Kẽ hở trong quản lý tiền chất ma tuý
Báo Tiếng Chuông - 06/06/2017
Trong khi công tác phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn các hành vi vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy được triển khai quyết liệt bằng nhiều biện pháp thì việc quản lý, kiểm soát tiền chất ma túy lại đang bộc lộ nhiều khó khăn. Đây cũng chính là kẽ hở mà bọn tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, một loại ma túy đang có xu huớng phát triển hiện nay.
Một "xưởng" sản xuất ma túy đá, thuốc lắc trong đường dây do Văn Kính Dương cầm đầu mà Công an TPHCM vừa triệt phá

 

Liên quan đến đường dây sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay do Văn Kính Dương (tức Trần Ngọc Hiếu, 36 tuổi, ngụ Hà Nội) cầm đầu, với 13 xưởng sản xuất, trải dài ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Công an TPHCM đã thu được 2,5 tấn tiền chất và hóa chất các đối tượng dùng để sản xuất ma túy tổng hợp.

Theo khai nhận, một trong những thành phần quan trọng để sản xuất ma túy chính là methylamine dưới dạng thể lỏng.

Nhìn nhận về chuyên án ma túy lớn nhất từ trước đến nay này, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, đây là chỗ hở trong quản lý tiền chất và cho rằng hiện nước ta có nhiều bộ, ngành quản lý loại độc dược nhưng còn lỏng lẻo

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 5 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến đã thừa nhận có việc lợi dụng và sử dụng các tiền chất đấy để sản xuất ma tuý, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác.

Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế cho rằng nếu không có các tiền chất thì không thể triển khai công tác khám chữa bệnh được; công tác kiểm soát tiền chất cần phải siết chặt không chỉ ở khâu cấp phép nhập khẩu mà quan trọng nhất là khâu quản lý. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương để điều tra và phát hiện những tổ chức sản xuất chất ma túy sử dụng các tiền chất.

Như vậy, vấn đề đặt ra, đó là kiểm soát tiền chất không phải là cấm sử dụng các chất đó mà đòi hỏi phải có cơ chế thích hợp, biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm chống thất thoát tiền chất từ các nguồn hợp pháp để sản xuất trái phép các chất ma túy.

Mới chỉ quản lý được "đầu vào"

Theo các cơ quan chức năng, tiền chất là các hóa chất rất cần thiết, thậm chí không thể thiếu được trong các ngành công nghiệp, y học, nghiên cứu khoa học và trong đời sống hàng ngày của con người như axit Axetic, axit sulfuric, axeton, toluen…

Trên cơ sở Công ước Quốc tế, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quản lý tiền chất, trong đó Bộ Y tế quản lý 9 tiền chất, Bộ Công thương quản lý 31 tiền chất. Mặc dù vậy nhưng việc kiểm soát tiền chất của các cơ quan chức năng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được ngang tầm nhiệm vụ đặt ra trong công tác phòng chống ma túy hiện nay.

Việc quản lý tiền chất sau khi nhập khẩu vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa được quản lý chặt chẽ, dễ bị đối tượng lợi dụng mua bán trong nội địa và tạo nguy cơ tiềm ẩn về sản xuất ma túy tổng hợp. Trong thời gian qua, đã có một số trường hợp tội phạm ma túy sử dụng tiền chất để điều chế ma túy tổng hợp tại Việt Nam và đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), tính đến tháng 6/2017, đơn vị ghi nhận lực lượng công an toàn quốc phát hiện, bắt giữ 26 vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Cảnh sát thu giữ tang vật đều là ma túy dạng đá

Lãnh đạo C47 cho biết, công tác quản lý tiền chất, thuốc tân dược gây nghiện hoặc thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện chưa thống nhất, còn lỏng lẻo, chồng chéo, chủ yếu quản lý đầu vào (nhập khẩu), đầu ra (tiêu thụ) không quản lý được, để tiền chất, thuốc tân dược gây nghiện trôi nổi nhiều trên thị trường, các đối tượng phạm tội lợi dụng, mua bán để sản xuất ma túy tổng hợp nói chung, ma túy “đá” nói riêng.

Siết chặt khâu quản lý tiền chất

Theo Đại tá Nguyễn Đình Khu, Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về tiền chất và ma túy tổng hợp, C47, Bộ Công An, kiểm soát tiền chất không phải là cấm sử dụng các chất đó mà đòi hỏi phải có cơ chế thích hợp, biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm chống thất thoát tiền chất từ các nguồn hợp pháp để sản xuất trái phép các chất ma túy.

2 loại tiền chất ma túy chủ yếu thu giữ được trong thời gian qua tại Việt Nam là Pseudoephedrin (PSE), Ephedrin.

Theo tính toán của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên Hợp Quốc (INCB) thì cứ 1kg tiền chất PSE kết hợp với một vài loại hóa chất dung môi có thể điều chế ra 0,6  kg ma túy đá. Thông thường 1 kg tiền chất PSE nhập về Việt Nam có giá khoảng trên dưới 100USD, nhưng khi vận chuyển trót lọt sang Úc thì có giá lên đến 50.000 USD. Lợi nhuận của sản xuất, mua bán ma túy tổng hợp dạng đá rất lớn (giá 1 tỷ đồng/1 kg), nếu mua tiền chất sản xuất thì lãi khoảng 5 lần, nếu mua thuốc tân dược để sản xuất thì lãi khoảng 10 lần.

Trong khi đó, trên thực tế, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua tuyến bưu điện quốc tế và các địa điểm chuyển phát nhanh được xác định là địa bàn trọng điểm về hoạt động nhập khẩu tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần và xuất khẩu tiền chất được ngụy trang trong hàng hóa rất tinh vi gửi dưới dạng quà biếu, quà tặng.

Việc phân phối, sử dụng các loại thuốc này trong nội địa sau khi thông quan chưa được kiểm tra, làm rõ của các cơ quan chức năng, nên chưa thể khẳng định được có lạm dụng để sản xuất ma túy hay không. Như vậy, nguy cơ buôn bán, vận chuyển tiền chất, tân dược có chứa chất gây nghiện là rất lớn nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến khâu tiêu thụ trong nước.

Trong các vụ sản xuất ma túy phát hiện, Cục C47 ghi nhận tội phạm đều mua các loại thuốc ho, trị cảm cúm… về nghiền nhỏ rồi trưng cất, tách chiết nhằm thu tiền chất ma túy. Ngoài ra, lợi dụng lỗ hổng trong việc quản lý, những năm gần đây tội phạm trong và ngoài nước đã thu gom các loại thuốc tân dược có chứa PSE đem về chiết xuất, vận chuyển sang Úc tiêu thụ.

Theo Đại tá Khu, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ phân công về kiểm soát tiền chất và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, sử dụng, xuất nhập khẩu hóa chất cần có sự trao đổi thông tin về những hoạt động thủ đoạn mà bọn tội phạm áp dụng, tình hình buôn lậu hóa chất để sản xuất ma túy; phối hợp chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, kiểm soát các loại thuốc tân dược chứa tiền chất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống ma túy. Cụ thể với những loại thuốc này cần thiết phải bán theo đơn, khống chế số lượng.

Đối với các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất cần tích cực kiểm tra, giám sát các loại thuốc này để tránh việc bán ra thị trường với số lượng lớn để tội phạm lợi dụng mua về điều chế, sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ về chuyên môn quản lý tiền chất, thông tin kịp thời các nghi vấn về thất thoát tiền chất giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan kiểm soát ma túy của các nước.