“Một giấy” cho nhà và đất
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Nhà ở mới nhất đã sửa đổi nhiều nội dung cơ bản, trong đó đáng chú ý là vấn đề giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Dự luật phân định hai trường hợp: đối với nhà ở tại đô thị mà chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì được cấp chung một giấy, đó là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”.
Chủ sở hữu căn hộ chung cư cũng được cấp loại giấy này. Đối với nhà ở tại khu vực nông thôn và những trường hợp nhà ở tại khu vực đô thị không thuộc diện quy định ở trên thì cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” theo nguyên tắc: ai có nhu cầu thì được cấp, ai không có nhu cầu thì không bắt buộc.
Về nhà ở xã hội, dự luật bổ sung quy định chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân phát triển quỹ nhà ở xã hội (được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội; miễn giảm các khoản thuế liên quan…). Dự thảo luật cũng bổ sung các quy định về tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch phát triển, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Cán bộ từ phó phòng cấp huyện trở lên phải kê khai tài sản
Điểm mới nhất trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (đã được chỉnh lý trên tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân và các đại biểu Quốc hội) là quy định rõ phạm vi những người phải kê khai tài sản hàng năm. Cụ thể là cán bộ từ phó phòng UBND cấp huyện trở lên và tương đương trong các tổ chức, đơn vị; người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Ngoài ra, một số chức danh cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và chức danh khác công tác trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng cũng phải kê khai tài sản.
Ngoài kê khai tài sản của mình, các đối tượng trên còn phải kê khai tài sản của người thân (có 2 phương án: (1) kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên; (2) kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, của vợ hoặc chồng và con).
Như vậy, đối tượng kê khai tài sản trong dự luật này rộng hơn trong Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 (chỉ từ phó chủ tịch cấp huyện trở lên, và chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình).
Liên quan tới công tác giám sát phòng chống tham nhũng, dự luật bổ sung quy định cho phép Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để giám sát công tác phòng chống tham nhũng của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi cả nước. Đồng thời, quy định việc thành lập các đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện KSND tối cao.
Sử dụng xe công vào việc riêng: phải trả tiền
Quy định mới được bổ sung đáng chú ý nhất trong dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là “người sử dụng phương tiện đi lại của cơ quan, tổ chức vào việc riêng phải trả tiền”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong trường hợp cần thiết, những người sử dụng xe công vào việc riêng phải trả tiền xăng, xe và các chi phí phát sinh là “phù hợp với thực tế ở nước ta”, cơ quan quản lý xe thu lại được những chi phí mà từ trước tới nay chưa thu được.
Với nguyên tắc đủ bù đắp chi phí, các cơ quan, tổ chức được giao quản lý sử dụng xe công căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức để quy định mức tiền phải trả. Hiện nay, các tiêu chuẩn và chế độ sử dụng xe công, các chức danh lãnh đạo được Chính phủ quy định rất cụ thể. Dự thảo luật chỉ quy định các nguyên tắc làm cơ sở cho việc ban hành, thực hiện và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ này.
Từ các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và nhân dân, dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn được bổ sung thêm quy định về vấn đề “hoa hồng”. Theo đó, người được cơ quan, tổ chức giao mua sắm phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc, tài sản khác hoặc thanh toán dịch vụ, nếu có khoản “hoa hồng” thì phải kê khai, nộp lại cơ quan, tổ chức để quản lý, sử dụng cho hoạt động chung. Việc quản lý, sử dụng các khoản “hoa hồng” từ mua sắm, thanh toán dịch vụ phải công khai, minh bạch. Nghiêm cấm giữ lại khoản “hoa hồng” để sử dụng sai mục đích.
|