“Núi tiền” thành sắt vụn
Các Website khác - 24/10/2005
Hiện Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh có hai kho tang vật với hàng nghìn hiện vật, đủ mọi chủng loại và giá trị do các đơn vị Quản lý thị trường, Thi hành án dân sự, Kiểm lâm... tạm giữ chờ xử lý. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Cảnh sát trật tự ở 24 quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều kho bãi tạm giữ xe vi phạm các loại. Tuy nhiên, hầu hết các kho bãi đã quá tải, khiến hàng tỷ đồng tài sản đang trở thành sắt vụn...
Tài sản thi hành án... xuống giá

Nằm lọt thỏm trong con hẻm 253/5 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, kho tạm giữ tang vật của Sở Tài chính có diện tích 6.517m2 . Trước đây kho này dành riêng cho Sở Tài chính nhưng từ năm 2001 chia cho các đơn vị khối nội chính như Thi hành án, Công an, Quản lý thị trường, Kiểm lâm... làm kho chứa tang vật của các ngành. Qua cánh cửa khép hờ của kho, chúng tôi nhận thấy một “núi” tang vật chất chồng lên nhau và được phủ lên những lớp bụi dày đặc, từ xe đạp, ô tô đến máy móc, thiết bị...

Phía bên ngoài kho tạm giữ xe vi phạm giao thông mà Phòng CSGT đường bộ mượn của Sở Tài chính cho là một dãy xe máy các loại sắp mục nát vì... trơ gan cùng tuế nguyệt. Một chiến sĩ công an trông coi kho bảo: “Mang ra đó chờ cán bộ Sở Tài chính xuống gom thanh lý đó. Nhưng chắc chỉ làm sắt vụn thôi”. Qua các kho khác, chúng tôi cũng chứng kiến những hình ảnh tương tự. Hầu như các tài sản lưu kho, tạm giữ đều không ra một trật tự nào.

Nằm giữa sân kho tang vật của Sở Tài chính ở số 573 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 là ba chiếc xe du lịch tang vật đã bạc mầu, bám đầy bụi đất. Còn phía sau các kho thì cửa đóng then cài, qua khe cửa chỉ thấy lờ mờ từng đống máy móc, xe cộ. Đây là kho tang vật nhỏ, có diện tích xây dựng 2.474m2 nhưng cơ sở vật chất, kho bãi rất xập xệ. Một cán bộ quản lý kho cho biết đơn vị đang xin kinh phí tu sửa.

Thực tế, tài sản thi hành án có rất nhiều dạng khác nhau, từ động sản và bất động sản. Theo một cán bộ thi hành án, bình quân một tài sản từ khi bị tịch thu, kê biên đến bán đấu giá mất cả năm trời. Nói như một cán bộ Phòng Thi hành án dân sự thì việc xử lý tài sản thi hành án là một quy trình mà đến khi tài sản được đem đấu giá thì giá trị đã mất hết gần 50%, thậm chí chỉ còn là phế liệu!

Xe bị tạm giữ... thành sắt vụn

Nằm ngay bìa ruộng, bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông ở 9/1D Tô Ký, Thới Tam Thôn, Hóc Môn chẳng khác gì một mảnh vườn, không một mái che. Ước chừng cả nghìn chiếc xe máy được xếp lớp, có chiếc nằm chổng bánh lên trời và phủ đầy bùn đất. Một thanh niên vừa dắt chiếc Wave Alpha lấm bùn, hai bánh dẹp lép ra khỏi cổng than thở: “Xe mới mua có một tháng mà bị tạm giữ 15 ngày đã tơi tả thế này”.

Gây “ấn tượng” hơn là bãi tạm giữ xe vi phạm của Phòng CSGT đường bộ trên đường Dương Bá Trạc, quận 8. Nằm sát mặt đường là một núi xe xích lô, ba gác máy chất chồng lên nhau, tất cả đã hoen gỉ, chỉ còn là đống sắt vụn đúng nghĩa. Phía bên trong nhà kho xập xệ là hàng loạt xe gắn máy đè lên nhau bám đầy bụi và mạng nhện. Một cán bộ giữ kho cho biết: “Kho sắp chuyển đi chỗ khác rồi. Mấy cái đống xe ấy không ai tới nhận thì cũng chỉ là sắt vụn thôi”. Bãi tạm giữ xe ở Cầu Đúc, QL 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức của Phòng CSGT cũng không có lấy một mái che nào, cả nghìn chiếc xe chơ vơ giữa nắng mưa.

