* Xin Bộ trưởng cho biết sau 3/4 chặng đường tiến hành kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai trên toàn quốc, đã nổi lên những vấn đề gì?
- Các địa phương đều có sự quan tâm đến việc triển khai thi hành Luật Đất đai với mức độ khác nhau, thể hiện trong việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương để cụ thể hóa thi hành Luật Đất đai, kiện toàn bộ máy ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đối với cấp huyện. Nhiều địa phương đã chú ý bố trí kinh phí cho công tác quản lý đất đai (riêng TP Hồ Chí Minh năm 2004 dành 75 tỷ đồng, năm 2005 gần 90 tỷ đồng). Hầu hết các địa phương đều rà soát việc sử dụng đất của các dự án và quyết định thu hồi nhiều diện tích không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc chậm tiến độ so với dự án. Đây được coi là dấu hiệu tích cực và nét mới trong việc chấp hành pháp luật đất đai so với những năm trước đây.
Tuy nhiên, hơn 20 ngày kiểm tra cũng cho thấy nhiều vấn đề nổi lên cần phải hết sức quan tâm. Đó là tình trạng nhận thức không đầy đủ về Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, như vấn đề điều kiện để cấp sổ đỏ (quy hoạch...). Hay việc công khai quy hoạch, có địa phương chỉ công khai quy hoạch mới, còn quy hoạch cũ thì không, việc này cũng không đúng. Đi đến địa phương nào cũng thấy tình trạng cán bộ nhận thức không đầy đủ về các quy định mới. Có vẻ anh em bên dưới còn quá quen với những quy định cũ.
Nhiều địa phương ban hành khung giá đất quá thấp so với thực tế, có nơi giá đất ở chỉ bằng 30% - 50% giá thị trường. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng lúng túng, có trường hợp lẫn lộn giữa việc Nhà nước thu hồi đất với việc nhà đầu tư thỏa thuận cùng người sử dụng đất. Nổi cộm nhất là số người đến khiếu nại, tố cáo về đất đai với các đoàn kiểm tra khá đông, chủ yếu là khiếu nại về mức đền bù chưa hợp lý, về việc giải quyết các tranh chấp về đất đai. Đại bộ phận các trường hợp khiếu nại đều xảy ra trước khi có Luật Đất đai 2003. Trong số này có những trường hợp đã có kết luận của Thủ tướng Chính phủ, phán quyết của tòa án hoặc đã có quyết định giải quyết cuối cùng đúng pháp luật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quả thật bức xúc cần được xem xét khách quan để giải quyết thỏa đáng cho dân.
Tiếp tục lắng nghe, thu thập ý kiến của dân
* Nhiều cán bộ cơ sở nhận thức không đầy đủ về Luật Đất đai mới cũng như các hướng dẫn thực hiện, vậy Bộ TN-MT đã có biện pháp khắc phục như thế nào?
- Quả thực dung lượng văn bản quy phạm pháp luật về đất đai quá lớn, không dễ trong thời gian ngắn có thể nắm chắc và hiểu đầy đủ. Do vậy, tôi đã yêu cầu các đơn vị có liên quan của bộ khẩn trương biên soạn tài liệu hướng dẫn theo từng chuyên đề và tài liệu dành riêng cho cán bộ địa chính cơ sở.
* Thưa Bộ trưởng, không ít người dân kỳ vọng rằng những bức xúc, oan trái về đất đai của mình sẽ được giải quyết trong đợt tổng kiểm tra này?
- Mục đích kiểm tra lần này là đánh giá về tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai ở các địa phương để qua đó thúc đẩy việc thi hành luật. Tuy các đoàn kiểm tra không có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng bộ đã có chỉ đạo các đoàn lắng nghe, thu thập những bức xúc, khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận đơn, thư của dân.
Phải có giải pháp phát triển thị trường bất động sản
* Bức xúc của dân thì nhiều, vậy Bộ TN-MT có phương án gì để xử lý những bức xúc đó?
- Bộ TN-MT sẽ giao cho các địa phương xử lý những vụ việc thuộc thẩm quyền của địa phương, đồng thời sẽ theo dõi, đôn đốc, tiếp tục kiểm tra việc xử lý và yêu cầu các địa phương thường xuyên báo cáo kết quả xử lý. Đối với những kiến nghị, đơn thư thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT (số này không nhiều), bộ có trách nhiệm trả lời thỏa đáng. Qua việc khiếu nại, tố cáo của dân, bộ sẽ xem xét lại nguyên nhân là do thể chế (như chính sách đền bù thì sẽ phối hợp với Bộ Tài chính sớm đề xuất việc điều chỉnh); còn nếu là nguyên nhân chỉ đạo tổ chức thực hiện ở địa phương, cơ sở, bộ sẽ có chấn chỉnh, uốn nắn. Điểm mấu chốt là chúng ta không nên chạy theo giải quyết các vụ việc thì không biết đến khi nào hết.
