Làm gì để giảm cơ bản khiếu kiện của dân?
Các Website khác - 17/09/2005
Người dân nộp hồ sơ
xin cấp sổ đỏ.

Hiện có khoảng 70% khiếu kiện của người dân là về đất đai. Tình trạng khiếu kiện về đất đai không những không có xu hướng giảm mà còn tăng. Đây cũng là vấn đề bức xúc, nổi cộm cần có giải pháp cấp bách được đặt ra sau cuộc tổng kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai của Bộ Tài Nguyên - Môi trường vừa qua.
Vì sao tình trạng khiếu kiện lại trở nên "nóng bỏng" ? Do cơ chế chính sách của nhà nước, do triển khai thực hiện của chính quyền địa phương hay do ý thức của người dân? Làm gì để giảm cơ bản việc khiếu kiện của dân?... Trao đổi chung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết:

- Thực sự là có rất nhiều bức xúc. Có thể tình trạng khiếu kiện chung có giảm nhưng khiếu kiện về đất đai thì không giảm mà lại còn tăng. Điều đáng nói trước hết là địa phương hiện nay áp dụng Luật Đất đai mới, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã nhìn chung là chưa tốt. Thể hiện ở chỗ tư duy về pháp luật cũ vẫn "kéo dài", xử vẫn theo tinh thần của Luật Đất đai cũ. Cũng không thể không nói đến một số trường hợp cố tình sai phạm.

Thứ hai, hiện nay cơ chế bồi thường tái định cư về mặt vĩ mô cũng còn có những vấn đề cần phải được xem xét thêm. Làm sao chúng ta vừa có đất để thực hiện các dự án, để đầu tư phát triển nhưng ngược lại vấn đề ổn định xã hội cũng cần thiết phải được đề cập một cách thỏa đáng. Ổn định xã hội thể hiện ở chỗ người dân không "kêu". Có làm tốt việc này thì mới tạo được một mặt bằng phát triển bền vững.

Thứ ba, hiện nay chúng ta đưa ra cơ chế tránh cao nhất hiện tượng khiếu kiện lên T.Ư, tất cả mọi việc giải quyết ở cấp huyện, tỉnh. Cơ chế này cũng có điểm tốt là T.Ư sẽ có nhiều thời gian để làm những vấn đề vĩ mô khác và vấn đề của hộ cá nhân còn bức xúc gì đó thì địa phương có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách thức như vậy cũng chưa phù hợp. Người dân vẫn cần có xử lý pháp luật nghiêm túc, đúng đắn; quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ, không có tình trạng mất công bằng. Đấy là bức xúc thực sự của người dân.

* Mặc dù việc tiếp nhận đơn thư khiếu kiện không nằm trong chương trình của Đoàn kiểm tra nhưng người dân vẫn gửi rất nhiều đơn thư khiếu kiện. Bộ sẽ xử lý như thế nào để không phụ sự tin cậy của người dân?

- Đúng là người dân biết Đoàn kiểm tra không giải quyết gì nhưng người dân vẫn tìm đến và tha thiết đưa đơn kiện, trút những bức xúc muốn nói. Qua đây cũng thấy rằng vấn đề dân chủ hóa cơ sở, công tác dân vận ở nhiều nơi chưa được làm tốt. Tất cả các vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, 60-70% thành công là nhờ công tác dân vận. Từ những đơn thư khiếu kiện mà Bộ đã nhận sẽ được phân loại. Những đơn thư nào mà cấp có thẩm quyền ở địa phương chưa xử lý thì trả về cho địa phương xử lý và yêu cầu có báo cáo kết quả xử lý trong một thời gian nhất định.

Đơn thư nào mà tòa án đã giải quyết thì thông báo cho người dân rằng tòa sẽ giải quyết chứ không quay lại kênh hành chính nữa. Những đơn đã có quyết định cuối cùng thì Bộ TN-MT sẽ tiến hành thẩm định lại ý kiến giải quyết cuối cùng có vi phạm pháp luật hay không? Nếu đồng tình thì gửi ý kiến cho người dân rằng Bộ đã xem xét và thấy tỉnh giải quyết đúng. Nếu có vi phạm thì Bộ sẽ yêu cầu tỉnh xem xét và yêu cầu báo cáo lại. Tỉnh thấy sai thì phải quyết định lại.

* Trường hợp những đơn thư khiếu kiện chuyển về chính quyền địa phương, Bộ sẽ giám sát ra sao để không rơi vào tình trạng "đâu lại hoàn đấy" tránh gây nên những bức xúc cho người dân?

- Với chức năng thẩm định và giám sát, Bộ cố gắng làm tốt nhất để các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, xử lý đúng, để khỏi phụ lòng tin của người dân đã gửi gắm.

* Như Thứ trưởng đã nói ở trên rằng không thể không nói đến một số trường hợp cố tình sai phạm. Vậy những cán bộ, chính quyền địa phương ấy sẽ bị xử lý ra sao?

