Quảng Nam thực hiện cải cách hành chính
Các Website khác - 20/01/2006
Phòng công chứng số 1, thị xã
Tam Kỳ (Quảng Nam) luôn giải quyết
nhanh gọn hồ sơ cho người dân.
Năm 2006, Quảng Nam tiếp tục thực hiện giai đoạn II về cải cách hành chính. Trên cơ sở phát huy những ưu điểm nổi bật mà tỉnh đã thực hiện khá bài bản suốt năm năm qua, vẫn còn nhiều việc Quảng Nam phải làm ráo riết mới đạt được mục tiêu đề ra trong công tác cải cách hành chính.

Tinh gọn bộ máy

Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 1 (2001 - 2005) của Quảng Nam bao gồm các nội dung: Từ đổi mới thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức lại bộ máy hành chính các cấp, đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống cán bộ, công chức. Ðồng thời, xác định rõ mục tiêu trước mắt của công tác CCHC là phải gắn liền và hỗ trợ cho mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðó là, phấn đấu đến năm 2015, Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có kinh tế phát triển mạnh, thật sự mở cửa trong khu vực.

Hiện nay, Quảng Nam bước đầu đã có bộ máy hành chính tương đối tinh gọn; thời gian xử lý sự vụ, các thủ tục hành chính cũng đã được rút ngắn khá nhiều. Dựa vào các nghị quyết, quyết định của Chính phủ liên quan CCHC được ban hành trong giai đoạn 1999 - 2004, nhất là Nghị quyết 38/CP, Thường trực UBND tỉnh đã xác định rõ mục tiêu trong giai đoạn I là "Xây dựng các cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn về tổ chức bộ máy; từng bước hiện đại hóa phương tiện làm việc; đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ, công chức để bố trí theo hướng chuyên môn hóa, kết hợp áp dụng một số cơ chế tài chính thích hợp để thúc đẩy các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn".

Tỉnh giao cho Sở Nội vụ trực tiếp triển khai kế hoạch CCHC đến tất cả các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh. Trước hết, thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ", coi đây là khâu đột phá; kết nối và xuyên suốt qua các công đoạn, các thủ tục, các quy trình; từng bước làm cho bộ máy công quyền thật sự phục vụ công dân và vận hành trôi chảy. Tiến hành từng bước, từ triển khai thí điểm, đến tổ chức rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.

Ðến nay, ngoại trừ một vài đầu mối nhỏ, số ít các xã miền núi vùng xa, cơ chế "một cửa" tại Quảng Nam đã được triển khai đều khắp trong tỉnh. Tính theo đơn vị hành chính, ở cấp tỉnh là 26/29 đầu mối; ở cấp huyện (và tương đương) là 16/17 cơ quan; ở cấp xã (phường) là 186/233 địa bàn. Nhờ áp dụng cơ chế này, những hoạt động hành chính thường ngày của công dân và các tổ chức, đơn vị, công ty trong tỉnh đã được tiến hành suôn sẻ, nhanh gọn, bài bản hơn. Ðáng chú ý, quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và người dân được cải thiện tích cực, rõ nét; làm cho niền tin của công dân vào chính quyền các cấp tăng lên. Việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức đại diện cho cơ quan nhà nước giải quyết công việc đúng luật định, đúng quy trình, minh bạch và công khai. Quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo đảm.

Với các doanh nghiệp đang hoạt động, nhất là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thì cơ chế "một cửa" hiện hành ở Quảng Nam là một động lực nội sinh, đóng vai trò công cụ điều hành năng động, giúp tỉnh phát triển nhanh về kinh tế - xã hội và bền vững hơn. Chín năm trước, khi tách tỉnh, Quảng Nam cơ bản là một tỉnh thuần nông. Nhưng ngày nay, Quảng Nam bước đầu thể hiện rõ thế mạnh công nghiệp. GDP bình quân năm năm qua tăng đều, với nhịp độ gần 10,5%/năm. Hằng năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 28,85%; dịch vụ, du lịch tăng hơn 14%.

