Nhóm tư vấn các nhà tài trợ góp ý về chống tham nhũng
Các Website khác - 02/12/2005
Dưới đây là lược ghi ý kiến của Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam gồm: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chương trình Phát triển LHQ, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bộ Phát triển quốc tế Anh, Hà Lan... góp ý về vấn đề chống tham nhũng tại Việt Nam.
Nhận thức được sự cần thiết phải nắm bắt tốt hơn bản chất và mức độ tham nhũng ở Việt Nam, năm 2002 Ban Nội chính TƯ đã triển khai một nghiên cứu chẩn đoán trong ba năm. Được sự hỗ trợ của Thụy Điển, dự án tiến hành khảo sát chẩn đoán tham nhũng và nguyên nhân tại sao các biện pháp chống tham nhũng được áp dụng cho đến nay hiệu quả chưa cao.

Mục tiêu cuối cùng của dự án là đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm giảm tham nhũng, tăng cường tính hiệu quả của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này.

Do tính chất đa chiều của tham nhũng, dự án thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan như: Tạp chí Cộng sản, Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Bộ Nội vụ.

Tháng 1-2004, Học viện Hành chính công Thụy Điển và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được chọn thực hiện một hợp đồng nhằm hỗ trợ quá trình chuẩn bị, tiến hành và phân tích khảo sát.

Khảo sát này cũng áp dụng một phương pháp được quốc tế công nhận: dựa trên mô hình tam giác thông tin thu thập từ các hộ gia đình, các doanh nghiệp và các quan chức Chính phủ. Trọng tâm của cuộc khảo sát là xác định mức độ và các phương thức tham nhũng ở một số ngành dịch vụ công, các hoạt động kinh doanh và các dự án đầu tư.

Tham nhũng trong dịch vụ: phổ biến!

Tham nhũng quy mô nhỏ khi cung cấp các dịch vụ cơ bản cho các hộ gia đình, không nhất thiết phải liên quan đến số tiền lớn, nhưng nó có thể là nguồn gây bực bội đáng kể và dẫn đến sự bất bình dễ hiểu trong xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan cung cấp dịch vụ đều tham nhũng mức độ giống nhau và không phải tất cả các nhóm dân cư đều cùng chịu một sức ép giống nhau khi phải trả những khoản không chính thức.

Một cuộc điều tra được thực hiện dưới sự giám sát của Bộ Nội vụ tại bốn thành phố: Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nam Định đã thu thập ý kiến của 4.300 hộ gia đình về: việc cung cấp các dịch vụ hành chính và việc thu phí rác, phí sử dụng nước, giáo dục và y tế. Cuộc điều tra cũng tập trung vào khả năng tiếp cận các dịch vụ này của các hộ gia đình, sự minh bạch về lợi ích của họ, việc thực hiện cơ chế khiếu nại và mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ.

Kết quả khảo sát đã khẳng định tính phổ biến của tham nhũng quy mô nhỏ trong các dịch vụ công. Khảo sát cũng chỉ ra rằng: đối với những người sử dụng dịch vụ rất khó để phân biệt các khoản thu phí chính thức và không chính thức. Thí dụ: chỉ có khoảng 1/4 những người được hỏi cho rằng các khoản lệ phí chính thức được niêm yết rõ ràng ở các văn phòng cấp đăng ký sử dụng đất. Do đó, việc chính thức hóa các khoản thu lệ phí đang được thực hiện theo Nghị định 10 sẽ có thể giúp làm tăng tính minh bạch.

Có sự câu kết giữa doanh nghiệp, nhà thầu và cơ quan nhà nước

Báo cáo về vấn đề cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới xây dựng đã nắm bắt ý kiến của giới kinh doanh ở một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nội dung đáng quan tâm là đã có mối liên hệ chặt chẽ giữa tham nhũng tại một số cơ quan Chính phủ và mức độ phát triển của đất nước.

Và, theo nhận định của các tổ chức này, mức độ tham nhũng tại Việt Nam thể hiện đúng quy luật của mối quan hệ trên, đặc biệt trong các lĩnh vực tiếp cận các lợi ích công, thu thuế và thủ tục hải quan. Tuy nhiên, ở các nước trên thế giới, rất dễ xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực giao các hợp đồng công. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn lĩnh vực này.

Tỷ lệ đầu tư thông qua ngân sách của Việt Nam ở mức 8,5% GDP, và còn nhiều hơn nếu tính đến các khoản đầu tư thông qua các cơ chế tài chính của các bộ, tỉnh. Hằng năm, Việt Nam còn nhận một khoản tương đương 1,5 tỷ USD từ nguồn ODA chủ yếu dưới dạng các tài trợ cho các dự án đầu tư.

Chính phủ Việt Nam coi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, trạm y tế xã và thủy lợi nhỏ là công cụ để giảm nghèo ở các vùng sâu, xa, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn. Tất cả các đầu tư dạng này đều liên quan đến việc giao thầu các công trình xây dựng và dân dụng khác. Các hợp đồng công trình công cộng thường là nguồn gốc của những vụ tham nhũng nghiêm trọng trên thế giới.

Được biết, qua xem xét 400 hợp đồng thuộc sáu dự án (có sự tham gia của gần 1.000 công ty, 1.500 người, 50 ngân hàng và hơn 250 giao dịch), không phát hiện thấy dấu hiệu bất thường nào trong quản lý tài chính hoặc giải ngân. Tuy nhiên, các phân tích sâu hơn cho thấy có dấu hiệu liên kết giữa các nhà thầu trong hầu hết các cuộc đấu thầu đã thẩm tra. Các dấu hiệu trên được phát hiện ở tất cả sáu dự án và trên năm tỉnh điều tra trong các cuộc đấu thầu cạnh tranh trong nước lẫn quốc tế.

Đặc biệt, nghiên cứu còn thấy hầu hết giá bỏ thầu đều nằm trong khoảng rất hẹp. Điều này có thể lý giải được trên cơ sở: nhiều nhà thầu thường căn cứ vào các định mức về giá được quy định chính thức, vì phần lớn họ đều là doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng đưa ra các mức giá chỉ nhỉnh hơn giá thầu cũng phổ biến. Do đó, rất có thể quá trình mua sắm đã được điều khiển để tạo ra vẻ cạnh tranh…

Một đánh giá có hệ thống 158 dự án đầu tư tại 24 xã của tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Lâm Đồng cho thấy: người dân không hài lòng về tính minh bạch trong khâu thiết kế các công trình dân dụng, trong quá trình đấu thầu và giám sát thực hiện dự án.

Mục tiêu trọng tâm là ngăn chặn

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn dựa trên phương pháp trừng phạt. Song, hiện nay hướng sang trọng tâm mới là ngăn chặn. Các hình phạt sẽ không tạo ra được sự thay đổi khi mà quy mô của việc lạm dụng quyền hạn trở nên phổ biến. Tăng lương, vẫn chưa đủ. Vì, chưa chắc những người giàu hơn đã có tư cách đạo đức cao hơn.

Trong khi đó, thành công trong tăng trưởng kinh tế sẽ càng làm cho Việt Nam trở nên dễ bị tham nhũng nhiều hơn trong những năm tới , vì những khoản lợi nhuận của tham nhũng sẽ ngày càng lớn hơn. Việc tăng cường phân cấp quản lý sẽ có thể làm giảm khả năng phát hiện những đối tượng vi phạm của những người cam kết chống tham nhũng.

Nhận thức được những hạn chế của phương pháp tiếp cận hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng một chiến lược chống tham nhũng mới. Một Nghị quyết liên quan đến vấn đề này đã được BCH Trung ương Đảng thông qua vào tháng 12-2003.

Kết quả là một nghiên cứu chẩn đoán tham nhũng và phương thức tham nhũng được tiến hành. Luật Thanh tra 2004 đã giao cho Tổng Thanh tra Nhà nước là đơn vị chủ trì. Cạnh đó là những nỗ lực cải thiện tình hình như: Cải cách quản lý tài chính công; cải thiện những quy tắc phân bổ ngân sách ở cấp địa phương; hoàn thành Pháp lệnh mua sắm; cơ chế một cửa…

Người ta mong đợi rằng những phát hiện của nghiên cứu chẩn đoán sẽ được đưa vào chiến lược chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo Sài Gòn giải phóng