Chống đối người thi hành công vụ đến cùng vì lợi nhuận
Khi nhóm phóng viên báo chí đến nơi xảy ra vụ việc, thi thể của Kiểm lâm viên Bùi Văn Long đã được an táng. Tất cả những gì anh làm, đồng đội và cả những cánh rừng ghi nhận với niềm thương tiếc khôn nguôi.
Anh Võ Văn Hồng, lái xe Hạt Kiểm lâm Đô Lương kể lại sự việc với giọng nghẹn ngào: 5 giờ chiều ngày 20-7-2005, Hạt Kiểm lâm Đô Lương (Nghệ An) nhận được tin báo từ cơ sở: sẽ có một xe ô-tô chở gỗ trái phép chạy theo hướng từ huyện Thanh Chương về Đô Lương trong đêm.
Ngay lập tức, tổ công tác bốn người được cử đi làm nhiệm vụ gồm: tổ trưởng Bùi Văn Long cùng Mai Văn Biện, Võ Mạnh Hồng và Nguyễn Quế Chiêm. Tổ công tác bí mật phục trong một ngõ nhỏ (thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương). Đến gần 9 giờ tối, tổ công tác phát hiện xe ô tô tải (BKS 37H-6807) đi qua. Tổ công tác phát tín hiệu dừng xe lại và kiểm tra trên xe có 12 khúc gỗ táu (thuộc nhóm 2) không có giấy tờ.
Không thể chứng minh được nguồn gốc của số gỗ trên, lái xe kiêm chủ xe Nguyễn Quý Tùng (sinh năm 1975, trú tại xóm 8, xã Quang Sơn, Đô Lương) buộc phải đưa xe về Hạt Kiểm lâm Đô Lương để làm rõ sự việc trong sự áp tải của tổ công tác. Cùng đi trên xe có Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1976, là vợ của Nguyễn Quý Tùng) và thợ máy Thái Đình Anh (sinh năm 1978, trú tại xóm Vũ Vũ, xã Hoà Sơn, Đô Lương) do Tùng thuê trực tiếp theo xe để sửa chữa khi xe bị hỏng hóc.
Ban đầu, Tùng tỏ ra chấp hành yêu cầu lái xe theo quốc lộ 15A về Hạt Kiểm lâm. Nhưng được một đoạn, Tùng dừng xe lại và xuống xin làm luật để được thả xe. Tính từ dốc Kỳ Lợn, xã Mỹ Sơn là nơi bị bắt đến địa phận xã Nhân Sơn, Tùng đã hai lần dừng xe để lung lạc những người thừa hành pháp luật. Trước thái độ kiên quyết của các cán bộ Kiểm lâm, Tùng đã không thực hiện được ý đồ đen tối của mình. Tùng tiếp tục dừng xe tại đường liên thôn rẽ vào xã Quang Sơn để “trình bày” với tổ công tác. Thể hiện thái độ kiên quyết trước những hành động vi phạm pháp luật của Tùng, Kiểm lâm viên Bùi Văn Long cương quyết yêu cầu Tùng đưa xe về Hạt Kiểm lâm để giải quyết.
Không thực hiện được ý đồ của mình, Tùng không lái xe theo quốc lộ 15A như theo yêu cầu của tổ công tác mà bất ngờ cho xe chạy vào đường mòn về xã Nhân Sơn. Trước tình huống trên, các cán bộ Kiểm lâm đã truy đuổi sát sao. Được 400m, xe của tổ công tác vượt lên trên xe của Tùng , buộc phải dừng lại và xuống xe.
Tại đây, Tùng vẫn không từ bỏ ý định xin được hối lộ để thả xe nhưng một lần nữa Kiểm lâm viên Bùi Văn Long lại làm hắn thất vọng khi cương quyết yêu cầu đưa xe về Hạt xử lý. Vờ chấp hành, Tùng lợi dụng đường mòn xin được quay đầu xe rồi bộc lộ rõ dã tâm khi rồ máy lao thẳng xe vào hai anh Long và Chiêm đang đứng ở phía trước. Tình huống nguy hiểm đã buộc hai anh nhảy sang hai bên để tránh. Tùng tiếp tục chạy xe với tốc độ cao ngược về hướng Nam Đàn. Kiên quyết trấn áp tội phạm đến cùng, anh Long đã dũng cảm nhảy lên bám vào cửa xe bên trái, yêu cầu Tùng dừng lại. Bất chấp tất cả, Tùng điều khiển xe chạy với tốc độ cao, đi sát vào bên trái đường (có nhiều cọc tiêu và cột điện làm bằng tre) nhằm gạt anh Long xuống đường. Chính điều đó đã khiến Tùng không xử lý được tay lái, chiếc xe lạng sang bên trái đường. Hậu quả là toàn bộ xe và 2,48m3 gỗ xẻ đổ xuống ruộng, đè vào người anh Long làm anh Long chết tại chỗ.
Lợi dụng lúc đồng đội lao vào tìm kiếm anh Long, Tùng và đồng bọn đã bỏ trốn. Do đống gỗ quá lớn, đồng đội không thể đưa anh Long ra được. Mãi khi thuê được xe cẩu tới, thi thể anh Long mới được đưa ra ngoài: anh Long chết trong tư thế bị toàn bộ xe và gỗ đè lên người. Ngực và lưng người chiến sĩ kiểm lâm dũng cảm còn đẫm máu, mặt bầm tím.
