Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành chưa thực sự huy động được các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý và hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý, vì trong thực tế, số lượng các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý còn rất hạn chế, chỉ chiếm 3,3% tổ chức đang thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư.
![]() |
Ảnh minh họa |
Không nên thu hẹp đối tượng
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đối tượng được trợ giúp pháp lý là những người có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cung cấp dịch vụ pháp lý. Trên cơ sở đó, dự thảo luật đã quy định 7 đối tượng được trợ giúp pháp lý, bao gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người khó khăn về tài chính…
Theo bà Phan Thị Thu Hà, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho việc bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý một cách có chất lượng, hiệu quả. Khi điều kiện kinh tế xã hội cho phép, sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật Trợ giúp pháp lý.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, Luật Trợ giúp pháp lý cần tạo sân chơi cho hoạt động trợ giúp pháp lý, nhằm tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận công lý.
GS.TS Lê Hồng Hạnh đề nghị cần trợ giúp pháp lý cho cả đối tượng cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và người nghiện ma túy. Bên cạnh đó, phụ nữ bán dâm cũng là đối tượng cần được trợ giúp pháp lý vì họ dễ bị chịu hành động bạo lực từ người mua dâm, bị đánh đập, tước đoạt tài sản… nhưng lại hạn chế về hiểu biết, chính sách pháp luật và chịu sự kỳ thị mạnh mẽ của cộng đồng.
Theo GS Hạnh, việc bổ sung thêm những đối tượng nói trên vào đối tượng được trợ giúp pháp lý “không ảnh hưởng đến tiêu tốn ngân sách, mà thể hiện tính nhân đạo và chủ trương đảm bảo quyền con người của Nhà nước”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cũng đề nghị bổ sung đối tượng phụ nữ bị xâm hại tình dục, phụ nữ đơn thân không nơi nương tựa, nạn nhân thuộc diện bồi thường nhà nước được trợ giúp pháp lý nếu có khó khăn về tài chính.
Chưa huy động được các nguồn lực xã hội tham gia
Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2007-2015, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã giải quyết hơn 1 triệu vụ việc, với tổng số 1,1 triệu lượt người được trợ giúp pháp lý; trong đó có 61 nghìn vụ tham gia tố tụng; 982 nghìn vụ tư vấn pháp luật và 11,7 nghìn vụ việc khác.
Luật Trợ giúp pháp lý 2006 cũng có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và luật gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý.
GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho rằng, dự thảo cần quan tâm đến chính sách xã hội hóa, cơ chế hỗ trợ kinh phí để thu hút đội ngũ cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý ngoài nhà nước.
Thông qua hoạt động của 9 Trung tâm tư vấn pháp luật, viện nghiên cứu, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị “tăng cường xã hội hóa trợ giúp pháp lý, huy động mọi cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý và các nguồn lực để từng bước xóa bỏ cơ chế xin cho trong trợ giúp pháp lý”.
Đồng thời, cần nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, Dự thảo Luật đã quy định các tổ chức đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của họ và tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Bà Phan Thị Thu Hà (Bộ Tư pháp) cho rằng, cơ chế này sẽ huy động, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý tích cực hơn.
Thông qua cơ chế ký hợp đồng, các nghĩa vụ được thỏa thuận thì các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Đồng thời, cơ chế ký hợp đồng cũng nhằm tạo ra sự linh hoạt, tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý, tránh việc bỏ sót người được trợ giúp pháp lý khi họ cần được trợ giúp pháp lý do không có đủ nguồn lực thực hiện…
Cần xóa bỏ “giấy phép con”
Thực tế cho thấy, đối tượng được trợ giúp pháp lý là những người thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội. Họ rất dễ bị tổn thương và thường mặc cảm với hoàn cảnh sống của mình. Vì lý do khách quan hoặc chủ quan họ thường bị hạn chế về khả năng tiếp xúc với xã hội và đặc biệt là tiếp xúc với những hiểu biết pháp luật, do vậy, họ luôn cần được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, với quy định của dự thảo luật dường như lại đang làm cho một số đối tượng yếu thế khó hơn tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Nếu như trước đây, người khuyết tật chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận là người khuyết tật, thân nhân liệt sĩ có giấy chứng nhận là thân nhân liệt sĩ, nạn nhân bị mua bán có giấy xác nhận là nạn nhân là được trợ giúp pháp lý theo yêu cầu. Nhưng theo quy định của dự thảo Luật thì đối tượng này cần có thêm giấy chứng nhận có hoàn cảnh khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý.
Đã nhiều năm gắn bó với công tác trợ giúp pháp lý, ông Trần Huy Liệu, nguyên Cục Trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định như vậy khác nào yêu cầu “giấy phép con”, là “điều kiện” bổ sung, không chỉ trực tiếp thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý mà còn gây phiền hà cho người được trợ giúp pháp lý. Đây là một bước thụt lùi so với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.
Có ý kiến cho rằng, với việc sử dụng tiền mặt là chủ yếu như Việt Nam thì việc xác định tình trạng “khó khăn” không đơn giản. Căn cứ vào đâu để xác định người đó khó khăn về tài chính. Quy định này mang tính định tính, khó xác định, dễ dẫn đến hệ quả tiêu cực, quan liêu phiền hà cho người được trợ giúp pháp lý. Chính vì vậy, có ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật nên bỏ quy định tiêu chí có khó khăn về tài chính đối với đối tượng được trợ giúp pháp lý.
▪ Nhận trẻ lang thang làm con nuôi để bán ma túy (16/05/2017)
▪ Bắt giữ đối tượng người Trung Quốc vận chuyển 1,2kg ma túy (15/05/2017)
▪ Xây dựng Luật chuyển giới theo mặt bằng chung của thế giới (13/05/2017)
▪ Nổ súng phá ‘boong-ke’ ma túy nhức nhối ở Bắc Giang (11/05/2017)
▪ Trùm ma túy đất Cảng chi 8,5 tỷ đồng để ‘chạy án’ (09/05/2017)
▪ Định tuồn ma túy tổng hợp lên máy bay (09/05/2017)
▪ Thạc sĩ chế bình xăng hai đáy cất giấu heroin (03/05/2017)
▪ Tây Ninh: Bắt giữ 21 kg ma túy vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam (03/05/2017)
▪ Thượng úy có duyên đánh án (28/04/2017)
▪ Bắt giữ hơn 2.600 vụ vận chuyển ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào (27/04/2017)