Giữ hình phạt tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ
Các Website khác - 24/12/2008

* Lợi dụng khó khăn kinh tế để đầu cơ sẽ bị xử lý hình sự

 Tại ngày làm việc đầu tiên phiên họp thứ 15 ngày 23-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và dự án Luật lý lịch tư pháp.

Về hình phạt tử hình, hầu hết các đại biểu QH tán thành việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội, tuy nhiên chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ...

“Việc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, tình hình khó khăn về kinh tế để đầu cơ trục lợi, gây mất ổn định nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong một số trường hợp là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vẫn cần có sự can thiệp của Nhà nước kể cả bằng biện pháp hình sự”.

(Bà Lê Thị Thu Ba)

Theo Ủy ban Tư pháp của QH, việc sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận xã hội, hành vi phạm tội có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe nhiều người trên một diện rộng. Trong một số trường hợp, hành vi phạm tội trở nên đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, không nên bỏ hình phạt tử hình vì tệ nạn tham nhũng được coi là quốc nạn và vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp; đấu tranh phòng chống tham nhũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta. Do đó chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với ba tội danh nêu trên.

Liên quan đến việc chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, đại biểu Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH và đại biểu Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH cùng chung ý kiến nên quy định một hình thức quản lý tại gia đình có điều kiện nhằm làm tăng thêm cơ hội cho người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù.

Cũng liên quan đến Bộ luật hình sự theo quy định hiện hành, người có hành vi đầu cơ chỉ bị xử lý hình sự khi hành vi này được thực hiện trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã đề nghị bổ sung tình tiết “hoặc tình hình khó khăn về kinh tế”, tuy nhiên qua thảo luận có một số ý kiến đại biểu QH không tán thành, ý kiến khác đề nghị bỏ “tội đầu cơ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba cho biết quan điểm của thường trực ủy ban là thời gian tới vấn đề găm hàng hóa, mua vét hàng hóa tạo ra sự khan hiếm giả tạo để trục lợi vẫn tồn tại. “Hiện tượng này sẽ được thị trường tự điều tiết trong điều kiện bình thường, nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt như: thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, hoàn cảnh khó khăn về kinh tế thì khả năng tự điều tiết của một nền kinh thế thị trường chưa hoàn thiện như ở nước ta là rất hạn chế và không kịp thời.

Một vấn đề quan trọng khác được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH là về tội trốn thuế, gian lận thuế. Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng một mặt cần giữ nguyên mức định lượng số tiền trốn thuế làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự (vẫn giữ 50 triệu đồng, không tăng lên mức 150 triệu đồng như dự thảo luật). Mặt khác, cần nghiên cứu nâng mức tiền phạt lên cao hơn nữa đối với tội danh này.

Về dự thảo Luật lý lịch tư pháp, thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng nên giữ quy định về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp như dự thảo luật (án tích và tình trạng thi hành bản án), không nên mở rộng phạm vi bao gồm cả “tiền sự” và quyết định xử phạt hành chính.

Theo Tuoi T re Online