Trong kết quả chung đó, công tác CCHC ở Quảng Nam vẫn có những đóng góp lớn, đáng ghi nhận. Thực tế cuộc sống đã chứng minh thêm. Ở Sở Giao thông vận tải Quảng Nam, mấy năm trước, có đến bảy phòng chức năng; nhưng nhìn vào bàn trưởng phòng nào cũng thấy hồ sơ xếp lớp, chất cao. Nay đã khác. Cả sở chỉ còn 32 công chức (kể cả bộ phận sát hạch lái xe) và ba phòng chức năng, bao gồm: Văn phòng Sở, Phòng Quản lý vận tải công nghiệp, Phòng Quản lý giao thông. Công việc không giảm. Trái lại, nhiều hơn, do phương tiện giao thông các loại, cơ sở vật chất liên quan tăng nhanh; nhất là làm thêm chức năng ủy quyền chủ đầu tư một số công trình giao thông đường bộ và duy tu, bảo dưỡng ba quốc lộ lớn chạy ngang qua Quảng Nam. Song, công việc đều được xử lý nhanh hơn trước.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải lý giải: "Vấn đề cơ bản là phải biết tổ chức lại cho hợp lý. Phải căn cứ vào năng lực từng cán bộ, công chức để đặt họ đúng công việc, môi trường thích hợp, có điều kiện phát triển. Rồi phải rút ngắn cho được thời gian của việc xử lý thông tin và kết nối thông suốt theo từng sự vụ, cụ thể với các sở, ngành, địa phương liên quan".

Tại Sở Tư pháp Quảng Nam, cách làm chủ yếu trong CCHC là chú trọng các lĩnh vực thường gây bức xúc cho nhân dân. Lãnh đạo sở chỉ đạo các bộ phận trực thuộc xây dựng quy chế, quy định về tiếp công dân. Trong đó, lưu ý nhiều đến kỹ năng làm việc, lề lối ứng xử. Tiếp đó, bố trí ngay những cán bộ có năng lực chuyên môn cao, đạo đức tốt vào các phòng, trung tâm như: Hộ tịch, Công chứng, Bán đấu giá tài sản. Do vậy, năm năm qua, sở đã tiếp hơn 10 nghìn lượt công dân; giải quyết hộ tịch cho 5 nghìn 470 trường hợp trong nước, 766 trường hợp có yếu tố nước ngoài, nhưng không để xảy ra sai sót. Với những hồ sơ công chứng phức tạp, sở đều có giấy hẹn và được thực hiện dứt điểm trong vòng một tuần, nhanh hơn 20 ngày so luật định. Ở các huyện Ðiện Bàn, Tiên Phước, Phú Ninh, công tác CCHC cũng đã đạt được những tiến bộ tương tự.

Thống nhất về thủ tục

Hiện nay, công dân giải quyết việc gì về hành chính cũng đụng phải sự phiền hà đầu tiên là các thủ tục không thống nhất, bắt đầu mọi sự rắc rối từ các biểu mẫu, đơn từ. Nhiều ngành tự đặt ra biểu mẫu, thủ tục riêng và đương nhiên là mâu thuẫn cả về khái niệm và nội dung tương tự với ngành khác. Khi đụng việc, công dân rất khổ, phải chạy vòng vo, làm đi, làm lại nhiều lần. Sớm nhận ra thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam Nguyễn Ðức Thọ cho biết: "Bước vào giai đoạn II của CCHC, Quảng Nam sẽ lấy năm 2006 làm năm "Mẫu hóa thống nhất các thủ tục hành chính". Từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, bảo đảm liên thông trong mô hình "một cửa" từ cấp xã lên cấp huyện và thiết lập được các trung tâm giao dịch chuyên trách cung ứng dịch vụ hành chính công". Ðể làm được điều đó, Quảng Nam đã chuẩn bị chu đáo.

Ðến nay, 100% số sở, ban, ngành trong tỉnh đã được sắp xếp lại, từ 9 đến 11 phòng (và tương đương) xuống còn 3 - 5 phòng. Ðội ngũ cán bộ, công chức đã được bố trí lại theo hướng chuyên môn hóa, song quản lý, theo dõi đa lĩnh vực, vốn có mối quan hệ "chồng lấn" với nhau. Tỉnh thường xuyên rà soát, thẩm định lại các văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung, ban hành văn bản mới phù hợp. Công tác tuyển dụng, thi tuyển, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của công chức được đẩy lên một bước. Riêng năm 2005, tỉnh đã cử đi đào tạo sau đại học hơn 100 cán bộ, công chức. Vài năm tới, Quảng Nam sẽ có một lớp cán bộ mới, trẻ, có học vấn cao.

Cách đào tạo của Quảng Nam là căn cứ vào nhu cầu từng lĩnh vực. Hai năm qua, Quảng Nam đã có 67 cán bộ lãnh đạo chủ chốt học đại học hành chính; 84 y sĩ (trong đó có 51 y sĩ là con em các dân tộc thiểu số) được học lên chương trình bác sĩ. Ở các huyện Ðiện Bàn và Duy Xuyên, nhờ số lượng các đầu mối hành chính chỉ còn lại 9 - 10 phòng, ban; biết "lồng ghép" cơ chế "một cửa" với Quy chế dân chủ ở cơ sở; cho nên nhiều biểu mẫu, thủ tục đã được thống nhất lại, giải quyết công việc nhanh gọn hơn.