Nguyễn Quý Tùng phạm tội “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý giết người”
Trao đổi với phóng viên, thượng tá Nguyễn Xuân Thiêm, Phó trưởng Công an huyện Đô Lương cho biết: Ngay khi nhận được tin báo, các anh đã xác định đây là vụ án nghiêm trọng và đã huy động toàn bộ lực lượng xuống hiện trường để xử lý vụ việc.
Qua khám nghiệm hiện trường và thu thập ban đầu những chứng cứ, các chiến sĩ điều tra khẳng định những hành vi mà Nguyễn Quý Tùng gây ra là rất nghiêm trọng. Tùng đã vận chuyển gỗ trái phép, có hành vi mua chuộc (nhưng không thành) và đã chống lại hiệu lệnh của Kiểm lâm. Là chủ xe đồng thời trực tiếp lái xe, Tùng không có giấy phép lái xe. Khi bị truy đuổi đến cùng, Tùng đã cố ý điều khiển xe lạng lách gạt anh Long xuống đường. Bánh xe chỉ cách cây tre ven đường 35cm, đủ để hất anh Long xuống đường nếu anh Long không bám chặt vào cửa xe. Mặc dù liên tục được kêu gọi dừng xe song Tùng vẫn cố tình chạy với tốc độ cao hòng tẩu thoát và thực tế đã lái xe theo chiều ngược lại được 79m mới bị nạn.
Khám nghiệm hiện trường, CA Đô Lương phát hiện Tùng hoàn toàn không xử lý phanh xe, chứng tỏ dã tâm gạt anh Long xuống đường đến cùng. Khi biết anh Long lâm nạn, đối tượng đã không có hành vi cứu chữa mà bỏ chạy.
Được biết, theo lưu trữ hồ sơ của cơ quan CA thì chiếc xe BKS 37H-6807 đã hai lần bị cơ quan Kiểm lâm bắt giữ vì vận chuyển lâm sản trái phép. Đặc biệt để thực hiện trót lọt hành vi vi phạm của mình, Tùng đã thuê cả thợ máy đi theo. Trước những kết quả điều tra trên, nhiều cán bộ CA quyết tâm sớm bắt giữ tội phạm, giữ vững công bằng luật pháp.
Ngay trong đêm 21-8-2005, CA huyện Đô Lương đã cử một tổ công tác đặc biệt tức tốc ra Hà Nội, thực hiện lệnh bắt và di lý Tùng (đang điều trị) về địa phương.
Tưởng nhớ và noi gương dũng cảm của đồng đội
Ngay khi tai nạn xảy ra, ngay trong đêm, toàn bộ lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An và các phòng liên quan đã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc. Chi cục trưởng Nguyễn Tất Dứ không khỏi bùi ngùi xúc động: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình trước linh hồn của đồng đội, sát cánh cùng gia đình nuôi dưỡng các cháu trưởng thành. Chúng tôi cũng không nhụt chí trước những hành động điên cuồng của lâm tặc”.
Đồng chí Dứ cũng cho biết Chi cục Kiểm lâm Nghệ An sẽ phát động phong trào học tập nêu gương dũng cảm hy sinh của đồng chí Bùi Văn Long. Được biết vụ vận chuyển gỗ trên là một thủ đoạn tinh vi mới của lâm tắc. Trái với thói quen vận chuyển gỗ thông thường theo tuyến đường 7, từ Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn về Đô Lương, lâm tặc lợi dụng đường Hồ Chí Minh thông tuyến vận chuyển gỗ ngược qua Thanh Chương, Nam Đàn về Đô Lương hoặc xuôi theo sông Lam sau đó ngược về Đô Lương. Chính điều này đã khiến cho việc kiểm tra, phát hiện của lực lượng Kiểm lâm gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc ngăn chặn vụ vận chuyển vừa qua thể hiện sự nghiêm khắc, cương quyết của cán bộ chiến sĩ kiểm lâm trước hành vi chống đối đến cùng của lâm tặc và trước cả cám dỗ của đồng tiền.
Hy vọng rằng, cuộc chiến bảo vệ rừng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ hơn nữa từ các ngành các cấp, của các chính quyền địa phương để rừng Việt Nam không bị chảy máu.
Tình hình chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày càng tăng. Trước vụ việc trên, ngày 23-8-2005, Trạm kiểm soát lâm sản Cầu Gỗ (thuộc Hạt Kiểm lâm Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bắt giữ xe mô tô BKS: 26F2-2616 chở năm cục tượng gỗ Pơmu do tên Lê Hồng Phong điều khiển. Chiều 26-8, tên Phong và tên Đông (trú tại Đội 9, Nông trường Trần Phú) đến gặp Trạm trưởng Kiểm lâm đe doạ, đòi lại phương tiện vi phạm. Khi không được giải quyết, tên Phong đã rút chiếc xi lanh giấu sẵn trong túi đâm đồng chí Huân, Trạm trưởng. Kết quả xét nghiệm chiếc xi lanh trên cho thấy máu trong xi lanh mang HIV dương tính. Vụ việc tiếp tục cho thấy nguồn lợi tiềm tàng từ rừng khiến những kẻ vụ lợi không chùn tay chống đối lực lượng kiểm lâm. |