoa học công nghệ (KHCN) - lấy danh sách năm nhà thầu là Công ty cổ phần nhà in KHCN, Công ty in Tài chính, Công ty in Công đoàn, NXB Y học, Xí nghiệp in I - Thông tấn xã Việt Nam đưa cho Tá. Căn cứ vào danh sách này, Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng KHKDTT - đã soạn thảo quyết định phê chuẩn danh sách mời các đơn vị đấu thầu in DBĐT năm 2004 trình ông Tá ký. Thúy đã yêu cầu Hương cho các nhà thầu nói trên lập hồ sơ dự thầu với đơn giá cao hơn 100.000 đồng/cuốn, còn Công ty cổ phần nhà in KHCN đưa ra giá thấp hơn 100.000 đồng/cuốn (chưa có VAT).

Chiều 15-9-2004, tổ tư vấn đấu thầu đã mở thầu với sự có mặt của đại diện các nhà thầu. Thấy giá bỏ thầu quá cao, thấp nhất là 98.498 đồng/cuốn (chưa có VAT) so với hợp đồng in DBĐT tháng 9-2003 là 43.580 đồng/cuốn, anh Tân - Tổ phó tổ tư vấn đấu thầu - phản ánh miệng với Tá là đề nghị thẩm định lại giá nhưng Tá vẫn cho xét thầu, kết quả Công ty cổ phần nhà in KHCN - đã trúng thầu.

Ngày 29-9-2004, khi không tổ chức thẩm định, không có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, không có thông báo trúng thầu, Phạm Thị Thanh Thúy đã đưa hợp đồng số 1773/HĐKT đã được Công ty cổ phần nhà in KHCN ký trước đưa cho Tá ký hợp đồng. Hợp đồng này thể hiện phía Bưu điện Hà Tây tạm ứng cho Công ty cổ phần nhà in KHCN 30% giá trị hợp đồng (trái với hồ sơ mời thầu). Công ty cổ phần nhà in KHCN đã có hai công văn đề nghị cho tạm ứng tiền và Bưu điện Hà Tây đã chuyển cho Công ty cổ phần nhà in KHCN 4 tỷ đồng.

Sau đó, Thúy yêu cầu Hương cho rút tiền nhưng Hương không đồng ý vì chưa xác định được cụ thể giá in, vì vậy Thúy đã yêu cầu Công ty cổ phần nhà in KHCN ký hợp đồng số 39/10 ngày 9-10-2004 với doanh nghiệp Nguyễn in 75.000 cuốn danh bạ điện thoại Hà Tây với giá 94.500 đồng/cuốn (chưa có VAT) và chuyển cho doanh nghiệp Nguyễn 2 tỷ đồng. Thúy đã rút 2 tỷ này chia nhau, 2 tỷ còn lại Công ty cổ phần nhà in KHCN đã ký hợp đồng mua giấy in DBĐT với Công ty TNHH Nam Phương và đã chuyển tiền đặt cọc cho công ty này. Khi thấy cơ quan điều tra khởi tố, xác minh việc in DBĐT, Tá đã chỉ đạo Nguyễn Văn Trực làm thủ tục hủy bỏ hợp đồng và Bưu điện Hà Tây đã nhận lại 4 tỷ đồng.

Kết quả điều tra chứng minh không có sự móc nối giữa lãnh đạo Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam với Ngân và hai giám đốc Bưu điện Nghệ An, Hà Tây, không phát hiện có tư lợi. Đến nay, cơ quan CSĐT đã thu hồi 9,53 tỷ đồng, kê biên một ngôi nhà.

Theo (Công an TP Hồ Chí Minh)