Góp thêm một số biện pháp chống tham nhũng
Các Website khác - 26/10/2005
Làm thế nào để người có chức, quyền không thể tham nhũng, không dám tham nhũng? Ðó là ý kiến của một số bạn đọc được trích đăng dưới đây.
Ông Võ Anh Tuấn (MTTQ tỉnh Hà Tĩnh): Theo tôi, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần làm rõ ba vấn đề:

Thứ nhất, làm thế nào để người có chức, có quyền không thể tham nhũng? Muốn vậy phải có cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật đồng bộ, chặt chẽ, không có khe hở cho bọn tham ô, tham nhũng luồn lách, đục khoét. Ðồng thời, quản lý chặt các mặt của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực.

Thứ hai, từng bước nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức để họ có thể sống được bằng đồng lương, có tích lũy, tái sản xuất sức lao động, thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ tương xứng năng lực, trình độ chuyên môn, tiến tới trả lương theo hiệu quả, năng suất lao động, mạnh dạn áp dụng cơ chế khoán quỹ lương, kể cả khoán ô-tô con, điện thoại di động...

Thứ ba, Nhà nước thể chế hóa các chế tài xử phạt đủ nghiêm, đủ hiệu lực nhằm giáo dục, răn đe, trừng trị những kẻ tham nhũng và những người có ý định tham nhũng. Xây dựng cơ chế giám sát, phát giác, tố cáo tham ô, tham nhũng rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Khúc (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình): Ðể chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải thiết lập, xây dựng một cơ chế, chính sách chặt chẽ, tạo rào chắn để ngăn ngừa, đồng thời coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tôn trọng của công, coi việc lấy của công là hành vi ăn cắp, là tội ác. Thực hiện tốt hơn nữa quy chế dân chủ, công khai tài chính, tài sản công trong các cơ quan, địa phương, đơn vị. Lãnh đạo các cấp, ngành địa phương phát động phong trào quần chúng nhân dân theo dõi, phát hiện những việc làm bất minh, những dấu hiệu tham nhũng. Khi có ý kiến phát hiện, tố giác, tránh tình trạng để kéo dài, hoặc né tránh không xem xét, kết luận. Khi mọi việc đã rõ thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm khắc, bất kể ai.

Ông Nguyễn Ðức Thuận (Học viện Chính trị Quân sự - Hà Nội): Tuy đã có hàng loạt vụ tham nhũng bị phanh phui, song vẫn còn không ít vụ tham nhũng chưa được xử lý kịp thời. Những vụ tham nhũng bị phát hiện trong thời gian qua cho thấy, chúng đều có một "đường dây", quan hệ mật thiết với nhau, không là anh em ruột thịt thì cũng là họ hàng thân, quen. Vì vậy, chống tham nhũng trước hết phải chống cảm tính cá nhân, dĩ hòa vi quý. Dân tộc ta vốn trọng tình cảm, sống yêu thương, đùm bọc, che chở nhau. Ðây là một truyền thống quý báu. Tuy nhiên, cũng có những kiểu thương người không đúng, đã mở đường cho nhau cùng tham nhũng, cùng phạm tội. Cha thấy con phạm tội không can ngăn, bạn bè không tố giác nhau và không những thế cùng bao che nhau tham nhũng.

CTV Tuấn Anh: Luật pháp của một số nước có điều khoản quy định khen thưởng cho người có thành tích tố giác tham nhũng bằng phần trăm giá trị tài sản của vụ tham nhũng và được bảo vệ trước những thủ đoạn trả thù của bọn tội phạm. Ở nước ta, thời gian qua đã có những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tiêu biểu là vụ án liên quan vụ phá rừng phòng hộ Tánh Linh (Bình Thuận), quản lý đất đai ở Ðồ Sơn (Hải Phòng)... Họ đã phải bỏ công sức, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả bằng máu cho một công việc nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khen thưởng những cá nhân có công tố giác đấu tranh chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.

Thiết nghĩ, đã có những anh hùng chống giặc ngoại xâm thì cũng nên có anh hùng chống "giặc nội xâm". Cho nên, trong Luật Phòng, chống tham nhũng cũng nên quy định hình thức khen thưởng xứng đáng cho tập thể, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh chống tham ô, tham nhũng.