Nghề chấp hành viên
Các Website khác - 05/04/2006
Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, có một nghề mà nhiều người chưa hiểu hết những gian nan, khó khăn của người trong cuộc - nghề chấp hành viên (CHV).
Từ quy định của pháp luật

Ðời sống xã hội không tránh khỏi có những vi phạm pháp luật, tranh chấp trên các lĩnh vực phải được giải quyết bằng tòa án. Việc tòa án ban hành những bản án, quyết định công bằng, đúng pháp luật có ý nghĩa quan trọng, nhưng vấn đề có tính quyết định là thực thi hiệu quả những bản án, quyết định đó trên thực tế. Chính vì vậy, để bảo đảm thực thi những phán quyết có hiệu lực của tòa án, pháp luật quy định nghĩa vụ tôn trọng và thi hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó một phần trách nhiệm chính thuộc về CHV của các cơ quan thi hành án dân sự.

Theo quy định, để được gánh vác trách nhiệm được giao, những người được bổ nhiệm chức danh CHV phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể, phải qua đào tạo nghề tương ứng. Với chức năng của mình, CHV có thẩm quyền trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật để bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Ðó là: các bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế; bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; quyết định về dân sự, phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí trong bản án, quyết định của tòa án về hình sự; quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của tòa án về hành chính; quyết định tuyên bố phá sản...

Với những quy định như vậy, có thể nói hoạt động của CHV có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật trên thực tế, góp phần ổn định trật tự xã hội và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước.

Ðến thực tế hành nghề

Có tìm hiểu và chứng kiến công việc hằng ngày của các CHV mới phần nào hiểu được những gian nan, vất vả của họ. Thực tế cho thấy những tranh chấp trong đời sống hằng ngày luôn chứa đựng sự phức tạp, đối lập, giằng co về quyền và lợi ích giữa các đương sự đòi hỏi phải giải quyết. Một khi sự đối lập về quyền, lợi ích không tự giải quyết được thông qua hòa giải, đối thoại, thì các bên phải trông cậy vào tòa án.

Cùng với việc giải quyết của tòa án qua nhiều lần xét xử, nhiều trình tự, thủ tục do bản án bị kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại, thì trong hầu hết các trường hợp, những bức xúc, tính chất "một mất, một còn" vốn có giữa các đương sự ngày càng tăng lên. Bởi vậy, khi đã có bản án, quyết định của tòa án được đưa ra thi hành, thì không ai khác chính CHV là những người phải đối mặt với sự bức xúc đó: bên được thi hành án yêu cầu, hối thúc thực hiện; ngược lại, bên phải thi hành án nhiều trường hợp cố tình trốn tránh, gây sức ép, chống đối, trì hoãn nghĩa vụ thi hành án bằng mọi cách có thể.

Với yêu cầu và phạm vi các bản án, quyết định được đưa ra thi hành, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, CHV phải nắm vững kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật những quy định pháp luật phức tạp liên quan thi hành án dân sự như về kinh tế, hành chính, lao động, thương mại, nhà đất, tài chính, ngân hàng, phá sản... Tuy nhiên, đòi hỏi này không phải bao giờ cũng thực hiện được khi mà sức ép công việc, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phương tiện thông tin, khả năng của CHV và biên chế của các cơ quan thi hành án đang còn nhiều bất cập, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.

Ngoài thực tế trên, trong mỗi vụ việc, ở mỗi vùng miền, các CHV còn gặp không ít khó khăn khách quan khác, những trăn trở về lương tâm và trách nhiệm. Theo một CHV Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau, thì công tác thi hành án ở địa hình sông nước gặp phải những khó khăn riêng. Thí dụ, để xuống thực địa, các CHV phải thuê phương tiện giao thông đường thủy với chi phí đắt hơn nhiều so với các phương tiện giao thông đường bộ, trong khi kinh phí định mức nhà nước cấp chưa tương xứng; mật độ phương tiện giao thông cao nên nhiều trường hợp vỏ lãi (một phương tiện giao thông đường thủy chủ yếu ở Cà Mau) bị lật, trang phục ướt hết, nhưng CHV vẫn phải cố gắng bảo vệ hồ sơ để tiếp tục công việc.

Ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các đương sự là người dân tộc thiểu số, ngoài việc khắc phục những khó khăn về điều kiện đi lại, các CHV còn phải khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng vùng để hoàn thành nhiệm vụ. Ðối với những vụ việc người phải thi hành án có tài sản nhưng cố tình cất giấu, có biểu hiện tẩu tán để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, thì CHV có trách nhiệm phải áp dụng nhiều biện pháp xác minh, ngăn chặn với những thủ tục phức tạp mà nếu sơ suất sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc dẫn đến những thiệt hại nhất định cho đương sự.

CHV phải tiến hành các thủ tục phong tỏa tài khoản, kê biên, tạm giữ, tổ chức bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án, thậm chí nhiều trường hợp phải xắn tay vào việc "thu hoạch" cà-phê, xoài, dưa hấu, tôm, cá của người phải thi hành án khi đến vụ để bảo đảm thi hành án. Song, phức tạp hơn là những vụ việc cơ quan thi hành án phải áp dụng các trình tự, thủ tục bán tài sản là nhà, đất của người phải thi hành án và cưỡng chế giao nhà, đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án. Vì nhà, đất thường là tài sản có giá trị nhất của đương sự nên khi phải áp dụng các trình tự cưỡng chế, CHV phải mất rất nhiều thời gian, công sức để thông báo, phối hợp, báo cáo với các cơ quan hữu quan; hòa giải, thuyết phục, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các đương sự và những người liên quan, đồng thời luôn phải dự liệu các tình huống chống đối của đương sự, có khi phải tạm ngừng tổ chức cưỡng chế mặc dù lực lượng cưỡng chế đã có mặt tại hiện trường.

Theo quy định của pháp luật, trong thực thi công vụ, CHV phải độc lập và tuân theo pháp luật, nhưng trong thực tế CHV vẫn phải trăn trở về hoàn cảnh những người mà cuộc sống của họ, thậm chí của cả gia đình họ có thể bị đảo lộn bởi quyết định thi hành án. Một CHV cho biết: Có trường hợp đi nửa ngày đường mới đến được nơi ở của người phải thi hành án để thu 50.000 đồng tiền án phí mà ái ngại, gia đình không có tài sản gì có giá trị, được xếp vào danh sách các hộ nghèo cần được hỗ trợ. Vì vậy, để kết thúc hồ sơ vụ việc và không phải đi lại nhiều lần, đường sá xa xôi và đỡ tốn kém, tôi rất muốn bỏ tiền túi ra nộp hộ, nhưng pháp luật không cho phép. Bởi vì, ý nghĩa của công tác thi hành án không chỉ ở số tiền phải thu được mà còn ở tính nghiêm minh của pháp luật...

Công việc mà đội ngũ cán bộ, CHV đảm nhận đã và đang đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm tính nghiêm minh của các bản án, quyết định của tòa án, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.

LÊ TUẤN SƠN
(Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp)