Ngăn chặn và đẩy lùi việc lập doanh nghiệp "ma" để chiếm đoạt thuế
Các Website khác - 17/09/2005
Việc nhận dạng và tìm ra những phương thức, thủ đoạn hoạt động của doanh nghiệp "ma"để thiết kế các giải pháp thiết thực, khả thi nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.
Hiện tượng doanh nghiệp "ma" đã đến mức báo động

Doanh nghiệp "ma" là các doanh nghiệp thành lập không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ để mua bán hóa đơn bất hợp pháp thu lợi bất chính rồi bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh. Theo đó các doanh nghiệp này tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng những hóa đơn mua bán bất hợp pháp để hợp thức hóa chi phí đầu vào, khấu trừ thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế và kinh phí của nhà nước.

Nền kinh tế Việt Nam đang là nền kinh tế tiền mặt cho nên mọi giao dịch kinh doanh hợp pháp đều phải được ghi nhận bằng chứng từ thanh toán - đó là phần lớn hoá đơn do Nhà nước phát hành và một lượng nhỏ hóa đơn do các doanh nghiệp tự in được Nhà nước cho phép. Hiện nay gần như hóa đơn là công cụ chủ yếu và duy nhất để kiểm soát hoạt động giao dịch kinh doanh trên thị trường. Do vậy các cá nhân, doanh nghiệp muốn chứng minh hợp pháp hàng hóa nhập lậu, muốn tăng khống chi phí đầu vào, tăng khống số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào (được khấu trừ) để gian lận tiền thuế hoặc rút tiền từ ngân sách Nhà nước phải tìm mua hóa đơn GTGT trên thị trường để hợp pháp hoá. Thị trường đã có nhu cầu về hóa đơn GTGT thì lập tức có doanh nghiệp thành lập để đáp ứng nhu cầu đó.

Hiện nay trên thị trường việc xuất bản một hóa đơn GTGT thu lợi từ 20%-50% số tiền thuế ghi trên hoá đơn. Nghĩa là nếu hoá đơn ghi doanh số hàng hoá 10 triệu đồng với mức thuế GTGT 10% thì người bán được hưởng từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong khi đó để mua một tờ hoá đơn GTGT từ cơ quan Thuế chỉ mất 300 đồng. Chính mức siêu lợi nhuận này là "động lực" gia tăng số lượng doanh nghiệp "ma" trong nền kinh tế.

Từ cuối năm 2004 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp "ma" được thành lập ở nhiều địa phương trong cả nước chỉ nhằm mục đích mua bán hoá đơn thu lợi bất chính. Chỉ tính riêng số vụ mà cơ quan Công an khám phá, bóc tách cũng đủ để cho các cơ quan quản lý Nhà nước phải suy ngẫm: - Vụ sáu công ty TNHH ở Hà Nội thành lập để bán hoá đơn, đã được cơ quan Công an khởi tố thu hồi được 595 triệu đồng tiền thu lợi bất chính, hiện đã được Toà án TP Hà Nội đưa ra xét xử.

Vụ Huỳnh Quốc Ngọc (TP Hồ Chí Minh) cùng đồng bọn thành lập 34 Công ty, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ, từ năm 2003 cho đến khi phát hiện đã mua 150 cuốn hoá đơn, xuất khống số lượng hàng hoá trị giá tới nghìn tỷ đồng để bán cho 450 doanh nghiệp trong cả nước.

Vụ Nguyễn Trọng Hậu (Đồng Tháp) và Đào Thiên Khánh (Quảng Ngãi) thành lập hai công ty TNHH tại TP Đà Nẵng, từ tháng 12-2004 cho đến khi phát hiện đã mua 10 cuốn hóa đơn, xuất khống số lượng hàng hóa trị giá khoảng 16 tỷ đồng để bán cho 108 doanh nghiệp trong cả nước.

Vụ doanh nghiệp tư nhân Kỷ Nguyên ở quận Cái Răng TP Cần Thơ cùng đồng bọn thành lập nhiều doanh nghiệp "ma" ở các quận Ô Môn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ và huyện Phong Điền, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã được Công an TP Cần Thơ khởi tố để mở rộng điều tra... Nói chung hiện tượng doanh nghiệp "ma" đã đến mức báo động.

Phương thức tinh vi, thủ đoạn lắt léo

Có thể thấy hoạt động của các doanh nghiệp "ma" ngày càng tinh vi qua những thủ đoạn sau:

- Hoạt động của các doanh nghiệp này trước đây thành lập một cách đơn lẻ theo từng cá nhân ở một địa phương nay chuyển sang thành lập nhiều doanh nghiệp một cách có tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau.

- Trước đây doanh nghiệp thành lập để mua bán hoá đơn ở các thành phố lớn nay chuyển sang thành lập nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh ven thành phố rồi trở lại phục vụ cho việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp ở các thành phố lớn.

- Thời gian hoạt động và tồn tại của doanh nghiệp rất ngắn từ 2 đến 6 tháng cá biệt có một số ít kéo dài 9 tháng đến dưới một năm rồi bỏ trốn hoặc giải thể để thành lập công ty với tên khác và thuê địa điểm khác để tiếp tục hoạt động dưới vỏ công ty mới.

