Dân được tự do mua ngoại tệ ở ngân hàng?
Các Website khác - 05/10/2005
Ngày 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Pháp lệnh ngoại hối. Dự kiến Pháp lệnh này sẽ được ban hành trong vòng vài tháng nữa. Ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã trao đổi ý kiến về một số điểm còn gây băn khoăn của Pháp lệnh.
Ông Thúy nói:

- Pháp lệnh ngoại hối được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Nghị định về ngoại hối (NĐ 63) và để điều chỉnh những quan hệ thực tiễn đã vượt ra ngoài NĐ 63 hiện hành vào một văn bản pháp quy cho đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao hơn. Mục đích quan trọng thứ hai là bằng Pháp lệnh này, chúng ta đáp ứng được yêu cầu chuẩn mực quốc tế về quản lý ngoại hối nhằm đảm bảo điều kiện để gia nhập được WTO. Pháp lệnh này thực hiện tự do hóa các giao dịch vãng lai về ngoại tệ, đồng thời nới lỏng hơn các giao dịch vốn ngoại tệ, xây dựng cơ chế tỷ giá linh hoạt, phát triển thị trường ngoại hối theo hướng mở cửa...

* Nhưng dự thảo Pháp lệnh lại tăng tính pháp lý để nâng cao dần tính chuyển đổi của VNĐ, chống USD hóa và thực hiện nguyên tắc chỉ sử dụng đồng VNĐ trên lãnh thổ Việt Nam. Liệu có mâu thuẫn gì khi nói tự do hóa giao dịch vãng lai về ngoại tệ không, thưa ông?

- Giao dịch vãng lai về ngoại hối ở đây là giao dịch kinh doanh thông thường giữa người cư trú với người không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam chứ không đồng nghĩa với việc tiêu đồng tiền trên lãnh thổ Việt Nam. Chẳng hạn xuất khẩu để thu ngoại tệ thì quyền thu ngoại tệ là quyền tự do của người xuất khẩu, hay người cho con đi học nước ngoài, đi chữa bệnh ở nước ngoài cần mua ngoại tệ để trang trải thì quyền mua là quyền tự do. Như vậy, ở đây là tự do hóa giao dịch vãng lai về ngoại tệ chứ không phải tự do hóa tiêu tiền nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Về nguyên tắc, trên lãnh thổ Việt Nam là phải dùng VNĐ, trừ một số trường hợp ngoại lệ trong dự thảo Pháp lệnh này đã quy định mà thôi.

* Vậy trường hợp người dân dùng ngoại tệ làm phương tiện cất giữ thì sao?

- Điều này không bị cấm. Bởi người dân được quyền cất giữ tài sản dưới nhiều hình thức khác nhau và pháp luật tạo điều kiện cho người dân. Còn khi người dân tiêu trên lãnh thổ Việt Nam trong những trường hợp không được dùng ngoại tệ thì họ phải bán số ngoại tệ đã cất giữ cho các tổ chức tín dụng để lấy VNĐ mà tiêu.

* Dự thảo Pháp lệnh ngoại hối dường như “khuôn” việc người dân có ngoại tệ nên bán cho ngân hàng, nhưng lại không có chính sách cụ thể để tạo thuận lợi cho dân mua ngoại tệ khi cần mua ngay, mua không hạn chế. Trong khi, cách quản lý ngoại hối hiện nay vừa không thuận tiện (điểm đổi tiền của ngân hàng quá ít), vừa thiệt thòi cho người dân (dân có USD bán cho ngân hàng tỷ giá thấp, khi cần lại không mua được ngay mà lại không ngang tỷ giá cũ) để họ tìm cách đổi USD ở “chợ đen” thuận tiện hơn nhiều?

- Tôi cho rằng không thể “khuôn” ngay mọi hoạt động thực tiễn khách quan vào một văn bản pháp lý. Người dân Việt Nam sở dĩ vẫn cất giữ, gửi tiết kiệm và tiêu bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam vì giá trị VNĐ tính ổn định chưa cao, những biến động vĩ mô làm cho người ta bị thiệt thòi, đặc biệt lịch sử lạm phát cao còn ghi dấu ấn. Muốn người dân tin vào VNĐ thì phải xuất phát từ thực tế.

Thứ nữa, muốn dân bán ngoại tệ cho ngân hàng thì khi mua và bán phải có tỷ giá ổn định, mức chênh lệch giữa thị trường “chợ đen” và thị trường chính thức phải nhỏ. Chứ như hiện nay, tỷ giá trên thị trường ngân hàng luôn thấp hơn tỷ giá tự do, nên khi có ngoại tệ dân muốn bán cho “chợ đen”, còn khi cần mua thì lại đến ngân hàng. Mà ngân hàng không mua được của dân thì lấy đâu ra mà bán cho dân?

* Vậy thị trường “chợ đen” có xóa được không, thưa ông?

- Có. Khi có chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nữa, nhất là lúc có tỷ giá hoàn toàn thả nổi. Có một cơ chế tỷ giá linh hoạt, gắn với thị trường là một cơ chế tỷ giá hối đoái trong tương lai, nhưng vẫn bảo đảm khả năng điều tiết của Nhà nước, lúc bấy giờ hiện tượng mua bán ngoại tệ ở “chợ đen” sẽ giảm bớt. Nhưng phải có lộ trình chứ không làm ngay được trong ngày một ngày hai. Tôi hy vọng là lộ trình trong vòng 5-10 năm nữa thì chúng ta sẽ giải quyết được để thị trường “chợ đen” còn tồn tại không đáng kể.

Theo Tiền phong