Tại trụ sở Công an quận 7, khoảng sân phía trước hơn 500m2 vốn làm nơi tập trung đội hình, thư giãn của cán bộ chiến sĩ cũng đã trở thành bãi tạm giữ xe. Do nằm ngay mặt tiền nên hình ảnh hàng trăm chiếc xe nằm “chống trời” trông thật khó coi...

Theo Phòng CSGT đường bộ TP Hồ Chí Minh, hầu hết các kho bãi vốn có để tạm giữ xe vi phạm đã đầy. Vì vậy, trong thời gian qua, Phòng CSGT đã phải đi thuê kho bãi để làm nơi tạm giữ xe vi phạm. Kho 189A đường Hòa Bình, quận Tân Phú là một kho mới thuê mấy tháng nay để tạm giữ xe vi phạm của các đội 1, 4, 5 và Tuần tra giao thông nhưng đã sắp quá tải. Đại úy Lại Quang Khải, cán bộ phụ trách kho, nói: “Có ba dãy nhà kho mà hết hai kho đã đầy ắp rồi. Chỉ còn một kho nữa cũng sắp chật luôn. Với lượng xe đưa về giam mỗi ngày cả trăm chiếc thế này chắc phải bỏ ngoài trời mất”.

Cần có chuẩn kho bãi

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Phạm Thị Kim Lệ, tiến độ tiếp nhận, xử lý tài sản sung công khi bản án có hiệu lực pháp luật từ Phòng Thi hành án dân sự, TAND TP chuyển sang Sở Tài chính trong thời gian qua thực hiện tốt. Năm 2004, tổng trị giá tài sản đã xử lý là 16.829.007.000 đồng và sáu tháng đầu năm 2005 là 963.565.000 đồng.

Tuy nhiên, một vài loại tài sản khi bản án tuyên không nêu rõ chi tiết làm ảnh hưởng đến tiến độ sung công tang vật, như đối với tài sản là phương tiện phải đăng ký chủ quyền mà bản án không nêu rõ chi tiết chủng loại, đặc điểm, hoặc có nhiều trường hợp xe có số sườn, số máy không đúng với bản án tuyên nên mất nhiều thời gian xử lý. Một số tài sản khác như điện thoại di động, đồng hồ đeo tay... cũng vậy, nên khi Sở Tài chính tiếp nhận hầu hết các tài sản tỷ lệ giá trị còn lại không quá 30% do bị xuống cấp.

Từ khi có Quyết định 106 ngày 27-6-2003 về việc tạm giữ xe vi phạm giao thông, đến nay, Phòng CSGT đường bộ thành phố đã tạm giữ hàng vạn xe các loại. Riêng 9 tháng đầu năm 2005, Phòng CSGT đường bộ đã tạm giữ 52.832 lượt phương tiện, Công an các quận huyện đã tạm giữ 83.420 lượt phương tiện các loại.

Theo Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an TP Hồ Chí Minh thì để đáp ứng lượng xe tạm giữ, Phòng CSGT đã phải tăng cường mở rộng kho bãi bằng cách đi thuê kho của tư nhân bên ngoài (thuê thêm hai kho, nâng tổng số lên sáu kho với diện tích 12.000m2), tận dụng trụ sở của các đơn vị. Tuy nhiên, có những kho bãi có mái che, nhưng có kho bãi không có, hàng nghìn xe cộ mau xuống cấp. Có những xe mà chủ sở hữu không đến nhận hoặc không đủ giấy tờ hợp lệ đang biến thành phế liệu, gây lãng phí tài sản nhà nước và nhân dân, tiêu tốn hàng vạn ngày công trông giữ của lực lượng CSGT.

Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp kho bãi đúng tiêu chuẩn, cải thiện công tác bảo quản tang tài vật trong lĩnh vực thi hành án, tạm giữ phương tiện vi phạm an toàn giao thông đường bộ là cần thiết để tránh lãng phí tài sản của nhà nước và nhân dân.

Theo Sài Gòn giải phóng