Ngăn chặn vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em
Các Website khác - 20/01/2006
Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng
tiếp nhận nạn nhân được trao trả
từ Trung Quốc.
Năm 2005 là năm đầu tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2005 - 2010. Thực tế, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và quốc tế hóa, việc giải quyết triệt để còn nan giải.
Những năm gần đây, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) diễn biến phức tạp, trở thành mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội; ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự. Từ năm 1998 đến năm 2005, cả nước có 3.682 phụ nữ, trẻ em bị bán ra nước ngoài, 665 phụ nữ, trẻ em bị bán trong nước, trong đó có 70% phụ nữ bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, phục vụ gia đình hoặc và ép buộc phải kết hôn. Trong số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán hầu hết trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đáng chú ý có 45 học sinh, sinh viên cũng trở thành nạn nhân của những vụ buôn người.

Số phụ nữ bị buôn bán ra nước ngoài ngày một tăng, thậm chí có trường hợp trở thành món hàng được rao bán trên các kênh truyền hình hoặc chợ lao động các nước... BBPNTE còn xảy ra cả ở trong nước, trọng điểm là các tỉnh Hà Tây, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Ninh. Phần lớn các đối tượng phạm tội lừa gạt PNTE đều không nghề nghiệp, từng có tiền án tiền sự, có mối quan hệ với các đối tượng ở nước ngoài, cá biệt do hám lời, nhiều phụ nữ trước đây bị lừa bán đã về nước lại lừa gạt, dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ sang nước ngoài bán dâm.

Ðáng báo động, các đường dây BBPNTE xuyên quốc gia, liên tỉnh ngày càng gia tăng với quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước và nước ngoài như Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Thái-lan, Czech... Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an Trung Quốc, hiện có hàng nghìn PNTE Việt Nam bị buôn bán và cư trú trái phép tại Trung Quốc, có trường hợp còn bị đưa sang Campuchia sau đó đưa sang nước thứ ba.

Năm 2005 ước tính có khoảng 6.000 PNTE bị đưa sang các nước hành nghề mại dâm, đã phát hiện 209 vụ, 344 đối tượng và 449 PNTE bị buôn bán ra nước ngoài. Lợi dụng những phụ nữ trình độ học vấn thấp và nhận thức hạn chế, thiếu việc làm hoặc do hoàn cảnh gia đình trắc trở, hay mơ tưởng làm giàu nhanh; dưới vỏ bọc du lịch, thăm thân, lao động hợp tác, bọn buôn người đã rủ rê, nhận con nuôi, giả vờ yêu, làm quen qua chat, hứa giúp kiếm việc làm với mức lương cao, giúp lấy chồng nước ngoài sẽ được sung sướng, thậm chí cho uống thuốc mê rồi lừa bán trót lọt qua biên giới. Một gia đình ở Ðà Nẵng có ba chị em đều bị lừa bán sang Trung Quốc, tuy nhiên chỉ hai người may mắn được cứu thoát về nước, còn một người vẫn đang là nạn nhân, bặt vô âm tín ở xứ người.

Trước tình hình nói trên, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm BBPNTE từ năm 2004- 2010, các bộ, ngành, UBND các địa phương đã tổ chức triển khai đến cơ sở, thành lập các ban hoặc tiểu ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, đoàn thể cùng phối hợp thực hiện. Với vai trò là cơ quan thường trực, Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng trình Thủ tướng ban hành các quyết định, kế hoạch, đề án chỉ đạo triển khai thực hiện. Do tính chất đặc thù của hoạt động tội phạm BBPNTE, các bộ, ngành đã tăng cường hợp tác các tổ chức quốc tế, ký kết các văn bản thỏa thuận và phối hợp trao đổi kinh nghiệm, xác minh giải quyết các thông tin tội phạm, điển hình là việc tổ chức thành công Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ 3 về phòng, chống buôn bán người khu vực tiểu vùng sông Mê Công, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này.

