Đằng sau một 'phi vụ' trốn thuế
Các Website khác - 04/09/2005

Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM đã khởi tố và bắt tạm giam một số người trong vụ án Công ty TNHH Unimax Sài Gòn trốn khoảng 30 tỉ đồng tiền thuế. Đằng sau vụ việc này, người ta không khỏi thắc mắc về những thế lực đã tiếp tay cho hoạt động phạm pháp.

Ngày 17/11/2004, Công ty Unimax Sài Gòn, đường 12 Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) khai báo trên tờ khai hải quan và chứng từ kèm theo, nhập mặt hàng vải polyester, nguồn gốc từ Trung Quốc với trị giá hơn 28.000 USD.

Nhưng kiểm tra thực tế một container loại 20 feet của lô hàng nhập khẩu này, các cán bộ đội kiểm soát hải quan phát hiện công ty nhập nhiều loại vải khác nhau (vải thun hoa, mouseline hoa, suise bóng hoa) với trị giá trên 36.000 USD, chênh lệch lớn hơn theo giá khai báo trên 8.000 USD. Nghiêm trọng hơn, lô hàng này đã lọt ra ngoài mà không được đưa vào khu chế xuất để gia công sản xuất.

Chỉ hai ngày sau vụ việc này, các cán bộ đội kiểm soát hải quan đã tiến hành xác minh một lô hàng nhập khẩu khác của Công ty Unimax Sài Gòn. Kết quả cho thấy lô hàng trên thuộc tờ khai hải quan đăng ký tại Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận, theo khai báo là vải 100% polyester, trị giá hơn 20.000 USD, lô hàng được dỡ tại cảng Sài Gòn khu vực 1.

Lấy lời khai của Nguyễn Anh Tú, nhân viên Công ty Unimax Sài Gòn (đã bị bắt tạm giam), lực lượng kiểm soát hải quan lập tức xác định “đường đi” của lô hàng: Sau khi làm thủ tục đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận và làm thủ tục hải quan chuyển cửa khẩu từ cảng Sài Gòn khu vực 1, Công ty Unimax Sài Gòn đã không đưa lô hàng trên về công ty đóng trong Khu chế xuất Tân Thuận để gia công sản xuất, mà đưa hàng về kho ở quận 5 để bán số hàng này ra thị trường. Thực tế công ty đã bán một phần của lô hàng, còn khoảng 20.000m vải chưa kịp bán.

Từ hai lô hàng nói trên, cơ quan điều tra đã lật lại hồ sơ nhập khẩu của Công ty Unimax, bước đầu xác định khoảng 103 container hàng đã được các đối tượng tuồn ra ngoài bán, trốn khoảng 30 tỉ đồng thuế nhập khẩu.

Công ty Unimax Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, đăng ký hoạt động trong Khu chế xuất Tân Thuận theo giấy phép đầu tư do UBND TPHCM cấp. Chức năng hoạt động theo giấy phép là nhập nguyên phụ liệu để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi thị trường EU và Nhật Bản, công ty được hưởng quy chế doanh nghiệp trong khu chế xuất (được hưởng ưu đãi miễn thuế hoàn toàn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu), trong khi nếu ở ngoài khu chế xuất thì thuế nhập khẩu lên đến 60%.

Lợi dụng sự ưu đãi này, nhân viên của Công ty Unimax Sài Gòn đã móc nối với tư thương - trực tiếp là Thạch Lê Chân, một “trùm” buôn vải ở khu vực quận 5 (đã bị bắt tạm giam) - để tuồn hàng bán ra ngoài thị trường.

Khi hàng nhập về đến cảng Sài Gòn, Nguyễn Anh Tú mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận, sau đó làm thủ tục chuyển cửa khẩu từ cảng Sài Gòn về khu chế xuất để hoàn tất thủ tục hải quan. Nhưng thực tế hàng được Tú đưa thẳng về quận 5 cho Thạch Lê Chân để tiêu thụ. Tú được Thạch Lê Chân “trả công” 50 triệu đồng sau mỗi chuyến hàng tuồn ra ngoài trót lọt.

Điều mà cơ quan điều tra đang làm rõ là vì sao các tờ khai hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu của Công ty Unimax Sài Gòn - mặc dù tuồn ra ngoài thị trường bán - vẫn được công chức hải quan ký xác nhận “hàng đã thực nhập vào khu chế xuất”.

Trước mắt, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hùng, công chức hải quan giám sát thuộc Chi cục Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận, và đang triệu tập một số cán bộ công chức liên quan đến vụ án này.

(Theo Tuổi Trẻ)