Quy định về đăng ký hộ khẩu
Các Website khác - 19/09/2005
Hỏi: Chúng tôi được biết, hiện nay đã có quy định mới về việc đăng ký hộ khẩu thường trú. Xin cho biết cụ thể những điểm mới đó là gì?

Trả lời:
Theo Nghị định số 108 ngày 19-8-2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51 về đăng ký và quản lý hộ khẩu, thì điểm mới đáng quan tâm là mọi công dân nếu có nhà ở hợp pháp hoặc công tác ổn định tại các thành phố, thị xã sẽ được đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) tại các thành phố, thị xã.

Nhà ở hợp pháp bao gồm: nhà ở có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc nhà xây trên đất ở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhà ở có giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở theo quy định của pháp luật. (Trường hợp nhà ở chưa có một trong các loại giấy tờ nói trên thì phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn về tình trạng hợp pháp của nhà ở, đất ở).

Ðối với nhà ở nhờ, phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà về việc cho nhập hộ khẩu và phải bảo đảm diện tích tối thiểu trên một đầu người theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Nghị định cũng quy định rõ, những trường hợp sau đây chuyển đến thành phố, thị xã được đăng ký HKTT: Người được cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội điều động, tuyển dụng đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức đó, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và có nhà ở hợp pháp; người được cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội điều động, tuyển dụng đến làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan, tổ chức đó, có nhà ở hợp pháp. (Riêng ở các thành phố trực thuộc trung ương thì cần có thêm điều kiện cư trú liên tục ở thành phố từ ba năm trở lên).

Có tám trường hợp được chuyển đến đăng ký hộ khẩu với người đang có hộ khẩu thường trú tại thành phố, đó là: cán bộ, công chức đang công tác ngoài tỉnh, thành phố thường xuyên về ở với vợ, chồng, con hoặc bố, mẹ (nếu chưa có vợ, chồng); người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển đến ở với con hoặc anh, chị, em ruột (nếu không có vợ, chồng, con); người tàn tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần (hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi) đến ở với bố, mẹ, con; vợ về ở với chồng hoặc ngược lại. Con dâu, con rể về ở với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ mà vợ hoặc chồng trước đây đã có hộ khẩu thường trú ở thành phố, nhưng đã bị xóa tên hoặc cắt chuyển hộ khẩu đi nơi khác do chết, đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hợp pháp hoặc là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang chuyển công tác đến địa phương khác. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương (được cơ quan có thẩm quyền cho cư trú ở thành phố) cũng được đăng ký hộ khẩu với người đang có hộ khẩu thường trú tại thành phố.

NGUYÊN ANH

--------------

Việc chuyển xếp lương đối với giáo viên trung học, tiểu học chưa đạt chuẩn

Hỏi: Ðề nghị cho biết quy định của Nhà nước về việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 1-10-2004 đối với giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn và giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn.

Trả lời: Ngày 10-8-2005, Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính có Thông tư liên tịch số 81/2005/TTLT-BNV-BTC, hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với một số ngạch công chức, viên chức. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo (ngày đăng Công báo là 26-8-2005). Thông tư kể trên hướng dẫn việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 1-10-2004 đối với giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn và giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn, như sau:

Do giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn đã được xếp lương cũ theo Nghị định số 25/CP ở mã số ngạch 15.113 thuộc viên chức loại A (loại A gồm A0 và A1) và do giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn đã được xếp lương cũ theo Nghị định số 25/CP ở mã số ngạch 15.114 thuộc viên chức loại B. Vì vậy, để giữ tương quan khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới và để giáo viên chưa đạt chuẩn có đủ thời gian đi học đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch, việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày

1-10-2004 đối với giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn và giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn được giải quyết như sau:

a) Về chuyển xếp lương: Tính đến ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, những người (nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi trở lên) được vận dụng chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo bảng chuyển xếp lương của ngạch giáo viên đạt chuẩn. Trường hợp còn lại (nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 50 tuổi) tạm thời chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo bảng chuyển xếp lương của ngạch giáo viên đạt chuẩn trong thời hạn 5 năm (tính từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành). Trong thời hạn 5 năm này, giáo viên chưa đạt chuẩn được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, viên chức cử đi đào tạo để đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của ngạch, nếu sau 5 năm không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của ngạch thì phải bố trí công việc khác cho phù hợp.

b) Về mã số ngạch: Kể từ ngày Quyết định số 61/2005/QÐ-BNV có hiệu lực thi hành thì ghi mã số ngạch giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn là 15c.208 và mã số ngạch giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn là 15c.209.

NGUYỄN HÒA
(Bộ Nội vụ)