* Trực tiếp cùng Đoàn Kiểm tra số 1 làm việc với TP Hồ Chí Minh trong ngày 22-8, Bộ trưởng cảm nhận điều gì?
- Làm việc tại TP Hồ Chí Minh, tôi rất quan tâm đến vấn đề tìm giải pháp phát triển thị trường bất động sản. Tôi đã có một số gợi ý và giải đáp một số vướng mắc với mong muốn tạo thuận lợi về chính sách đất đai để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Quận 12, TP Hồ Chí Minh: Một ngày, 500 người dân, 300 đơn thư “Quá nhiều bức xúc; lãnh đạo địa phương bảo làm đúng luật, dân nói chưa đúng...” là ghi nhận của những thành viên trong Đoàn Kiểm tra thi hành Luật Đất đai số 1 Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) tại quận 12, trong ngày làm việc thứ hai ở TP Hồ Chí Minh, ngày 23-8. Đoàn đã tiếp gần 500 người dân với hơn 300 đơn thư, trong đó khoảng 60% là của người dân địa phương, số còn lại là của người dân từ các địa phương khác. Theo lãnh đạo quận, đến nay địa phương đã giải quyết 105/109 đơn thư tranh chấp, khiếu nại; còn lại 4 vụ chưa giải quyết là do nguyên đơn đang đo đạc phần tranh chấp... Song thực tế, hầu hết nội dung của các đơn thư đều đề cập đến việc địa phương đang làm “lơ” hay cố tình che giấu hiện tượng làm sai Luật Đất đai. Đơn cử là 150 hộ dân bị giải tỏa trắng tại nút giao Quang Trung, phường Đông Hưng Thuận từ năm 2001. Ban đầu, họ được hứa tái định cư tại phường Tân Thới Nhất, sau lại chuyển sang dự án khu dân cư An Sương. Ngày 22-4-2004, quận cho bốc thăm nền nhà nhưng phần đất mà họ dự kiến được cấp lại đang là những khu dân cư hiện hữu. Về vấn đề tái định cư, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Ban bồi thường và Giải phóng mặt bằng quận 12, báo cáo toàn quận có 66 dự án đang triển khai, liên quan đến 6.580 hộ, trong đó có 1.086 hộ cần phải tái định cư. “Ở đây dân có phải thuê nhà ở tạm không?” - ông Khải hỏi. Ông Hoàng trả lời có 784 hộ đang phải tạm cư. Ông Khải: “Cấp tiền cho dân hằng tháng à?”. Ông Hoàng: “Từ 3 đến 6 tháng...”. Ông Khải cắt ngang: “Anh phải nói dứt khoát là 3 hay 6 tháng”! Đến đây thì ông Hoàng lúng túng: “Có cái 3 tháng, có cái 6 tháng tùy dự án”. Ông Khải yêu cầu quận phải cung cấp danh sách các hộ nhận tiền tạm cư để ông đến kiểm tra. Nhận báo cáo nhanh từ bộ phận tiếp dân, ông Khải quay sang ông Lê Hoài Trung, Chủ tịch UBND quận 12: “Gần 150 hộ dân dự án cầu vượt Quang Trung khiếu nại rằng phải ở tạm cư lâu quá, có đúng không và đã bao lâu rồi?”. Ông Trung: “Thưa anh, đúng và đã hơn 3 cái Tết rồi”. Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Đông Hưng Thuận vào chiều cùng ngày, người dân đòi hỏi chính quyền trả lời dứt khoát nhưng thực tế địa phương chẳng thể trả lời bao giờ sẽ chấm dứt tình cảnh tạm cư. Ông Phạm Văn Long, chủ tịch phường, báo cáo: Phường hiện có 16 dự án đang triển khai, số hộ giải tỏa trắng cần phải tái định cư là 634 hộ, trong đó 514 hộ dự kiến tái định cư tại phường, số còn lại được bố trí tái định cư rải rác khắp quận. “Tôi muốn biết con số người dân được tái định cư thực tế. Đời sống của người dân ra sao?” - ông Khải nhấn mạnh. “Mới có 122 hộ được nhận nền tái định cư, còn lại đã bố trí cho nhận tiền để thuê nhà ở tạm. Đời sống của họ hiện gặp nhiều khó khăn” - ông Long nhìn nhận. Khi ông Long cho biết đã có gần 100 nền tái định cư, nhưng người dân lại chưa chịu nhận vì hạ tầng chưa hoàn chỉnh, ông Khải nhận xét: “Khu tái định cư mà không có điện nước, đường sá không hoàn chỉnh... thì dân không nhận là đúng”.
|
|
đang nghe cán bộ đoàn kiểm tra giải thích.