Đề xuất không trung thực
Tại cuộc kiểm điểm của Vietsovpetro ở Vũng Tàu cuối tháng mười một vừa qua, người ta đã rất bất ngờ khi phát hiện trong tập hồ sơ của dự án có một văn bản chứng chỉ do Cơ quan đăng kiểm Lloyd’s Register (LR) cấp cho giàn Đại Hùng. Ngày cấp là 28-10-2000 tại TP Vũng Tàu, chỉ ba ngày sau khi LR tiến hành khảo sát, kiểm tra tình hình thực tế của Đại Hùng (25-10-2000).
Đáng lưu ý, chứng chỉ này ghi rõ “có giá trị đến 30-8-2003”. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, Tổng giám đốc Vietsovpetro vẫn báo cáo Petro Việt Nam là chưa có chứng chỉ, cần phải sửa chữa gấp giàn Đại Hùng.
Do đó, ngày 28-3-2001, ông Nguyễn Giao - khi đó là Tổng giám đốc Vietsovpetro - đã có văn bản (số 410) gửi Tổng giám đốc Petro Việt Nam Nguyễn Xuân Nhậm báo cáo việc đấu thầu để sửa chữa giàn Đại Hùng.
Trong văn bản, ông Nguyễn Giao nhấn mạnh công trình sửa chữa các bể chứa nước dằn giàn Đại Hùng là “công trình sửa chữa lớn, rất phức tạp, thời hạn sửa chữa rất gấp và khắt khe” và nhà thầu được chọn phải “đảm bảo (giàn Đại Hùng) nhận được chứng chỉ của LR” sau khi sửa chữa.
Với những lý do trên, Tổng giám đốc Nguyễn Giao đề nghị Petro Việt Nam chấp nhận phương án chọn nhà thầu Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC). Sau đó, ông Trần Ngọc Cảnh - lúc ấy là Phó Tổng giám đốc Petro Việt Nam - đã ký văn bản phê duyệt kết quả đấu thầu, chọn nhà thầu PTSC thực hiện dự án sửa chữa giàn Đại Hùng với giá trị hợp đồng là 2.976.780 USD, vượt gấp gần sáu lần giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu đã duyệt trước đó.
Đặc biệt, sau khi sửa chữa xong giai đoạn một, Vietsopetro đã xuất trình một chứng chỉ đăng kiểm khác cấp cho giàn Đại Hùng 01, ngày cấp là 7-3-2002 từ hội sở chính của LR ở Aberdeen (Anh). Có điều, chứng chỉ này cũng căn cứ kết quả khảo sát, kiểm tra ngày 25-10-2000 và có giá trị đến 30-8-2003, với nội dung trùng khớp với chứng chỉ đã được cấp trước đó.
Không kiểm tra hồ sơ khi phê duyệt
Lật lại hồ sơ mời thầu và dự thầu của gói thầu sửa chữa giàn Đại Hùng cho thấy có quy định rõ phần “chào hàng thương mại” phải có bản dự toán giá dự thầu, trong đó nêu rõ giá trị các công việc sửa chữa, giá trị vật tư, phụ tùng nhà thầu cung cấp, giá tính cho mỗi hạng mục công việc sửa chữa và mỗi danh mục vật tư.
Nhưng bản “chào hàng” của liên danh PTSC/Viện Korall - thực chất là Trần Quang, Trần Ngọc Giao và Nguyễn Quang Thường - chỉ đưa ra vỏn vẹn ba mục: phần việc theo yêu cầu của Vietsovpetro là 2,23 triệu USD, phần việc theo yêu cầu của đăng kiểm LR là 315.000 USD và vật tư cho sửa chữa là 290.000 USD. Ngay bản chào hàng đã không đạt điều kiện như thế, nhưng rốt cuộc liên danh PTSC/Viện Korall vẫn được chọn trao thầu.
Trong cuộc kiểm điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng, Petro Việt Nam xác định ông Trần Ngọc Cảnh - với tư cách lúc ấy là phó Tổng giám đốc - đã ký phê duyệt kết quả đấu thầu mà không kiểm tra hồ sơ đấu thầu của Vietsovpetro. Việc ký phê duyệt này chỉ dựa trên báo cáo kết quả đấu thầu của Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Giao. Bản thân ông Trần Ngọc Cảnh đã không báo cáo cấp có thẩm quyền xin phép cho đấu thầu không lập dự toán gói thầu. Điều này, theo Petro Việt Nam, là vi phạm nghiêm trọng quy chế đấu thầu.
Trong quá trình thẩm định gói thầu này, phòng tài chính - kế toán của Petro Việt Nam đã phát hiện nhà thầu PTSC/Viện Korall còn thiếu bản chi tiết giá đề nghị trúng thầu, giá chào thầu và kiến nghị bổ sung trước khi phê duyệt. Vậy nhưng, trên thực tế, phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh đã không có bất cứ sự chỉ đạo nào đối với Vietsovpetro về nội dung này. Chính vì vậy, khi PTSC mới chỉ thực hiện một phần khối lượng công việc sửa chữa trong hợp đồng (giai đoạn một), Vietsovpetro đã chuyển thừa tiền cho PTSC. Một số cá nhân ở PTSC đã lợi dụng sai sót đó để chiếm hưởng số tiền chênh lệch.
Ngoài ra, PTSC đã bán thầu 100% giá trị khối lượng công việc cho Trần Quang, Trần Ngọc Giao (với danh nghĩa Viện Korall) và khép kín việc đấu thầu, từ đó trục lợi thông qua dự án nhưng hoàn toàn không được Petro Việt Nam phát hiện, xử lý. Theo đánh giá của bộ phận thẩm định thầu ở Vietsovpetro khi tiến hành việc kiểm điểm mới đây, trong 17 đầu việc thuộc trình tự thủ tục đấu thầu thì có tới 12 vấn đề trái với quy chế đấu thầu, nổi lên là việc Vietsovpetro không kiểm tra năng lực nhà thầu trước khi mời thầu; cho phép Trần Quang - người không phải đại diện hợp pháp của PTSC - ký vào đơn dự thầu hợp lệ; tách hợp đồng trọn gói thành hai giai đoạn, thay đổi mốc thời gian và tỷ lệ thanh toán nhưng không báo cáo Petro Việt Nam...
|