Huyện Tiên Phước cũng có nhiều tiến bộ trong công tác này, khi áp dụng nghiêm việc khen thưởng và xử phạt đối với công chức trong quá trình tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ cho công dân. Có những cách làm sáng tạo ở Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam. Ban này vừa được nhận Chứng chỉ quốc tế về hành chính ISO - 9001. Bộ máy chỉ hơn 20 người, nhưng quản lý năm khu công nghiệp trong tỉnh. Lề lối làm việc ở đây là "một việc chỉ giao cho một đầu mối giải quyết". Cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm đến cùng từng việc cụ thể. Chuyển biến tích cực nhất nhất là ở khâu xử lý các thủ tục đầu tư.

Năm 2004, từ chỗ nghi ngại, Giám đốc Công ty giày Rieker đã rất vui mừng khi nhận được Giấy phép đầu tư nước ngoài chỉ sau 8 giờ trình đơn. Ðây là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài, triển khai giai đoạn I là 13,2 triệu USD, sử dụng hơn 5 nghìn lao động; nay đã đi vào sản xuất có hiệu quả. Cũng nhờ xử lý công việc minh bạch, nhanh gọn, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam đã góp phần tích cực thu hút các dự án và tổng vốn đầu tư ngày càng nhiều hơn ở các khu công nghiệp: Ðiện Nam - Ðiện Ngọc (Ðiện Bàn), Thuận Yên (Tam Kỳ), Phú Vinh (Phú Ninh), và cả ở An Hòa - Nông Sơn (Duy Xuyên), Ðông Quế Sơn trong tương lai gần.

Tuy vậy, trong công tác CCHC ở Quảng Nam hiện tại vẫn còn một số vướng mắc và bất cập. Ở cấp trung ương, việc có cùng lúc ba loại sổ, biểu mẫu liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất ở, sở hữu nhà ở và các tài sản trên đất do ba Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp quy định, đang làm cho công dân gặp rất nhiều trở ngại khi phải giải quyết những vấn đề này.

Ở phương diện khác, đến nay, các Ban Quản lý dự án công nghiệp cấp tỉnh vẫn không được cấp giấy phép đầu tư cho dự án có vốn hơn mức 5 triệu USD (nếu không xuất khẩu được 100%) là một vướng mắc lớn, đang làm cho các nhà đầu tư chán ngán, khi phải "lách" luật, bằng cách xé nhỏ dự án, xử lý các thủ tục hành chính một cách giả tạo, qua lắm công đoạn. Nhận thức chung về tác dụng của CCHC của thủ trưởng các cấp, các ngành không đều, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ CCHC.

Ở một số xã và huyện vẫn xuất hiện tình trạng đùn đẩy khi giải quyết các thủ tục hành chính đối với vụ việc có tính chất phức tạp. Việc tăng số lượng cơ quan chuyên môn cấp huyện đang gây trở ngại đáng kể cho việc bố trí biên chế, bố trí những người cụ thể vào các chức danh lãnh đạo, phụ trách. Có huyện miền núi, biên chế hành chính năm 2005 là 80 người. Nhưng do Văn phòng HÐND và UBND huyện đó đã chiếm đến 19 người; cho nên mỗi cơ quan chuyên môn ở huyện này chỉ còn lại hai, ba người. Ngược lại, với một huyện như Phú Ninh, do mới tách lập, khối lượng công việc bộn bề, địa bàn rộng, cư dân đông, chí ít cũng cần đến 90 biên chế hành chính mới đủ. Nhưng số lượng bước đầu được duyệt còn ít, gây khó khăn cho công tác quản lý - chăm sóc sức khỏe nhân dân, các mặt văn hóa - xã hội khác.

Qua sắp xếp, toàn tỉnh đã tinh giản được 108 cán bộ, công chức. Cho thôi việc và kỷ luật một số người. Nhưng cốt lõi của vấn đề là vẫn chưa xác định được thật chính xác và cụ thể nơi nào phải tăng thêm, nơi nào phải giảm mạnh để phù hợp quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sở Nội vụ Quảng Nam đã nhận ra những hạn chế nói trên; sẽ có những giải pháp tích cực tiếp theo để tháo gỡ; làm cho những tiến bộ cơ bản, bước đầu trong lĩnh vực CCHC ngày càng được nhân rộng, chuyển hóa vào chiều sâu công việc, đạt hiệu quả cao hơn.

TRẦN DANH LÂN