Chủ mưu vụ tiêu cực tại Vietsovpetro phủ nhận cáo trạng
Các Website khác - 05/10/2005
Bị cáo Nguyễn Quang Thường.
Bị cáo Nguyễn Quang Thường.

Sáng nay, phiên tòa xét xử vụ án tham ô và cố ý làm trái tại Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) và Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) diễn ra hết sức căng thẳng. Các bị cáo đầu vụ như Nguyễn Quang Thường và Trần Quang phủ nhận hành vi nâng giá bỏ thầu.
* Tiêu cực ở Petro VN là do quản lý lỏng lẻo

Hàng trăm người đã có mặt tại phiên tòa khiến cho trụ sở tòa trở nên hết sức chật chội. Dù đã được triệu tập nhưng có tới 8/21 nhân chứng vắng mặt, trong đó có 2 người là nguyên tổng giám đốc của Vietsovpetro.

Khai mạc phiên tòa, thẩm phán Hoàng Thanh Tùng đã công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử gồm 7 bị can, đồng thời công bố quyết định đình chỉ xét xử về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đối với bị cáo Cao Duy Chính (Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ cơ khí hàng hải - thuộc PTSC). Trước đó, VKSND Tối cao đã rút phần truy tố đối với Chính về tội danh này. Theo đó, bị cáo Chính chỉ còn bị xét xử về tội tham ô tài sản.

Khi được hỏi ý kiến trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Long, đã yêu cầu tòa đình chỉ việc xét xử vụ án, đồng thời trả toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của đại diện của Viện Corall (Ukraina).

Theo ông Thủy, trong vụ án này, Viện Corall là đồng phạm, đã giúp cho các bị cáo làm hồ sơ chứng từ giả chiếm đoạt tiền của Nhà nước và tại phiên tòa Viện Corall lại không có mặt nên nếu đưa vụ án ra xét xử sẽ phiến diện và không khách quan. Luật sư Thủy nêu: "Các việc làm sai phạm của các bị cáo đều xuất phát trên cơ sở hợp đồng liên danh giữa Viện Corall và Công ty Interpet do Trần Quang làm chủ. Nhưng trong toàn bộ hồ sơ vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đều không làm rõ vai trò của Viện Corall".

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định không chấp nhận yêu cầu của luật sư Thủy và vẫn cho phiên tòa được tiếp tục. Chủ tọa phiên tòa cho biết, việc ký kết giữa Viện Corall và Công ty Interpet được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật. Những tài liệu, giấy tờ, kể cả hợp đồng ký tên đóng dấu Viện Corall thu thập được trong hồ sơ vụ án đều là giả mạo. Vì vậy, không cần thiết phải triệu tập Viện Corall đến tòa, việc họ không có mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án.

Đây là vụ án được kết luận là đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, chủ yếu do những cán bộ có chức vụ, quyền hạn thuộc Vietsovpetro và PTSC thực hiện. Số cán bộ này đã móc nối nhau rút tiền đầu tư xây dựng cơ bản của hai công trình xây dựng do Vietsovpetro làm chủ đầu tư là dự án xây dựng Block 140 chỗ và dự án sửa chữa giàn Ballast Đại Hùng 1. Để thực hiện được việc này, các bị cáo đã nâng giá bỏ thầu, giá vật tư; lập các hợp đồng, chứng từ, hóa đơn giả; bỏ ngoài sổ sách kế toán giá trị tài sản, vật tư, tiền vốn của nhà nước gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa.

Chẳng hạn, trong dự án xây dựng Block 140 chỗ, PTSC đã liên doanh với Viện Corall (Ukraina) để dự thầu. Sau khi trúng thầu, Nguyễn Quang Thường (nguyên phó tổng giám đốc dầu khí Việt Nam) thỏa thuận với Dương Quốc Hà (phó tổng giám đốc Vietsovpetro) nâng giá bỏ thầu từ 15,5 triệu USD lên 16,9 triệu USD để chia nhau phần tiền chênh lệch. Sau đó, để tiện việc nâng giá vật tư thiết bị và lắp đặt cho dự án, PTSC từng bước ép Viện Corall chỉ được thực hiện những phần việc thiết kế, giám sát kỹ thuật, trị giá 7% hợp đồng.

Buổi chiều, HĐXX dành nhiều thời gian thẩm vấn hai bị cáo Nguyễn Quang Thường (khi vụ án xảy ra Thường giữ cương vị Giám đốc PTSC) và Trần Quang (Xưởng trưởng Xưởng điện lạnh - thuộc PTSC, kiêm điều hành Công ty TNHH Interpet Việt Nam) về quá trình dự thầu và thực hiện dự án xây dựng Block 140 chỗ.

Tại tòa, cả Thường và Quang đều phủ nhận hành vi nâng giá thầu từ 15,5 triệu USD lên 16,9 triệu USD theo như cáo trạng đã quy kết. Bị cáo Thường cho biết, hơn 1,2 triệu USD mà bị cáo cùng Dương Quốc Hà, Trần Quang chia nhau là số tiền lấy từ lợi nhuận phần việc của Viện Corall ký kết hợp đồng liên doanh với PTSC để dự thầu dự án trên. Còn Quang khai rằng, đây là số tiền mà Công ty TNHH Interpet Việt Nam của Quang có được từ phần việc cung cấp thiết bị vật tư trọn gói trong quá trình thực hiện dự án mà Viện Corall nhường lại.

Ngày mai phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

B. An

Theo dòng sự kiện:
Ngày 5/10 xét xử vụ tham ô tại Vietsovpetro (27/09)
1 bị can vụ tham ô ở Vietsovpetro được đình chỉ điều tra (01/09)
Khởi tố tổng giám đốc OSC Việt Nam (31/08)
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ tiêu cực tại Vietsovpetro (04/08)
Tiếp tục bóc gỡ đường dây tham nhũng tại Petro VN (30/06)
Xem tiếp»