Trẻ em bị nhiễm HIV có được xuất, nhập cảnh?
Các Website khác - 02/12/2005
Hỏi: Con trai tôi bị nhiễm HIV do lây từ mẹ cháu. Vợ tôi đã mất cách đây ba tháng, tôi lại đang làm việc ở nước ngoài, xin hỏi tôi muốn đưa cháu đi cùng ra nước ngoài để tiện cho việc chăm sóc cháu có được không?

Trả lời: Pháp luật Việt Nam không quy định sự hạn chế nào làm ảnh hưởng đến việc xuất cảnh, nhập cảnh của người bị nhiễm HIV nói chung và trẻ em bị nhiễm HIV nói riêng. Hiến pháp năm 1992 quy định công dân có quyền tự do đi lại, có quyền ra nước ngoài hoặc về nước theo quy định. Cụ thể hơn, điều 4 Pháp lệnh Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định những người nhiễm HIV không bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử.

Như vậy, những người bị nhiễm HIV không bị ảnh hưởng đến việc xuất, nhập cảnh vì lý do họ bị nhiễm HIV; họ có quyền tự do đi lại như mọi công dân khác. Tuy nhiên, để hạn chế sự lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, điều 19 Pháp lệnh Phòng, chống HIV/AIDS quy định người nước ngoài bị nhiễm HIV, bao gồm cả trẻ em nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo trong tờ khai về sức khỏe của kiểm dịch y tế tại cửa khẩu về tình trạng nhiễm HIV của mình theo quy định.

.......................................................

Thầy thuốc, nhân viên y tế từ chối khám, chữa bệnh cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS bị xử lý thế nào?

Hỏi: Thầy thuốc, nhân viên y tế có quyền từ chối khám, chữa bệnh cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS không? Nếu không có quyền từ chối thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Thầy thuốc, nhân viên y tế không có quyền từ chối cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, các cơ sở y tế và nhân viên y tế không được phép phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV hay bệnh nhân AIDS, đặc biệt khi người đó là trẻ em. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định quyền của mọi người được khám bệnh và chữa bệnh khi ốm đau, bệnh tật, bị tai nạn; đồng thời xác định nghĩa vụ của thầy thuốc phải khám bệnh, chữa bệnh, kê đơn và hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa trị bệnh cho người bệnh. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng quy định ưu tiên khám, chăm sóc, chữa bệnh cho trẻ em và trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập (khoản 2 điều 15). Cụ thể hơn, điều 20 Pháp lệnh về phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm việc từ chối khám, chữa bệnh cho người bị nhiễm HIV/AIDS.

Trường hợp trẻ em bị nhiễm HIV mà bị cơ sở y tế hoặc nhân viên y tế từ chối, gây khó dễ trong việc khám, chữa bệnh thì cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của trẻ em có thể khiếu nại đến người phụ trách cơ sở, y tế đó hoặc đến cơ quan thanh tra Nhà nước về y tế có thẩm quyền để giải quyết. Người từ chối khám, chữa bệnh cho trẻ em bị nhiễm HIV thì tùy theo từng trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về y tế; trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm, ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 102 Bộ luật Hình sự năm 1999.

.......................................................

Trường hợp không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế

Hỏi: Những trường hợp nào không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế?

Trả lời: Theo quy định tại Mục 2 Phần III của Thông tư liên tịch số 24/2005/TTLT-BTY-BTC ngày 24-8-2005 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm y tế tự nguyện thì những trường hợp sau không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế:

- Điều trị bệnh phong; thuốc đặc hiệu điều trị các bệnh: Lao, sốt rét, tâm thần phân liệt, động kinh và các bệnh khác nếu đã được ngân sách nhà nước chi trả thông qua các chương trình y tế quốc gia các dự án hay các nguồn kinh phí khác chẩn đoán, điều trị nhiễm HIV/AIDS (trừ các xét nghiệm HIV đối với các trường hợp phải làm theo chỉ định chuyên môn và các đối tượng được quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ với người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp); bệnh lậu, bệnh giang mai; tiêm chủng phòng bệnh; điều dưỡng, an dưỡng, xét nghiệm và chẩn đoán thai sớm; khám sức khỏe, kể cả khám sức khỏe định kỳ, khám tuyển lao động, tuyển sinh tuyển nghĩa vụ quân sự; thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và điều trị vô sinh; chỉnh hình thẩm mỹ và tạo hình thẩm mỹ, làm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính; điều trị các bệnh đã được xác định là bệnh nghề nghiệp, tai nạn chiến tranh, tai nạn do thiên tai; điều trị các trường hợp tự tử, cố ý gây thương tích, nghiện chất ma túy, hay do thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; các chi phí trong giám định y khoa; giám định pháp y: giám định pháp y tâm thần; khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và sinh đẻ tại nhà; sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục quy định, thuốc theo yêu cầu riêng của người bệnh; sử dụng các phương pháp chữa bệnh chưa được phép của Bộ Y tế; các trường hợp tham gia nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng.

.......................................................

Mua bảo hiểm y tế cho người thân

Hỏi: Mẹ tôi hiện đang sống cùng vợ chồng tôi tại Hà Nội, nhưng hộ khẩu vẫn ở quê. Tôi muốn mua bảo hiểm y tế cho mẹ tôi thì có thể mua tại Hà Nội có được không?

Trả lời: Bạn có thể tham gia bảo hiểm y tế cho người thân theo một trong những hình thức sau:

Bảo hiểm cho thân nhân người lao động: Nếu nơi làm việc của bạn có tổ chức mua bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động thì đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là những người có cùng hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú) hoặc có mối quan hệ ruột thịt với người lao động.

Bảo hiểm y tế nhân dân: nếu địa phương (Ủy ban nhân dân phường, xã) có triển khai bảo hiểm y tế thì người dân sinh sống hợp lệ (có hộ khẩu thường trú, KT2, KT3) trên địa bàn có thể đăng ký tham gia. Người tham gia bảo hiểm y tế nhân dân hoặc thân nhân người lao động có thể chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là một trong các trung tâm y tế quận huyện.

.......................................................

Trợ cấp ốm đau

Hỏi: Trường hợp người lao động bị mắc bệnh cần điều trị dài ngày thì sẽ được hưởng trợ cấp như thế nào? Cần phải làm những thủ tục gì để được hưởng trợ cấp? Người lao động có thể nghỉ dài ngày để chăm sóc con ốm không?

Trả lời: Nếu người lao động mắc bệnh dài ngày thì được nghỉ tối đa 180 ngày/năm, hưởng 75% lương. Từ ngày 181 trở đi chỉ được hưởng trợ cấp 70% lương nếu đã đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm) hoặc 65% lương (nếu đóng bảo hiểm xã hội dưới 30 năm).

Thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau bao gồm: giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội của cơ sở y tế hoặc y tế cơ quan; danh sách nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội do đơn vị lập; giấy ra viện hoặc chứng nhận điều trị ngay tại nhà (bệnh dài ngày).

Trường hợp người lao động nghỉ chăm sóc con ốm thì chỉ cần có giấy ra viện của con hoặc đơn thuốc của con bạn có đề nghị của bác sĩ cho nghỉ để chăm sóc con.

Theo (Tổng hợp)