- Trong quá trình hoạt động sau khi mua hoá đơn lần đầu và các lần tiếp theo đều thực hiện việc lập bàng kê và quyết toán hoá đơn, kê khai thuế hàng tháng đúng theo quy định của ngành thuế nhằm mục đích tạo ra lòng tin cho cơ quan Thuế khi làm thủ tục cấp bán hoá đơn.

- Trong kê khai hàng tháng thì giá trị hàng hoá và số thuế đầu ra kê khai so với giá trị hàng hoá và số thuế đầu ra thường có chênh lệch không đúng, thậm chí có trường hợp kê khai đầu vào, đầu ra bằng nhau; cá biệt có trường hợp có tháng kê khai âm thuế đầu ra hoặc kê khai doanh số lớn nhưng kê khai số thuế phải nộp rất ít không tương ứng với ngành nghề kinh doanh.

- Hoá đơn của các doanh nghiệp này thường được xuất cho các doanh nghiệp con hoặc doanh nghiệp "nằm trong đường dây mua bán hoá đơn" rồi bán cho các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác làm cho quá trình xác minh, điều tra khó khăn phức tạp, mất nhiều thời gian và rất tốn kém.

- Các hoá đơn bất hợp pháp này thường là đầu vào của các công trình xây dựng, công trình cầu đường, hợp thức hoá hàng hoá nhập lậu, hợp thức hoá chi phí đầu vào, thuế đầu vào (được khấu trừ) của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, của các cơ quan sử dụng kinh phí là ngân sách Nhà nước...; nghiêm trọng hơn các doanh nghiệp sử dụng hoá đơn này để rút tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước. Nói chung hoạt động của các doanh nghiệp "ma" gây tác hại nhiều mặt cho nền kinh tế, làm biến dạng thị trường, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Ngăn chặn và đẩy lùi doanh nghiệp "ma"

Để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt hiện trạng doanh nghiệp "ma" cần phải có giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đến biện pháp quản lý.

Một là , về cơ chế chính sách cũng đa dạng hoá các công cụ kiểm soát hoạt động giao dịch kinh doanh trên thị trường thông qua việc thanh toán bằng các loại thẻ tín dụng, thanh toán qua ngân hàng,... để kiểm soát chặt chẽ sự dịch chuyển và vận hành của các luồng tiền trong nền kinh tế. Làm cho hoá đơn chứng từ trở thành công cụ thứ yếu chỉ để ghi nhận hoạt động giao dịch kinh doanh và phục vụ cho việc hạch toán kế toán của doanh nghiệp.

Trước mắt, Nhà nước cần quy định mọi giao dịch kinh doanh giữa các doanh nghiệp ở mức nào đó (khoảng 10 triệu đồng trở lên chẳng hạn) phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng để hạn chế bớt mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng của các hoá đơn chứng từ lưu hành trong nền kinh tế. Sau nữa cần bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với các cá nhân đứng ra tổ chức thành lập doanh nghiệp "ma", tổ chức đường dây mua bất hợp pháp bán hoá đơn GTGT.

Hai là , về biện pháp quản lý về phía cơ quan Kế hoạch - Đầu tư trước khi cấp đăng ký kinh doanh cần tiến hành xác minh nhân thân của chủ doanh nghiệp để tránh việc cấp nhầm đăng ký cho những người không có quyền thành lập doanh nghiệp đã được quy định tại điều 9, chương 2, Luật Doanh nghiệp như đã từng diễn ra trước đây. Đối với Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT/BCA TANDTC- VKSNDTC-BTP ngày 23-11-2004 đến các tổ chức và cá nhân kinh doanh trong cả nước để giáo dục và ngăn ngừa đối với các hành vi mua, bán sử dụng trái phép hoá đơn GTGT.

Đối với cơ quan Thuế: Trong thời gian doanh nghiệp đến đăng ký thuế và cấp mã số thuế (trong vòng 8 ngày) trường hợp có các thông tin nghi vấn thì cơ quan Thuế phối hợp với cơ quan Công an địa phương để xác minh nhân thân của chủ doanh nghiệp; đồng thời cử cán bộ đi xác minh địa điểm kinh doanh, kho hàng của doanh nghiệp đã ghi trong giấy phép. Theo đó, để có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các doanh nghiệp ở địa phương khác đến thuê nhà dân, nhà chung cư làm trụ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh thương mại tổng hợp thuộc các ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định bắt buộc.

Trong công tác quản lý thuế cần đặc biệt lưu ý đối với các doanh nghiệp kê khai thuế hàng tháng có số thuế phải nộp thấp hoặc thuế âm, nhưng doanh số bán ra và doanh số mua vào thì rất lớn; cần tiến hành đối chiếu xác minh ngay những hoá đơn đầu ra và hoá đơn đầu vào để làm rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời xử lý những trường hợp mua bán hoá đơn bất hợp pháp.

Cuối cùng nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin vào việc đối chiếu, xác minh hoá đơn trong phạm vi toàn quốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm về hoá đơn, mua bán hoá đơn bất hợp pháp.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam