Sở hữu nhà ở không phụ thuộc vào hộ khẩu
Khắc phục bất cập trong cơ chế quản lý “hộ khẩu đòi nhà, nhà đòi hộ khẩu” mà dư luận bức xúc trong thời gian vừa qua, Luật Nhà ở khẳng định, đối tượng, cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là tổ chức, cá nhân trong nước “không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký hộ khẩu”.
Tất cả những người có nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua việc đầu tư xây dựng, mua bán, tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở... đều có quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì được cấp một giấy gọi là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, cơ hội nhà ở cho người dân được mở ra khi Luật Nhà ở khẳng định chủ trương xóa bỏ bao cấp về nhà ở, thực hiện xã hội hóa nhà ở dựa trên cơ chế tạo điều kiện của Nhà nước về tín dụng dài hạn với lãi suất phù hợp. Trong đó, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đều được quyền tham gia đầu tư phát triển nhà ở thương mại.
Phát triển quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp
Một nội dung cũng rất đáng quan tâm trong Luật Nhà ở là nhà nước có cơ chế, chính sách phát triển quỹ nhà ở xã hội dành cho những người có thu nhập thấp thuê, mua. Tổ chức, cá nhân phát triển quỹ nhà ở xã hội được nhà nước miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được miễn giảm các khoản thuế liên quan theo quy định của pháp luật.
Luật cũng xác định, nhà ở xã hội ở đô thị phải là nhà chung cư, diện tích mỗi căn hộ không quá 60m² sàn và không thấp hơn 30m². Đối với các khu vực khác, có thể xây dựng nhà chung cư thấp tầng hoặc nhà ở riêng lẻ, nhưng phải bảo đảm chất lượng xây dựng tương ứng với nhà cấp 3 trở lên.
Trước khi dự luật được thông qua, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong khả năng tài chính của nhà nước còn eo hẹp, chính sách phát triển nhà ở cần được thực hiện từng bước để bảo đảm tính khả thi.
Do vậy, Luật Nhà ở quy định đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội gồm: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, công nhân làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… có thu nhập thấp, và thuộc một trong ba trường hợp sau: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, và chưa được thuê hoặc mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m² sàn/người; có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm bợ, hư hỏng hoặc dột nát. Người được thuê mua nhà ở xã hội phải thanh toán lần đầu 20% giá trị của nhà ở thuê mua. Giá thuê mua sẽ được Chính phủ quy định khung giá, làm cơ sở cho UBND cấp tỉnh ban hành giá thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn.
Việt kiều cư trú hơn 6 tháng được quyền mua nhà ở
Luật Nhà ở cũng quy định vấn đề quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng “mở”. Theo dự thảo ban đầu, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài ở Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam thì được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng quyền này cho các đối tượng khác như: các nhà trí thức, chuyên gia, công nhân có tay nghề cao được các viện, trường đại học, tổng công ty, các hội ngành nghề từ cấp tỉnh trở lên mời về làm việc, tư vấn; người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam hợp lệ… Tiếp thu đề nghị này, nhưng để bảo đảm chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, Luật Nhà ở đã được bổ sung: việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc các diện trên, nhưng đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ 6 tháng trở lên thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
|