Công trình đường nối từ cảng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) khởi công mới được vài tháng, nạn tàn phá rừng phòng hộ thượng nguồn sông Gianh thuộc xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, cả một "công trường phá rừng" quy mô lớn đã mở ra tại khu vực này. Mỗi ngày có hàng trăm người và phương tiện, từ cưa máy đến rìu, rựa, từ xe tải lớn đến xe trâu vào rừng.
Suốt từ mờ sáng đến tối mịt, cả khu rừng ầm ào tiếng cưa máy, tiếng chặt, đẽo, tiếng quát trâu, cười nói. Nền rừng chằng chịt đường kéo gỗ bằng trâu, có đoạn sâu quá đầu người như giao thông hào. Trong rừng, các bãi gỗ mọc lên như nấm, nơi còn cả khúc gỗ tròn, nơi đã đẽo thành cột nhà, nơi cưa ra thành phách, thành tấm nằm la liệt. Thành phần phá rừng ban đầu là một doanh nghiệp tư nhân, tiếp đó là lực lượng "lâm tặc" địa phương từ Quảng Bình ra, từ Hà Tĩnh vào. Chỉ trong vài tháng, hàng nghìn mét khối gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 đã bị chặt hạ. Những ngày này, dù đã bước vào mùa mưa lũ, nhưng "không khí" phá rừng ở đây vẫn "nóng" hơn bao giờ hết!
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, khối lượng gỗ bị chặt phá trái phép trên lâm phận Quảng Bình đến tháng 4-2005 hiện còn có "dấu vết" ở doanh nghiệp Phú Thành Lâm khoảng gần 1.000 m3. Còn lại, ước tính khối lượng gấp nhiều lần như thế đã theo chân "lâm tặc" tẩu tán về xuôi!
Vì sao lại có cảnh tàn phá rừng nghiêm trọng và ngang nhiên đến thế?
Chuyện bắt đầu từ lúc lập dự án cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ nối cảng Vũng Áng lên cửa khẩu Cha Lo trên biên giới Việt-Lào. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra hai phương án hướng tuyến. Phương án được chọn có ưu thế là độ dài chặng đường được rút ngắn gần sáu cây số, tổng mức đầu tư giảm 12 tỷ đồng. Nhưng để được lợi về kinh tế, khi thực hiện phương án này con đường sẽ đi qua khu vực có rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh với địa hình khá phức tạp cho việc duy tu, bảo dưỡng cũng như công tác bảo vệ rừng. Và thực tế nạn phá rừng đã diễn ra ngoài sức tưởng tượng của các cơ quan quản lý ngay sau khi động thổ công trình.
Kinh nghiệm từ việc thi công đường Hồ Chí Minh qua các khu rừng đặc dụng và phòng hộ, thiết nghĩ, hơn ai hết ngành GTVT hiểu rõ. Vậy mà ở đoạn tuyến từ km 57 đến km 60 + 033 đi qua khu rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 51 lâm phận tỉnh Quảng Bình do Công ty Lâm - Công nghiệp Bắc Quảng Bình quản lý, trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh Quảng Bình) cho phép, chưa được bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT), đơn vị làm chủ đầu tư, đã đưa lực lượng thi công vào rừng, cho phép doanh nghiệp tư nhân vào khai thác gỗ, lại không có các giải pháp quản lý khiến kéo theo hàng trăm lâm tặc tàn phá rừng vô tội vạ, không kiểm soát được.
Sau khi vụ việc được quần chúng phát giác, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải đã đề nghị UBND các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh tạm đình chỉ thi công công trình và khai thác gỗ tại tiểu khu 51 cho đến khi giải quyết xong các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và thiết kế khai thác gỗ đồng thời, truy quét kịp thời các đối tượng phá rừng, yêu cầu Ban Quản lý Dự án 85 và các cơ quan liên quan ở địa phương kiểm điểm nghiêm túc những vi phạm. Nhưng công tác kiểm điểm, xử lý vi phạm của các đơn vị liên quan xem ra không mấy nghiêm túc.
Riêng Ban Quản lý Dự án 85, đơn vị có trách nhiệm chính trong vụ việc này, sau khi thừa nhận sự "nhầm lẫn" của mình chưa làm đủ và làm đúng thủ tục đã cho lực lượng thi công tiến hành, thì vẫn khẳng định, việc hàng trăm lâm tặc theo chân lực lượng thi công vào phá rừng phòng hộ "không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý Dự án 85", và cho rằng "việc bảo vệ, quản lý rừng thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng về lâm nghiệp và chính quyền địa phương"...
Trong khi rừng tiếp tục bị phá với cường độ mạnh dần từ đầu năm đến nay, sự quan tâm của chính quyền địa phương xem ra lại "lệch" về phía xử lý tang vật với hàng chục công văn, tờ trình để giải quyết việc "chia phần" gần một nghìn mét khối gỗ đã thu giữ! Còn trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là làm sao để ngăn chặn lâm tặc đang từng ngày, từng giờ "cạo trọc" khu rừng phòng hộ, thì ít được quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Mai Xuân Thu, việc bảo vệ rừng giờ đây thật khó khăn bởi sự tắc trách của các cơ quan liên quan vừa rồi đã mở ra "cơ hội" cho lâm tặc. Muốn bảo vệ rừng khu vực này thì phải lập hai trạm kiểm soát trên tuyến đường mới mở với lực lượng mạnh.
Cho đến thời điểm này, công trình đường nối Vũng Áng - Cha Lo vẫn chưa được tiếp tục thi công bởi thủ tục giao đất, thanh lý rừng chưa xong. Tuy nhiên, theo chúng tôi, công việc cấp bách trước mắt của chính quyền địa phương và các ngành liên quan là phải chặn đứng nạn phá rừng tại đây, tiếp đó là phải có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng thì mới mong cứu được khu rừng phòng hộ này.
|