Rủ nhau ăn chia tiền tài trợ
Các Website khác - 24/12/2008
 Không có sổ sách theo dõi tài chính, toàn bộ hoạt động của Trung tâm hỗ trợ giáo dục dạy nghề trẻ em thiệt thòi Đất Tổ (gọi tắt là Trung tâm hỗ trợ giáo dục) đều nằm trong sự kiểm soát của Nguyễn Tuấn Anh và Lương Thị Thanh Tâm, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm.
Sau khi nhận tiền tài trợ được gửi đến giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Tuấn Anh và Tâm đã bàn bạc nhau, lập khống chứng từ rút hơn 175 triệu đồng chi tiêu cá nhân.

Tiếp nhận tiền hỗ trợ

Những sai phạm tại Trung tâm hỗ trợ giáo dục chỉ được phát hiện khi Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ, Công an thành phố (CATP) Việt Trì nhận được đơn, thư về những biểu hiện bất thường tại đây.
 
Các trinh sát đã phải lặn lội xuống từng địa bàn, tìm gặp những học viên đã từng tham gia học tập tại Trung tâm này để xác minh.
 
Từ những tài liệu thu thập được, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ, Công an TP Việt Trì đã làm rõ hành vi phạm tội của Tuấn Anh và Tâm.

Theo đó, Trung tâm hỗ trợ giáo dục trên được thành lập theo Quyết định số 46 của Tổ chức hỗ trợ - giáo dục trẻ em thiệt thòi Việt Nam (OSEDC), có chức năng dạy văn hóa, dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nguyễn Tuấn Anh (SN 1970), trú tại khu 9, phường Nông Trang được bổ nhiệm làm Giám đốc; Lương Thị Thanh Tâm (SN 1965), trú tại phường Dữu Lâu, TP Việt Trì là Phó Giám đốc.

Trong năm 2004, Trung tâm đã tập hợp được một số cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu bị tật nguyền về để học nghề. Từ năm 2005 đến năm 2007, Trung tâm đã mở rộng quan hệ với một số đối tác và được một số đơn vị và tổ chức tài trợ cấp kinh phí (họ đều yêu cầu Trung tâm phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đó là việc chỉ được mở lớp dạy học nuôi trẻ và đầu tư xây dựng cơ bản để nâng cao cơ sở vật chất cho học sinh tại Trung tâm).

Lập khống để ăn chia

Khi được cấp các khoản kinh phí trên, Trung tâm đã giao cho Tâm chịu trách nhiệm mở lớp đào tạo, nuôi trẻ và quản lý hành chính; còn Tuấn Anh phụ trách mảng xây dựng cơ sở vật chất ở tại xã Minh Nông, TP Việt Trì.

Nhưng 2 đối tượng này đã lập khống chứng từ để chiếm đoạt số tiền mà các đơn vị tài trợ.
 
Cụ thể, mặc dù không mở lớp học nghề, nhưng trong báo cáo của Trung tâm lại ghi mở 10 lớp dạy học nghề với số lượng 220 học sinh; lập 17 chứng từ khống từ nguồn vốn tài trợ với nội dung chi hỗ trợ gia đình trẻ và đưa trẻ đi khám bệnh là 47,8 triệu đồng; chi khống lương cho 7 người nuôi trẻ là 23 triệu đồng; lập khống số tiền ăn cho 10 lớp học là 160 triệu đồng; lập khống trên 18 chứng từ chi mua vật tư nguyên liệu là 241 triệu đồng.   

Những sai phạm của Trung tâm còn thể hiện ở các khoản thu, có những khoản tiền không có nhưng vẫn ghi vào sổ thu hoặc ngược lại: Trong năm 2005, một tổ chức hứa sẽ hỗ trợ Trung tâm khoản tiền 202 triệu đồng, nhưng yêu cầu Trung tâm này phải có nguồn vốn đối ứng trị giá là 70% số tiền hỗ trợ.

Mặc dù không có nguồn thu, nhưng Tuấn Anh đã chỉ đạo Lê Thanh Ngọc (phụ trách kế toán) lập phiếu thu và thể hiện trên sổ sách kế toán số thu trên để làm vốn đối ứng, tạo lòng tin để tổ chức đó cấp tiền hỗ trợ Trung tâm. Bên cạnh đó, có những khoản chi có thực, nhưng lại được Tuấn Anh chỉ đạo không cho vào sổ sách mà để chi tiêu cá nhân.  

Sau khi làm rõ hành vi của hai đối tượng trên, Cơ quan CSĐT CATP Việt Trì đã chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị Viện KSND thành phố truy tố hai bị can Nguyễn Tuấn Anh và Lương Thị Thanh Tâm trước pháp luật.    
Quỳnh Anh

Theo Giađinhnet