- Sau khi T.Ư kiểm tra thì các tỉnh cũng tiếp tục phải kiểm tra ở cấp huyện, xã. Trong quá trình kiểm tra phát hiện ra sai ở đâu, ai sai thì áp dụng Chương 13 Nghị định 181 thuộc khung kỷ luật nào thì áp dụng. Ngoài khung thì áp dụng theo Pháp lệnh Công chức. Vấn đề lúc này là những trường hợp sai của cán bộ thì phải làm rõ và thỏa đáng. Về mặt thái độ là Bộ cương quyết xử lý những trường hợp sai phạm.

* Từ tình hình thực tế bức xúc nêu trên, Bộ TN-MT sẽ kiến nghị những gì ở tầm quản lý vĩ mô để đảm bảo sự dân chủ, công bằng, minh bạch trong quản lý đất đai và giảm cơ bản khiếu kiện của người dân?

- Thứ nhất, kiến nghị một số cơ chế cần điều chỉnh có liên quan đến chính sách vĩ mô. Thí dụ: việc chuyển đổi đất nông nghiệp tại những khu vực phát triển. Chúng ta mới tính được thuần túy là phản ánh được lợi nhuận từ sử dụng đất nông nghiệp trên nguyên tắc giá đất phù hợp với giá trị sinh lợi trên đất. Nguyên tắc này là không sai nhưng đối với khu vực phát triển đôi khi đất nông nghiệp còn tiềm ẩn một giá trị khi chuyển sang đất phi nông nghiệp. Nghị quyết T.Ư 7 đã đưa ra là khi chuyển đổi như vậy thì lợi ích và lợi nhuận từ việc chuyển đổi đó phải được điều phối hợp lý giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Trước đây, chúng ta làm chưa tốt việc này. Chắc chắn tới đây phải làm tốt hơn.

Thứ hai, kiến nghị trong cơ chế cụ thể hóa trong tiếp dân, trong việc tổ chức đường dây nóng, trong việc công khai hóa, dân chủ hóa tại cơ sở. Cần đổi mới việc tiếp dân thì tình trạng tranh chấp khiếu kiện mới giảm đi trông thấy.

Thứ ba, trong việc giải quyết tranh chấp khiếu nại tố cáo, chúng ta cần có sự tham gia của T.U ở mức độ nhất định chứ cũng không thể cứ cố gắng ngăn không cho vượt cấp lên T.Ư. Bởi vì hiện nay người dân đang cần sự công khai, minh bạch của T.Ư, cần sự quan tâm của T.Ư. Do đó, cần một cơ quan tài phán về đất đai, nếu là tòa án đất đai thì càng tốt. Một tòa án độc lập, chuyên xử lý khiếu nại tranh chấp đất đai. Khi tòa đã phán quyết thì địa phương phải thực hiện. Cơ quan này sẽ là nơi tin cậy cuối cùng của người dân. Chứ T.Ư cũng không thể nói là chuyển về tỉnh. Vì thực tế cũng có nhiều vụ kiện chưa được xử lý tốt.

* Ý tưởng thành lập cơ quan tài phán hoặc Tòa án đất đai liệu có khả thi không, thưa Thứ trưởng?

- Đây là suy nghĩ của Bộ TN-MT, có lẽ cần thiết có sự "nhúng tay" của T.Ư và việc giải quyết tranh chấp khiếu nại tố cáo đối với người dân cụ thể ở từng phường xã trong trường hợp có oan khuất. Và ý tưởng thành lập tòa án đất đai đã được đưa ra thảo luận từ khi xây dựng Luật Đất đai năm 1993. Nhưng lúc đó chúng ta chưa thấy đến mức cấp thiết vì có thể dùng tòa án hành chính hoặc tòa án dân sự để xử.

Qua đợt kiểm tra lần này, bức xúc của dân về tranh chấp khiếu kiện quá lớn. Lúc này là lúc chúng tôi thấy cần phải có một cơ quan tài phán cấp T.Ư độc lập với hệ thống hành chính để giải quyết tất cả các tranh chấp khiếu nại tố cáo thì lúc đó chúng ta sẽ bảo đảm được quyền lợi của người dân mà được pháp luật thừa nhận một cách chính xác. Tuy nhiên, để ý tưởng này đưa đến những thành công thì cũng còn nhiều bước đi. Trước mắt Bộ cần phải làm tốt việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các các địa phương. Cần đẩy mạnh công tác này để việc giải quyết khiếu nại của dân được tốt.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Tuấn Anh - Cán bộ hành chính, Bộ Tư Pháp:
"Tình trạng mất dân chủ về đất đai hiện rất bức xúc"

Tôi được biết, Vừa qua Bộ TN-MT có cuộc tổng kiểm tra trên phạm vi toàn quốc về đất đai. Vấn đề này cũng đã được báo giới và người dân hết sức quan tâm. Việc xuất hiện đông đảo nhân dân các địa phương xếp hàng dài để đợi gặp các đoàn kiểm tra, ồ ạt gửi đơn thư đến các đoàn kiểm tra... chứng tỏ một điều rằng: Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp cũng như tình trạng mất dân chủ về đất đai tại nhiều địa phương hiện nay rất bức xúc.

