![]() |
Loại ma túy mới này có hình dạng giống lá trà khô |
Ngày 6/7, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy (Bộ Công an) và Cục Hải quan TP Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay đã phát hiện 2,5 tấn ma túy lá Khat được nhập lậu trái phép vào Việt Nam.
Đại tá Mai Sơn Cương, Trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy cho biết các lô hàng trên đã được lấy mẫu giám định đề nghị Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an giám định. Kết quả cho thấy thảo mộc khô giám định có chứa thành phần Cathione nằm trong danh mục I thuộc Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, việc buôn bán, vận chuyển lá Khat không nằm trong quy định phải chịu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sự.
Theo Đại tá Mai Sơn Cương, sau khi nhập “lá khat”, các đối tượng ở Việt Nam “thay tên, đổi họ” mang tên các loại thảo mộc, gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác.
“Việt Nam là nước có xuất khẩu chè nên các đối tượng trà trộn vào các loại thảo mộc khô, chè, cây nguyên liệu không chứa chất ma túy để tránh sự kiểm soát của các nước khác” - Đại tá Cương nhận định.
Được biết hiện tại, các đối tượng người nước ngoài tiếp tục gửi các bưu kiện lá Khat về Việt Nam. Tất cả các bưu kiện nhập về và gửi đi hiện đang được lực lượng chức năng kiểm soát tạm thời và giữ lại tại kho hàng của Chi cục Hải quan.
Lá Khat còn có tên là Catha, được trồng và buôn bán ở nhiều nước châu Phi như Etiopia, Yamen, Kenia, bán đảo Arab và Trung Đông. Theo các nghiên cứu, đây là loại ma túy mới nhưng độc hại gấp 500 lần thuốc phiện. Việc sử dụng lá Khat sấy khô khiến mắt mờ, dễ nổi nóng, ra mồ hôi nhiều, nhịp tim tăng, co giật, khó thở, chảy máu mũi, suy nhược, rối loạn tâm thần, gây ảo giác.
Điều đặc biệt nguy hiểm là lá Khat có thể tinh chế thành Cathinone sau đó tổng hợp với Amphetamine thành một loại ma túy gọi là Flakka. Đây là loại ma túy pha trộn giữa cocaine và ma túy đá nên mức độ nguy hại, tàn phá cơ thể người sử dụng cao gấp nhiều lần so với ma túy thông thường.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an cho biết, hiện ở nước ta chưa phát hiện ra người sử dụng lá "Khat" cũng như chưa ghi nhận về người nghiện lá “Khat”, mà bước đầu xác định các đối tượng gốc Phi sử dụng Việt Nam như là nước trung chuyển loại lá ma túy này đi các nước thứ ba.
Do đó, ngoài việc phòng chống các loại ma túy thông thường khác, cơ quan chức năng vẫn nỗ lực ngăn chặn các ngả đường thẩm lậu loại ma túy lạ, trong đó có lá “Khat” vào nội địa.
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, Bộ Công an vừa có văn bản 2029/C47(P8) đề nghị Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để cơ quan này xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ “lá Khat”.
Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đề nghị xem “lá Khat” là ma túy và xử lý hình sự những người vi phạm liên quan đến loại lá này.
Tháng 3/2016, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đã nắm thông tin về đường dây tổ chức vận chuyển trái phép chất ma túy, nguốc gốc từ thảo dược (lá Khat), từ nước ngoài về Việt Nam theo đường bưu chính quốc tế nên đã xác lập chuyên án. Theo đó, ngày 20/4, phát hiện lô hàng gồm 36 bưu kiện với tổng trọng lượng 545 kg lá Khat gửi từ Ethiopia về Việt Nam qua đường bưu điện theo vận đơn trên bao bì gửi gồm 5 đối tượng người Ethiopia và 9 đối tượng nhận tại Hà Nội. Ngày 24/5, phát hiện tạm giữ 52 kiện hàng với trọng lượng 468kg lá Khat do một người ở Lào Cai gửi đi Mỹ 38 kiện, Anh 12 kiện, Úc 2 kiện. Cùng ngày cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 76 kiện với 1.088 kg lá Khát được gửi từ Ethiopia về Việt Nam cho 7 người và một công ty. Đồng thời có 6 kiện (60 kg) gửi đi Mỹ và Hà Lan của một đối tượng ở Lào Cai nhưng khi đến nước sở tại không rõ địa chỉ đã được gửi về Việt Nam. Ngày 25/5, một công ty có địa chỉ ở Hà Nội gửi đi 11 kiện (108 kg) lá Khat đóng trong túi bạc màu trắng có dãn nhãn mác là Chùm ngây khô tinh chất tự nhiên đóng trong gói trọng lượng mỗi túi 1kg được gửi đi Mỹ 4 kiện, Úc 7 kiện. Đây là những kiện hàng do công ty nhập khẩu về sau đó đóng gói nhãn mác của công ty rồi vận chuyển đi các nước tiêu thụ.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều kiện hàng lá Khat được gửi từ Kenya về Việt Nam.
|
▪ TP.HCM triển khai ký cam kết “Không khiêu dâm, kích dục” (07/07/2016)
▪ Giải cứu hai cô gái suýt bị bán qua biên giới (06/07/2016)
▪ Thiết lập đường dây nóng xử lý mạng xã hội vi phạm (01/07/2016)
▪ Nước mắt muộn màng của các 'ông trùm' ma túy Tây Bắc (30/06/2016)
▪ 32 doanh nghiệp dược, mỹ phẩm bị Cục Quản lý Dược xử phạt (29/06/2016)
▪ Thủ đoạn mới của dân buôn ma túy đá (28/06/2016)
▪ Giảm nguy cơ mua bán người từ tăng cường hợp tác quốc tế (27/06/2016)
▪ Cảnh sát giao thông có duyên phá án ma túy (25/06/2016)
▪ Kiến nghị xử lý hình sự mua, bán “lá Khát” (23/06/2016)
▪ Hàng loạt cô gái "sập bẫy" vì thích bán dâm cho… đại gia (23/06/2016)