Ba lần đại hội không thành
Ngày 26-12-2002, UBND tỉnh Hà Tây ra Quyết định số 1763/QÐ-UB cho phép chuyển Công ty sản xuất bê-tông vật tư xây dựng Hà Tây (Sở Xây dựng Hà Tây) thành Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây. Sau một thời gian chuẩn bị, trong hai ngày 14 và 15-4-2003, công ty tiến hành đại hội cổ đông bầu
Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Như Khoa giữ chức Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc điều hành. Căn cứ vào kết quả đại hội cổ đông, ngày 7-5-2003, Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Tây cấp giấy phép kinh doanh số 0303000087, tên công ty là Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây. Ngày 8-5-2003 Công an tỉnh Hà Tây đã làm thủ tục cấp giấy phép khắc dấu, cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu và bắt đầu sử dụng con dấu Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây từ ngày 13-5-2003, đồng thời thu hồi con dấu cũ của Công ty sản xuất bê-tông vật tư xây dựng Hà Tây và làm thủ tục hủy con dấu này theo quy định của pháp luật.
Như vậy, về mặt trình tự thủ tục chuyển một doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thì Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây đã hoàn thành và có thể bắt đầu hoạt động theo mô hình mới. Song đáng tiếc là, sau khi có kết quả đại hội cổ đông, 15 cổ đông do ông Nguyễn Công Trương là đại diện đã khởi kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tây, với lý do đại hội không phát dự thảo điều lệ, không đưa cổ đông có số cổ phiếu phổ thông dự đại hội, vi phạm Luật Doanh nghiệp.
Ngày 27-6-2003, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tây mở phiên tòa sơ thẩm và quyết định tại bản án số 01: "Hủy bỏ nghị quyết của Ðại hội cổ đông của Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây ngày 15-4-2003 để tiến hành đại hội lại theo đúng quy định của pháp luật". Ông Nguyễn Như Khoa và một số thành viên HÐQT có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 6-11-2003, Tòa án Nhân dân tối cao xử phúc thẩm tại bản án số 153/KTPT quyết định: "Bác kháng cáo của Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm số 01 ngày 27-6-2003 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tây. Giao Ban Ðổi mới quản lý doanh nghiệp điều hành công ty cho đến khi đại hội cổ đông hợp pháp".
Ngày 17-8-2004, Ban Ðổi mới quản lý doanh nghiệp của công ty tổ chức đại hội lần thứ hai, nhưng các cổ đông không thống nhất, đại hội không thành.
Sáu tháng sau, ngày 15-3-2005, đại hội cổ đông lần thứ ba, được tổ chức đã bầu ra HÐQT do bà Trần Thị Tuyết giữ chức Chủ tịch HÐQT, ông Nguyễn Trọng Bính giữ chức Giám đốc điều hành. Ngay sau khi kết thúc đại hội và những ngày tiếp theo, nhiều cổ đông của công ty phản ứng, bất bình về diễn biến và kết quả của đại hội cổ đông. Nhiều ý kiến của cổ đông sáng lập không nhất trí bỏ các điều 24, 28, 31 của Ðiều lệ. Chẳng hạn, điều 24 nêu: Ðại hội cổ đông thành lập; điều 28: Ủy quyền tham dự đại hội cổ đông và điều 31: Tiêu chuẩn đề cử, ứng cử thành viên HÐQT.
Trong đó, 16 cổ đông không ký thông qua điều lệ; một số cổ đông khác ký thông qua dưới sự vận động của đoàn chủ tịch đại hội; các thành viên tham gia ban kiểm soát không đủ điều kiện theo quy định của điều lệ công ty; bà Trần Thị Tuyết không phải là cổ đông, không sở hữu cổ phiếu mà chỉ là người được các cổ đông ủy quyền dự họp; trình tự ủy quyền không đúng pháp luật và không thể tham gia đề cử để được bầu vào HÐQT, trực tiếp làm chủ tịch quản lý doanh nghiệp,...
Vì vậy, 33 cổ đông sở hữu 6.436 cổ phiếu, đã gửi đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tây yêu cầu hủy toàn bộ nghị quyết và kết quả đại hội cổ đông ngày 15-3-2005 vì có nhiều vi phạm Luật Doanh nghiệp. Ngày 14-7-2005, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tây mở phiên tòa xét xử và tại bản án số 02/2005/KDTM-ST, nêu rõ: "hủy toàn bộ nghị quyết và kết quả đại hội cổ đông ngày 15-3-2005 của Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây để tiến hành đại hội lại; giao Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp tiếp tục điều hành Công ty cho đến khi đại hội cổ đông hợp pháp hoặc khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền".
Sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tây tuyên án, ngày 15-7-2005 bà Trần Thị Tuyết và một số thành viên HÐQT được bầu ngày 15-3-2005 đã họp và giao cho ông Nguyễn Trọng Bính quản lý con dấu, đồng thời có đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định tại bản án sơ thẩm. Ngày 26-10-2005, Tòa phúc thẩm TAND tối cao mở phiên tòa phúc thẩm và tại bản án phúc thẩm số 221/2005/KDTM, nêu rõ "Hủy toàn bộ nghị quyết và kết quả đại hội cổ đông Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây ngày 15-3-2005 để tiến hành đại hội lại theo đúng quy định của pháp luật.
Xử lý không triệt để
Tưởng rằng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì người lao động tiếp tục làm việc dưới sự điều hành của Ban Ðổi mới quản lý doanh nghiệp của công ty, nhưng sự việc lại không diễn ra như vậy. Ngay sau khi được giao giữ con dấu, ngày 15-7-2005, ông Nguyễn Trọng Bính, nguyên cán bộ Phòng kinh doanh đã mang con dấu về nhà, không đi làm. Ông Nguyễn Văn Vệ, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Công ty đứng giữa ngã ba đường: dấu cũ thì đã bị hủy, dấu mới thì bị chiếm giữ. Không có con dấu, mọi hoạt động của công ty đình trệ. Công ty không thanh lý được hợp đồng cũ, cũng không ký được hợp đồng mới, người lao động không có việc làm, không có thu nhập, các thủ tục liên quan chế độ, chính sách của người lao động cũng không thực hiện được.
Ðại diện Ban Ðổi mới quản lý doanh nghiệp công ty, chi bộ, công đoàn công ty nhiều lần đến gặp ông Bính yêu cầu trả lại con dấu cho đơn vị, nhưng ông Bính không trả. Ðại diện đơn vị còn liên tiếp có văn bản đề nghị các cấp, các ngành thu lại con dấu của công ty đang bị ông Bính chiếm giữ trái pháp luật. Trước đề nghị của doanh nghiệp, Ban Ðổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Hà Tây, Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kiến nghị với UBND tỉnh và Công an tỉnh Hà Tây xem xét, xử lý về việc quản lý con dấu của Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây theo đúng quy định hiện hành, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, doanh nghiệp, cũng như lợi ích của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Nuôi, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tây khẳng định: Con dấu Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây do ông Nguyễn Trọng Bính giữ mang về nhà làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của cán bộ, công nhân đơn vị, là vi phạm về nguyên tắc quản lý, sử dụng con dấu quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2002/TT-LT của Bộ Công an và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ).
Liên tiếp trong các ngày 4-1 và 13-2-2006, ông Nguyễn Ðỗ Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây có Công văn số 20 và 493/UBND-NL gửi Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu công an kiểm tra, kết luận việc bảo quản và sử dụng con dấu của Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây theo đúng các quy định của pháp luật.
Ngày 15-2-2006, Công an thị xã Hà Ðông đã triệu tập ông Bính và yêu cầu mang con dấu đến kiểm tra, nhưng ông Bính không những không chấp hành mà còn cho rằng con dấu là tài sản của cá nhân và các cổ đông, vì họ đã đóng góp vốn vào doanh nghiệp và chỉ giao nộp con dấu cho cơ quan chức năng khi có quyết định thu hồi (!)
Ðây thật sự là một sự ngụy biện không thể chấp nhận được, khi bản thân ông Bính là Ủy viên Ban Ðổi mới doanh nghiệp công ty. Nhưng đáng tiếc, cơ quan công an chỉ lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Bính theo Ðiểm C khoản 2 Ðiều 15 Nghị định 150/CP của Chính phủ ngày 12-12-2005, mà không thu hồi con dấu!
Một số kiến nghị
Hiện nay, việc cần có con dấu để tiếp tục hoạt động là nhu cầu bức thiết của Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây. Theo chúng tôi, để sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, trước hết cần lập lại trật tự việc sử dụng con dấu của công ty. Ðể thu hồi con dấu do ông Nguyễn Trọng Bính đang chiếm giữ, Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Tây cần ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh và con dấu của Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây theo thẩm quyền. Sau đó, thông báo cho Công an tỉnh để thực hiện các thủ tục thu hồi con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu theo quy định của pháp luật.
Ðể việc cổ phần hóa ở Công ty cổ phần bê-tông xây dựng Hà Tây thật sự có hiệu quả, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát, thiết nghĩ, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Hà Tây phải vào cuộc kiên quyết hơn, nhất là chấn chỉnh tổ chức quản lý, điều hành của Ban Ðổi mới quản lý doanh nghiệp công ty.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ việc mua, bán, chuyển nhượng cổ phiếu bất hợp pháp. Xử lý nghiêm những cá nhân lợi dụng chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để tư nhân hóa doanh nghiệp.
|