Trong khi chúng ta đang tích cực triển khai cơ chế một cửa, giảm bớt các thủ tục phiền hà về hành chính thì vấn đề làm thủ tục về giấy tờ nhà đất hiện nay lại quá phức tạp, gây cảm giác bất an và lo ngại đối với đông đảo người dân. Tại sao chúng ta không nhanh chóng khắc phục ngay tình trạng này khi mà những tồn đọng, vướng mắc vẫn đang tồn tại và gây ra biết bao khó khăn. Giải quyết những bất cập trên sớm được ngày nào thì dân đỡ khổ ngày ấy. Nhất là tình trạng về thủ tục làm GCN quyền sử dụng nhà ở và đất ở hiện nay rất bức xúc.

Chỉ một giấy mà đã có bao nhiêu phức tạp nảy sinh, bao nhiêu phiền phức về giao dịch. Vậy mà giờ đây, Nghị định 95 còn "đẻ" ra đến hai loại giấy thì không biết sẽ càng phức tạp đến nhường nào. Tôi cũng lấy làm khó hiểu vể các Nghị định đua nhau ra đời và phủ định lẫn nhau chỉ trong vòng vài tháng. Trong khi tiến độ làm sổ đỏ hiện nay vẫn rất chậm so với chỉ tiêu ban đầu đã đề ra thì lại xuất hiện thêm các văn bản khác, gây thêm rối rắm cho dân.

Có cần thiết phải xây dựng thêm một loại giấy chứng nhận mới hay không khi mà sự phức tạp của nó là nhãn tiền?... Mong rằng, sau đợt kiểm tra vừa qua của Bộ TN-MT, các bất cập, vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai tại các địa phương sẽ được Bộ này nhanh chóng tổng kết và trình lên Chính phủ xem xét, sớm có những quyết định rõ ràng, khoa học để tránh sự bất thường như hiện nay.


Nguyễn Duy Thành, Văn phòng Luật sư Phương Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

"Cần nhanh chóng giảm thiểu các thủ tục rườm rà để dân đỡ khổ"

Tôi nhận thấy việc thành lập một cơ quan tài phán chuyên trách về đất đai để quản lý các trường hợp vi phạm về đất đai là không thực tế. Bởi hiện nay đã có khối cơ quan chuyên trách cao nhất là Bộ, dưới Bộ có Sở, dưới Sở có Huyện, Phường... Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn tại các tiêu cực hiện nay chính là quá trình triển khai thực hiện còn chồng chéo, bản thân cán bộ chưa am hiểu và làm không đúng luật.

Cùng với điều này là tình trạng có quá nhiều văn bản ra đời trong một khoảng thời gian ngắn làm cho việc giải quyết về đất đai trở nên chồng chéo, rối rắm. Chẳng hạn, có những quyết định ra đời và chỉ có hiệu lực trong một thời điểm rất ngắn rồi trở thành vô hiệu hóa bởi một quyết định khác. Những thay đổi không mang tính khoa học như vậy chỉ tạo thêm rắc rối trong khâu làm thủ tục và giải quyết các vướng mắc. Nhiều nơi, cán bộ không nắm bắt được các văn bản, Nghị định đã ban hành nên lúng túng khi giải quyết còn dân thì mù mờ, không nắm rõ đầu đuôi công việc. Cũng chính vì điều này mà mọi giao dịch dân sự cũng trở nên chồng chéo, phức tạp và người chịu khổ không ai khác hơn là người dân. Thậm chí, người mua bán cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc không đáng có từ những việc nêu trên.

Nói chung, với tình trạng chồng chéo về thủ tục rườm rà trong giải quyết như hiện nay thì quả thật rất vất vả cho người dân khi họ mong muốn được thực hiện quyền và nghĩa vụ chính đáng của mình về đất đai. Hiểu biết pháp luật còn hạn chế, văn bản quản lý Nhà nước thay đổi liên tục, trước sau bất nhất; thủ tục rườm rà... chính là nguyên nhân dẫn đến những tồn đọng, vướng mắc về đất đai trong suốt thời gian qua và cho đến thời điểm hiện nay. Đó là chưa kể đến Nghị định 95 còn quy định đến hai loại giấy trên một mảnh đất có nhà. Nếu Nghị định này đi vào cuộc sống thì sẽ còn gây nên biết bao rối rắm khác nữa.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần phải nhanh chóng giảm thiểu các thủ tục Nhà nước về giao dịch dân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch. Bên cạnh đó cũng cần phải tích cực tuyên truyền pháp luật phổ biến sâu rộng những thay đổi đến các địa phương để đông đảo nhân dân đều biết và thực hiện theo.


Theo Nhà báo và Công luận