Luật đầu tư (chung) sẽ xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư
Các Website khác - 05/11/2005
(NLĐ) - Ngay trong ngày “khai trương” phòng họp mới tại 37 Hùng Vương (Hà Nội), không khí nghị trường đã “nóng” lên khi các đại biểu (ĐB) thảo luận về dự án Luật Đầu tư.

Ít có dự án luật nào lại được Quốc hội (QH) dành tới 1 ngày rưỡi để thảo luận như Luật Đầu tư (chung). Ngoài ra, theo dự kiến, QH sẽ còn dành thêm nửa ngày thảo luận toàn thể tại Hội trường Ba Đình (ngày 21-11), trước khi thông qua vào ngày 29-11.

Đa số các ĐB đều đồng tình với đánh giá của ĐB Trần Thanh Khiêm (Cà Mau) khi cho rằng: “Dự án Luật Đầu tư sẽ thống nhất khung pháp lý cho các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Luật này ra đời sẽ xóa bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước”. ĐB Võ Quốc Thắng (Long An) nhận định: “Dự luật tạo ra cơ hội rất lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc tháo gỡ những quy định về tỉ lệ xuất khẩu, tỉ lệ nội địa hóa, chính sách áp dụng giá thống nhất một số hàng hóa mà Nhà nước kiểm soát”.

Tham gia góp ý về quy định “Đảm bảo đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật và chính sách”, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) nói: “Chúng tôi nhận xét trong điều này chưa rõ ràng, tạo nên sự chưa yên tâm cho các nhà đầu tư cũng như các nhà doanh nghiệp”. Ông Dung đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ trong dự thảo luật nội dung “tiếp tục hưởng các quyền và ưu đãi cho khoảng thời gian nhất định theo quy định của Chính phủ”.

Về quy định có nên ghi ưu đãi đầu tư vào trong giấy chứng nhận kinh doanh - đầu tư hay không, ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng: “Không nên ghi ưu đãi vào giấy phép, bởi mỗi khi thay đổi lại phải xin cấp lại, sẽ gây phiền hà cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu có thể thì dự thảo luật vẫn có thể có hướng quy định “mở” hơn cho nhà đầu tư, đó là quy định trong trường hợp nhà đầu tư yêu cầu ghi ngay những ưu đãi đầu tư vào giấy chứng nhận thì cơ quan chức năng phải thực hiện theo yêu cầu của nhà đầu tư”.

. Tại phòng họp khác, các ĐB thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật KHIếU NạI, Tố CÁO. NếU NHƯ 100% Ý KIếN TÁN THÀNH Bổ SUNG ĐIềU KHOảN CÓ LUậT SƯ THAM GIA trong quá trình giải quyết khiếu nại (kể cả người bị khiếu nại cũng được mời luật sư) thì việc sửa đổi cơ chế giải quyết khiếu nại trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, Tố cáo lại nhận được hơn 40 góp ý của các ĐB trong ngày thảo luận 4-11 của QH.

Nhiều ĐB cho rằng cơ chế khiếu nại mà Chính phủ trình QH “tưởng là hợp lý nhưng thực tế vẫn... lòng vòng”. Theo ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thì dự thảo luật chưa đáp ứng một cách đầy đủ yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ (BTA) khi vẫn duy trì cơ chế: lá đơn đầu tiên của người khiếu nại gởi cho ngay cá nhân hay đơn vị bị khiếu nại! “Người bị khiếu nại lại đi giải quyết khiếu nại thì làm sao khách quan”.

ĐB Nguyễn Văn Hiện (Hà Nội), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, là người quan tâm nhất đến việc tòa án được giao giải quyết khiếu nại để khắc phục tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Theo ông Hiện, theo quy định thì chỉ có 22 loại vụ việc hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nay luật mới quy định tất cả các vụ việc hành chính đều có thể khởi kiện tại tòa án thì chắc chắn tòa hành chính sẽ quá tải. “Theo báo cáo của Chính phủ thì mỗi năm có tới hàng vạn khiếu nại quyết định hành chính trong khi chúng tôi hiện thiếu 1000 thẩm phán, phải làm thế nào để đáp ứng hết yêu cầu của người khiếu kiện?” Tuy nhiên, ĐB Uông Chu Lưu (Sóc Trăng), Bộ trưởng Bộ Tư pháp và ĐB Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp lại cho rằng các thẩm phán hành chính hiện nay rất ít việc, nay thêm giải quyết khiếu kiện cũng có thể đảm nhận được.

Hôm nay, 5-11, QH sẽ thảo luận Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Doanh nghiệp và tiếp tục thảo luận Luật Đầu tư.

Phương - P.Ngọc