![]() |
Tòa án tỉnh Cần Thơ đang "đau đầu" trước yêu cầu của một bị án xin được nhận lại 16 viên kim cương và một số nữ trang khác mà cơ quan chức năng thu giữ khi bắt người này.
Năm 1994, vợ chồng Trần Thị Tuyết Mai mang bộ hồ sơ một căn nhà đến Trung tâm Dịch vụ Đài Truyền hình Cần Thơ thế chấp vay tiền vì có nhu cầu tăng vốn kinh doanh vàng. Một năm sau, Mai đến thương lượng mượn lại bộ hồ sơ nhà "để đổi lại theo mẫu mới". Thế nhưng Mai mang bộ hồ sơ này đi chào bán căn nhà cho một đương sự với giá gần 200 lượng vàng. Sau khi nhận trước một khoản tiền từ người này, Mai lại mang bộ hồ sơ đi thế chấp vay tiền tại một ngân hàng...
Với hành vi thế chấp, mua bán lòng vòng như vậy, Mai bị tòa án tỉnh Cần Thơ phạt 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Tuy nhiên, khi xử lại (lần một), tòa phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án vì cho rằng ngân hàng và Trung tâm Dịch vụ Đài Truyền hình Cần Thơ không bị lừa. Trong quá trình vay, Mai thực hiện việc trả nợ đúng hạn, đã trả hồ sơ nhà cho Trung tâm nên tài sản thế chấp vẫn không bị dịch chuyển... Cạnh đó, khi bị khởi tố về tội lừa đảo, Mai đã thanh toán hầu hết các khoản vay. Riêng khoản tiền nhận trước trong việc bán nhà cho một đương sự nêu trên, Mai chưa thanh toán vì cho rằng người này có lỗi trong hợp đồng mua bán nhà...
Xử lại lần hai, tòa án Cần Thơ tiếp tục kết tội Mai với mức án 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tàn sản. Bản án về tội danh này lại bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tiếp tục hủy vào năm 2002
Khi bắt Mai vào năm 1997 theo lệnh truy nã, cơ quan công an có tạm giữ một số nữ trang mà theo Mai gồm 16 viên kim cương, vàng, tiền mặt, đá cẩm thạch… Việc tạm giữ số nữ trang này được lập biên bản, có chữ ký của cơ quan cảnh sát điều tra… Tiếp đến, cơ quan công an niêm phong, tạm giữ số nữ trang này, bên ngoài có chữ ký của Mai.
Sau khi kết thúc điều tra, công an chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát để truy tố bị cáo. Trong biên bản bàn giao với Viện Kiểm sát thể hiện rõ: “Một gói giấy màu trắng, bên ngoài có chữ ký niêm phong của Trần Thị Tuyết Mai”. Kèm với hồ sơ, gói tang vật này lại tiếp tục được chuyển qua tòa án…
Khi xét xử sơ thẩm lần một, tòa có đề cập đến gói nữ trang này nhưng trong bản án sơ thẩm lần hai tòa lại “quên”. Chính vì vậy mà trong lần hủy án thứ hai, tòa dành cho bị cáo Mai được quyền liên hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng để được giải quyết về gói nữ trang này. Thực hiện quyền này, Mai liên tục làm đơn gửi đến tòa án yêu cầu nơi đây trả lại số tài sản trên…
Theo Mai, vào tháng 3/2004, khi lãnh đạo tòa án mời đến giải quyết về gói nữ trang, Mai muốn “té xỉu” khi tòa cho hay là số nữ trang này đã biến mất, đề nghị được thương lượng bồi thường…
Theo biên bản của công an khi thu giữ gói nữ trang chỉ mô tả “nhẫn, bông tai đính hạt màu trắng…” chứ không giám định nên rất khó trong việc định giá số tài sản này. Vì thế, tòa án yêu cầu Mai “tính hộ” giá trị số nữ trang. Mai đã làm một bản kê chi tiết với hơn 125.000 USD.
Theo Mai, trong một lần làm việc, tòa không đồng ý với con số “quá hớp” này vì cho rằng không có cơ sở, thực tế ít hơn nhiều… Còn Mai lại cho rằng “con số trên là tính vào thời điểm bị cáo mua vào, chứ đến thời điểm này còn cao hơn nữa”. Cô nói: “Nếu không đồng ý với số tiền tôi đề nghị, tòa cứ trả lại gói nữ trang”.
Việc cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, tòa án giữ tang vật rồi làm mất thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Vấn đề ở đây là bồi thường ra sao, bồi thường bao nhiêu… Trong đơn khiếu nại Mai tha thiết: “Đề nghị cơ quan pháp luật làm sáng tỏ vụ việc, xử lý nghiêm minh những ai chiếm đoạt tài sản của tôi…”.
Vụ án xảy ra gần 10 năm vẫn chưa giải quyết xong. Việc vi phạm thời hạn tố tụng còn ảnh hưởng rất nhiều đến thân phận của bị cáo. Mai có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không, hai cấp xét xử vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.
(Theo Pháp Luật TP HCM)
▪ Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (26/09/2005)
▪ Thủ tục, hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở? (26/09/2005)
▪ Phá nhanh vụ con bạc bắt cóc, tống tiền (26/09/2005)
▪ Thủ tục, hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở? (26/09/2005)
▪ Bắt tiếp một giám đốc vụ nâng khống giá nhập cây giống (26/09/2005)
▪ Ông chủ Carlyle Group dỏm bị đề nghị truy tố (26/09/2005)
▪ Chủ hiệu cầm đồ đánh chết con nợ (26/09/2005)
▪ Xin ý kiến UBTV Quốc hội để khởi tố ông Lê Minh Hoàng (26/09/2005)
▪ Bắt cóc con để đòi bố trả xe máy (26/09/2005)
▪ Hội bảo vệ con ong, cái kiến (24/09/2005)