Nhằm ngăn chặn nạn BBPNTE, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng trao đổi thông tin, phát hiện điều tra, rà soát 23 tuyến, 105 địa bàn trọng điểm, chủ động nắm chắc tình hình, có kế hoạch biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh trấn áp bọn tội phạm buôn người qua biên giới, đồng thời tiếp nhận, giải cứu các nạn nhân từ nước ngoài trở về. Thông qua điều tra khảo sát, lực lượng công an đã đưa 1.262 đối tượng liên quan BBPNTE vào diện quản lý nghiệp vụ, dựng lại hồ sơ 91 đường dây buôn người hoạt động xuyên quốc gia với 245 đối tượng; bắt giữ 201 vụ, 289 đối tượng, đặc biệt đánh trúng nhiều đường dây, ổ nhóm lớn.

Ðiển hình là đường dây lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc làm gái mại dâm do Nguyễn Thị Thùy cầm đầu, bắt tám bị can; đường dây buôn bán 16 cô gái sang Malaysia bán dâm, khởi tố năm đối tượng, trong đó có một chủ chứa người Malaysia là William Chua; đường dây đưa sáu cô gái sang khu chung cư Rư Bắc, Moscow (LB Nga) làm gái mại dâm do Nghiêm Xuân Thuấn cầm đầu bằng thủ đoạn lừa họ sẽ kiếm việc làm ở nước ngoài thu nhập cao, miễn chi phí xuất cảnh; đường dây do Phí Thị Tuyết cầm đầu lừa 7 phụ nữ từ TP Hồ Chí Minh sang Trung Quốc bán...

Ðể điều tra, khám phá thành công các chuyên án BBPNTE, các điều tra viên gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nạn nhân và người nhà vì tâm lý mặc cảm, không chủ động thông báo kịp thời với cơ quan công an; có vụ cả nạn nhân và đối tượng phạm tội đều đang lẩn trốn ở nước ngoài nên không thể lấy lời khai, điều tra mở rộng vụ án; truy tìm nạn nhân và thủ phạm rất khó do địa chỉ ở nước ngoài không cụ thể và thường xuyên thay đổi. Năm qua, 44 PNTE bị bán ra nước ngoài đã được các lực lượng chức năng tiếp nhận, hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ sớm hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống BBPNTE còn nhiều khó khăn hạn chế. Thực tế cho thấy một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cơ sở còn thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia phòng chống BBPNTE; lực lượng chuyên trách đấu tranh loại tội phạm này vừa thiếu, vừa yếu; tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án về BBPNTE chưa cao. Công tác tuyên truyền vẫn còn chưa đủ mạnh, chưa thường xuyên, quản lý nhân hộ khẩu tạm trú, tạm vắng, khách sạn, nhà nghỉ và quản lý biên giới và xuất nhập cảnh còn nhiều sơ hở, bất cập; việc hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về còn lúng túng, thiếu quy trình và chính sách bảo đảm.

Hệ thống pháp luật liên quan chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ, gây thiếu thống nhất trong thực hiện, tạo kẽ hở cho bọn tội phạm lợi dụng hoạt động; tương trợ tư pháp hình sự với các nước láng giềng hạn chế nên khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt, dẫn độ tội phạm, tiếp nhận nạn nhân trở về. Sự phối hợp giữa các ngành liên quan ở T.Ư chưa chặt chẽ và chưa làm hết trách nhiệm, phân công, phân cấp có lúc, có nơi bị chia cắt và trùng giẫm.

Ðể ngăn chặn và làm giảm hoạt động của tội phạm BBPNTE, thực hiện hiệu quả mục tiêu Chương trình hành động phòng, chống tội phạm BBPNTE giai đoạn 2005- 2010 của Chính phủ, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công tác này, trước mắt là nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thi hành pháp luật kết hợp đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế điều hành, tạo chuyển biến vững chắc trong phòng, chống BBPNTE.

TUẤN ANH