Lương tối thiểu trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Các Website khác - 16/12/2005
Hỏi: Xin cho biết mức lương tối thiểu áp dụng cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay áp dụng theo mức nào? Có văn bản nào quy định về vấn đề này?

Trả lời: Cho tới thời điểm hiện nay, mức lương tối thiểu đối với lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn áp dụng theo quy định tại Nghị đinh số 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 của Chính phủ về tiền lương đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam và Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30-5-2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002. Cụ thể như sau:

Theo quy định pháp luật, mức lương tối thiểu hiện hành và trả bằng tiền đồng Việt Nam mà Nhà nước quy định áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:

a) Không thấp hơn 626.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn các quận của thành phố Hà Nội và các quận của thành phố Hồ Chí Minh.

b) Không thấp hơn 556.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện của thành phố Hà Nội và các huyện của thành phố Hồ Chí Minh, các quận của thành phố Hải Phòng, thành phố Biên Hòa và thành phố Vũng Tàu.

c) Không thấp hơn 487.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, tỉnh, thành phố còn lại.

d) Đối với một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn khó khăn, hạ tầng cơ sở thấp kém (ngoài phạm vi quy định tại tiết a, b nêu trên) cần phải áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn (từ 417.000 đồng/tháng đến dưới 487.000 đồng/tháng) thì chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định cho phép áp dụng trong một thời gian nhất định.

...............................................

Thẩm quyền ký hợp đồng lao động

Hỏi: Trong công ty, ngoài giám đốc công ty thì ai có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với người lao động?

Trả lời: Quy định tại mục I, phần II Thông tư số 21/2003 TT-BLĐTBXH ngày 22-9-2003 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động, thì người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với người lao động trong doanh nghiệp là giám đốc doanh nghiệp.

Trường hợp giám đốc không trực tiếp ký kết hợp đồng lao động với người lao động thì có thể ủy quyền cho người khác bằng văn bản, trừ trường hợp đã quy định về phân cấp quản lý nhân sự.

Như vậy, giám đốc công ty có thể phân cấp quản lý nhân sự trong điều lệ công ty hoặc ủy quyền bằng văn bản cho phó giám đốc ký kết hợp đồng lao động với người lao động.

...............................................

Những người chưa được cấp chứng minh nhân dân

Hỏi: Những đối tượng nào tạm thời chưa được cấp giấy chứng minh nhân dân. Đến khi nào thì được cấp giấy chứng minh nhân dân?

Trả lời: Điều 4 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP quy định như sau:

Các đối tượng tạm thời chưa được cấp chứng minh nhân dân bao gồm:

- Người đang thi hành lệnh tạm giam tại trại giam, nhà tạm giữ;

- Người đang thi hành án phạt tù tại trại giam, phân trại quản lý phạm nhân thuộc trại tạm giam;

- Người đang chấp hành quyết định đưa vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

- Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển năng lực hành vi của bản thân họ bao gồm người bị bệnh đang điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần, cơ sở y tế khác. Những người tuy không điều trị tập trung, nhưng có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận họ bị bệnh không điều khiển được năng lực hành vi thì cũng tạm thời chưa được cấp chứng minh nhân dân.

Các trường hợp trên sau khi chấp hành xong các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được trả tự do hoặc khỏi bệnh tâm thần, thì đem các giấy tờ liên quan đến công an cấp huyện làm các thủ tục cấp chứng minh nhân dân.

...............................................

Cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân?

Hỏi: Những cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu được xác nhận? Giám đốc doanh nghiệp có thể xác nhận tình trạng hôn nhân cho người lao động trong doanh nghiệp của mình được không?

Trả lời: Nếu người yêu cầu xác nhận là cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, người đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang, người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu trên có thẩm quyền thực hiện việc xác định tình trạng hôn nhân cho đó.

- Các trường hợp khác do UBND cấp xã, phường, thị trấn, nơi người yêu cầu có đăng ký hộ khẩu thường trú thực hiện việc xác nhận tình trạng hôn nhân. Nếu bên yêu cầu không có hoặc chưa có hộ khẩu thường trú thì UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân có đăng ký hộ khẩu tạm trú có thời hạn có thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho người này.

Như vậy với quy định nêu trên thì chỉ người đứng đầu (giám đốc) doanh nghiệp nhà nước mới có thẩm quyền xác nhận về tình trạng hôn nhân cho người lao động thuộc sự quản lý của mình. Còn nếu xác nhận đó là của giám đốc doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (không phải là công ty nhà nước), công ty cổ phần (không phải là công ty nhà nước), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... về tình trạng hôn nhân cho người lao động đang làm việc tại đơn vị mình thì xác nhận đó không có giá trị pháp lý.

Theo (Tổng hợp)