Khởi tố và bắt tạm giam Lương Cao Khải
Các Website khác - 20/10/2005
Áp giải Lương Cao Khải ra xe.
Ngày 20-10, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Lương Cao Khải, nguyên Phó vụ trưởng Vụ thanh tra kinh tế 2 - Thanh tra chính phủ đã có hành vi nhận tiền của đối tượng khi thanh tra sai phạm các công trình thuộc ngành dầu khí.

Qua điều tra vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trình đường ống kho cảng LPG Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an đã phát hiện dấu hiệu phạm tội của Ðoàn thanh tra Chính phủ khi thanh tra tại ngành dầu khí.

Ngày 19-10-2005, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về các tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (theo điều 281 - Bộ luật Hình sự), đưa hối lộ (theo điều 289 - Bộ luật Hình sự) và nhận hối lộ (theo điều 279 - Bộ luật Hình sự) xảy ra từ năm 2001 đến năm 2003 của Ðoàn Thanh tra Chính phủ khi tiến hành thanh tra tại các công trình thuộc ngành dầu khí.

Cùng với việc khởi tố vụ án, ngày 20-10-2005, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lương Cao Khải sinh ngày 24-7-1954 tại Thái Bình, thường trú tại tổ 15 phường Mai Ðộng, quận Hai Bà Trưng (nay là quận Hoàng Mai), Hà Nội, chỗ ở nhà 29 ngõ 44 Nguyễn Ðình Chiểu, phường Lê Ðại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Phó vụ trưởng Vụ thanh tra kinh tế 2 - Thanh tra chính phủ đã có hành vi nhận tiền của đối tượng đang bị thanh tra để mua đất, buộc đối tượng thanh tra đến sửa chữa nhà riêng ở 29 ngõ 44 Nguyễn Ðình Chiểu, Hà Nội.

Cơ quan an ninh điều tra cũng ra lệnh tạm giam bốn tháng và ra lệnh khám xét nơi ở của bị can tại số nhà 29 ngõ 44 Nguyễn Ðình Chiểu, phường Lê Ðại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; nơi làm việc. Cùng ngày 20-10-2005, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Vụ 2) đã ra các quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Lương Cao Khải về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự và phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với Lương Cao Khải để điều tra theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ðược biết, Lương Cao Khải, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra Kinh tế 2 - Thanh tra Chính phủ được giao làm Trưởng đoàn thanh tra công trình đường ống kho cảng Thị Vải và các công trình xây dựng khác do công ty Thiết kế và xây dựng dầu khí (PVECC) làm tổng thầu đã có những hành vi sai phạm sau đây:

Ngày 22-10-2002, Ðoàn thanh tra Chính phủ do Lương Cao Khải làm Trưởng đoàn đã có kết luận Thanh tra số 13/TTR do Lương Cao Khải ký đã quy kết: Việc xây dựng tòa nhà số 154 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội do Xí nghiệp xây dựng số 2 thuộc công ty PVECC làm tổng thầu xây dựng đã có nhiều sai phạm phải xuất toán khỏi giá trị công trình để nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 500 triệu đồng, trong đó có 150 triệu đồng được kết luận là nâng khống, quyết toán khống (tham ô), nhưng các cá nhân có trách nhiệm về sai phạm này chỉ bị đề nghị xử lý hành chính.

Sau khi có kết luận, Lương Cao Khải đã trực tiếp đặt vấn đề với Nguyễn Trọng Nhưng (hiện là bị can trong vụ án kho cảng Thị Vải) là Giám đốc công ty PVECC và Lê Minh Sơn, Giám đốc xí nghiệp xây dựng số 2 (thành viên thuộc PVECC) nhờ cho người đến sửa chữa nhà riêng của Khải tại số 29 ngõ 44 Nguyễn Ðình Chiểu, Hà Nội. Lê Minh Sơn đã cử cán bộ thi công của mình là Trần Ðức Cường cùng một tổ thợ đến sửa chữa nhà cho Khải. Sau khi sửa chữa nhà cho Khải xong thì ngày 10-2-2003 Thanh tra Nhà nước (lúc đó Thanh tra Chính phủ gọi là Thanh tra Nhà nước) có văn bản số 108 do Phó Tổng thanh tra Thường trực Trần Quốc Trượng ký đã sửa kết luận thanh tra số 13 ngày 22-10-2002, trong đó số tiền 500 triệu đồng lẽ ra phải xuất toán của xí nghiệp xây dựng số 2 thì được giao cho Tổng công ty dầu khí Việt Nam tự giải quyết, mà không phải xuất toán.

Ngoài ra, trong thời gian tháng 6-2003, khi Nguyễn Trọng Nhưng, Giám đốc công ty PVECC phải giải trình về những sai phạm tổng thầu với Lương Cao Khải thì Khải có yêu cầu Nhưng tìm mua giúp một mảnh đất tại thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguyễn Trọng Nhưng đã chấp nhận đề nghị trên và giao cho cấp dưới đi tìm và dẫn Lương Cao Khải đến xem mảnh đất của chị Nguyễn Thị Kim Chi ở xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa, diện tích 6.507 m2. Hai bên đã thống nhất giá 10 lượng vàng/1.000 m2, tổng số là 65 lượng vàng, tiền đặt cọc là 100 triệu đồng (tương đương 15 lượng vàng). Khi làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số tiền còn lại sẽ thanh toán nốt. Lương Cao Khải đã yêu cầu công ty PVECC của Nguyễn Trọng Nhưng tạm ứng số tiền đặt cọc nói trên. Vì vậy, Nguyễn Trọng Nhưng đã phải đưa tiền cho Khải, vì nếu không đưa sợ Khải làm khó dễ trong việc giải trình những sai phạm tổng thầu và bị Khải quy trách nhiệm về việc sụt lún công trình cảng Thị Vải. Do đó, Nguyễn Trọng Nhưng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới tạm ứng tiền của công ty rồi đem đi đặt cọc và làm các thủ tục sang nhượng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Lương Cao Khải tại thị xã Bà Rịa.

Ðáng lưu ý là, tất cả các giấy tờ trên đều do cán bộ cấp dưới của Nhưng đứng tên hộ, còn Lương Cao Khải không xuất hiện để làm thủ tục. Khi làm xong tất cả các giấy tờ về đất, Nguyễn Trọng Nhưng đã đề nghị Lương Cao Khải mang tiền trả nốt cho chị Chi. Lương Cao Khải đã cho người thân đem 400 triệu đồng vào TP Hồ Chí Minh giao cho Nguyễn Trọng Nhưng tại sân bay Tân Sơn Nhất để thanh toán, đồng thời Khải còn yêu cầu Nhưng phải làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Khải có địa chỉ tại phường Mai Ðộng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nguyễn Trọng Nhưng đã thực hiện tất cả các yêu cầu của Khải, nhưng số tiền đặt cọc 100 triệu đồng mà Khải đề nghị công ty PVECC tạm ứng thì đến nay không trả lại.

Chiều 20-10, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện các lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc và nơi ở của Lương Cao Khải.