Sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự: Phù hợp với thực tiễn
Các Website khác - 03/12/2005
Rút ngắn thời gian phục vụ tại ngũ, bảo đảm cho thanh niên nhanh chóng ổn định cuộc sống gia đình sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân. Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, bổ sung được Nhà nước ban hành tháng 6-2005 vừa đáp ứng được nguyện vọng ấy, vừa bảo đảm cho quân đội có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ.
Thay đổi để phù hợp thực tiễn

Sau nhiều năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) đã đi vào cuộc sống của nhân dân và thực sự phát huy tác dụng. Luật NVQS đã góp phần tích cực vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho Quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với sự phát triển của thực tiễn. Trước tình hình ấy, Bộ Quốc phòng đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn và thấy rằng, trong thời bình, số lượng tuyển quân giảm, đồng thời phải không ngừng nâng cao chất lượng. Số lượng công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS ngày càng tăng trong khi không thể đưa vào lực lượng dự bị động viên, trong khi thực tế các đơn vị dự bị động viên hiện vẫn thiếu quân. Nếu hạ độ tuổi nhập ngũ của công dân xuống thấp hơn so với hiện nay (27 tuổi) thì ngay năm đầu sẽ tăng được số lượng lực lượng dự bị lên đáng kể. Mặt khác, nếu giảm thời hạn phục vụ tại ngũ và tăng số lượng thanh niên nhập ngũ sẽ bảo đảm cho lực lượng dự bị động viên hạng 1 được tăng lên, đồng thời vẫn bảo đảm được khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị. Về mặt xã hội thì giảm độ tuổi gọi nhập ngũ và thời hạn phục vụ tại ngũ cũng là đáp ứng mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước và giải quyết phần nào tính công bằng xã hội trong công tác tuyển quân. Với thực tiễn trên, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội văn bản Luật NVQS có sửa đổi bổ sung. Văn bản luật này đã được thông qua và có hiệu lực từ tháng 6-2005. Như vậy đợt tuyển quân tháng 10-2005 (tuyển quân đợt 2-2005) cả nước đã bắt đầu thực hiện theo Luật NVQS sửa đổi, bổ sung.

Những vấn đề cơ bản khi sửa đổi

Việc sửa đổi, bổ sung Luật NVQS đã quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Luật cũng bảo đảm thống nhất với các luật, pháp lệnh có liên quan. Quá trình xây dựng văn bản sửa đổi bổ sung luật, Bộ Quốc phòng đã thành lập ban soạn thảo chuyên trách, tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Những ý kiến đóng góp đã được ban soạn thảo luật tiếp thu nghiêm túc và lấy đó làm một cơ sở để điều chỉnh luật.

Về mặt bố cục, Luật NVQS được giữ nguyên cơ cấu các chương, điều, chỉ sửa đổi, bổ sung nội dung trung 10 điều (gồm Điều 12, 14, 16, 22, 24, 29, 37, 39, 52, 53) và sửa đổi bổ sung từ ngữ vào một số điều khác. Về độ tuổi gọi nhập ngũ, nay được quy định lại là “từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi”. Như vậy là độ tuổi gọi nhập ngũ hiện nay đã giảm 2 tuổi so với luật trước khi sửa đổi.

Về thời hạn phục vụ tại ngũ được quy định lại là: “Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình đối với hạ sĩ quan chỉ huy và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan, binh sĩ trên tàu hải quân là 24 tháng”. Luật cũng quy định: “thời gian đào ngũ không được tính vào thời hạn phục vụ tại ngũ”.

Về chế độ, chính sách đối với quân nhân và gia đình quân nhân dự bị khi tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, trước đây Luật quy định chỉ đối tượng dự bị hạng 1 mới thuộc diện được hưởng. Hiện nay Luật được sửa đổi, bổ sung như sau: “Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, bản thân và gia đình được hưởng chế độ chính sách do Chính phủ quy định”. Sửa đổi điều luật này là hoàn toàn phù hợp với thực tế, bởi quân nhân dự bị hạng 2 cũng là lao động chính của gia đình, khi họ tham gia kiểm tra, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thì gia đình cũng không tránh khỏi khó khăn, do vậy họ cần được hưởng chế độ như quân nhân dự bị hạng 1, có như vậy mới bảo đảm được tính công bằng trong công tác động viên. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, luật sửa đổi, bổ sung như sau: “Từ tháng thứ mười chín trở đi được hưởng thêm 200% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng, từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng”. Các tiêu chuẩn, chế độ về nghỉ phép, xuất ngũ… đối với hạ sĩ quan binh sĩ cũng đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.

Đến nay, qua khảo sát ở các đơn vị, địa phương cho thấy, đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận Luật NVQS sửa đổi, bổ sung. Điều đó khẳng định Luật NVQS sửa đổi, bổ sung là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Luật sẽ là cơ sở bảo đảm nâng cao chất lượng tổng hợp của quân đội, đồng thời góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Theo Theo Quân đội nhân dân