Vì Tiểu vùng sông Mê Kông an toàn, không ma tuý
Báo Tiếng chuông - 31/05/2017
Bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam, sông Mê Kông vừa là biên giới tự nhiên, vừa là mạch máu giao thông, đồng thời là nguồn nước ngọt quan trọng để nhân dân các nước ven bờ làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đi lên của thế giới và khu vực, do nhiều nguyên nhân địa lý, lịch sử, phong tục… các quốc gia trong vùng đã và đang phải đối mặt với hiểm họa ma túy.
BĐBP Thanh Hóa phối hợp với lực lượng An ninh tỉnh Hủa Phăn (Lào) triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Ảnh: Báo Biên phòng

 

Mua bán ma túy lên đến 40 tỷ USD/năm

Theo đánh giá của các nước thành viên và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), hiện nay, tình hình mua bán và vận chuyển ma túy bất hợp pháp trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông là rất nguy hiểm, dai dẳng và diễn biến phức tạp. Thất thoát tiền chất, nạn lạm dụng ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới có xu hướng gia tăng ở các nước. Hoạt động của tội phạm về ma túy ngày càng manh động và liều lĩnh hơn.

Đáng lo ngại nhất là việc sản xuất và buôn bán ma túy đá và heroin, ước tính giá trị mua bán ma túy trong khu vực này lên đến 40 tỷ USD mỗi năm. Ma túy vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cản trở sự phát triển chung của khu vực. Ở nhiều nơi, các cơ quan chức năng của từng quốc gia không thể đối phó được với tình trạng vận chuyển và mua bán ma túy. 

Những diễn biến phức tạp của tình hình ma túy khu vực đòi hỏi các nước thành viên cần tiếp tục chung tay hợp tác chặt chẽ hơn nữa và cần xác định trọng tâm hợp tác trong thời gian tới.

Vào tháng 5 vừa qua, Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác phòng, chống ma túy các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (MOU) được tổ chức tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia.

Đây là Hội nghị quan trọng, đánh dấu 25 năm hoạt động của Cơ chế hợp tác MOU. Khởi đầu từ năm 1993, Bản Thoả thuận hợp tác MOU 1993 đã trở thành một Cơ chế hợp tác khu vực quan trọng về phòng, chống ma tuý ở tiểu vùng sông Mê Kông.

Tại hội nghị, Bộ trưởng các nước trong khu vực sông Mê Kông và UNODC đã thông qua bản Tuyên bố chung cam kết nỗ lực giải quyết hiệu quả vấn đề ma túy trong khu vực và thông qua bản Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 10 về phòng chống ma túy giai đoạn 2017-2019 (SAP10) với 4 ưu tiên về lĩnh vực hợp tác về ma túy và chăm sóc sức khỏe, thực thi pháp luật, hợp tác tư pháp và phát triển thay thế bền vững.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, nhìn lại chặng đường 25 năm qua, hợp tác phòng, chống ma túy ở khu vực đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đã xây dựng và thông qua các chương trình và kế hoạch hành động tiểu vùng phù hợp với từng giai đoạn, thể hiện sự thống nhất về nhận thức và định hướng cho công tác phòng, chống ma túy của cả khu vực; đã xây dựng được một số mô hình hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật, phát triển cây thay thế và tổ chức nhiều hoạt động chung trong khu vực.

Ngoài ra, thông qua các đề án, dự án hợp tác, năng lực phòng, chống ma túy của các nước thành viên từng bước được cải thiện; đồng thời, đã huy động được một nguồn lực đáng kể của các nước thành viên và cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy ở khu vực. Những kết quả này đã góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy và giảm thiểu tác động của tệ nạn này đối với xã hội. 

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, các nước cần triển khai các biện pháp giải quyết đồng bộ, toàn diện mối quan hệ giảm cung, giảm cầu ma túy ở tầm quốc gia, khu vực, trong đó dành ưu tiên cao cho hợp tác giảm cung; phát huy nguồn nội lực và chia sẻ trách nhiệm huy động nguồn lực cho các sáng kiến phòng, chống ma túy của khu vực, đồng thời tiếp tục quảng bá hình ảnh cơ chế MOU để kêu gọi tài trợ quốc tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động đảm bảo tính thực tiễn, đồng thời gắn kết hoạt động của tiểu vùng với các nỗ lực chung của ASEAN và các khu vực khác.

Trên cơ sở hoạt động hợp tác chung, các nước trong tiểu vùng cần đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác song phương, ba bên, tạo nên sức mạnh tổng hợp chống tệ nạn ma túy. 

Sức mạnh tổng hợp chống ma túy 

Chia sẻ về công tác phòng, chống ma tuý tại Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cho biết, cùng với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các giải pháp toàn diện, cân bằng ở trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế. Trong đó, dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động mua bán và vận chuyển ma túy bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Cùng với tăng cường thực thi pháp luật, Việt Nam cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền giáo dục phòng ngừa, đa dạng và xã hội hóa các mô hình điều trị cai nghiện và quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Chương trình quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020 trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nội dung Kế hoạch hành động tiểu vùng và Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống ma túy giai đoạn 2016-2025.

Là một thành viên của MOU, Việt Nam đã tham gia một cách tích cực và trách nhiệm các hoạt động hợp tác chung của khu vực: Phối hợp chặt chẽ với UNODC và một số nước tiểu vùng có chung đường biên giới thiết lập mạng lưới các văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO), tham gia sáng kiến “Vì một sông Mê Kông an toàn”; khảo sát các tuyến đường liên khu vực biên giới, trao đổi thông tin, tổ chức giao ban, họp song phương định kỳ, phối hợp điều tra các vụ án ma túy.

Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với UNODC và các nước thành viên thực hiện nghiêm túc cam kết và thỏa thuận, nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung của khu vực, vì hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không có ma tuý. 

Trao đổi với phóng viên về vai trò của hợp tác quốc tế, khu vực trong công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam, Đại tá Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an, cho biết, ma túy là vấn đề quốc tế, một quốc gia đơn độc không thể giải quyết được vấn đề này. Do vậy, việc giải quyết vấn đề ma túy ở Việt Nam không thể tách rời khỏi việc giải quyết vấn đề ma túy trong khu vực.

Thông qua các khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực, Chính phủ Việt Nam đã cùng các nước thành viên đã xây dựng kế hoạch và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm chặn cung, giảm cầu, giảm tác hại ở mỗi quốc gia, làm nền tảng cho giải pháp ở khu vực; thiết lập được một cơ chế hợp tác thống nhất, được thể chế bằng kế hoạch hành động tiểu vùng. Nhờ vậy, các hoạt động hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam và các nước đã được nâng lên một tầm cao mới.

Cũng thông qua cơ chế này, Việt Nam và các nước đã được hưởng lợi nhiều từ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là của UNODC, góp phần hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống ma túy ở trong nước.