Việc chuyển ngạch viên chức
Các Website khác - 19/01/2006
Hỏi: Đề nghị báo cho biết, quy trình chuyển ngạch viên chức sang ngạch tương đương khi viên chức được giao nhiệm vụ mới?
Trả lời: Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ quy định việc chuyển ngạch viên chức như sau:

Viên chức được giao nhiệm vụ mới mà nhiệm vụ đó không phù hợp ngạch viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch viên chức sang ngạch tương đương phù hợp chuyên môn nghiệp vụ được giao.

Viên chức được chuyển ngạch phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển.

Đơn vị sử dụng viên chức khi chuyển ngạch cho viên chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra để sát hạch về trình độ, năng lực của viên chức. Nếu viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch mới, thì đơn vị sử dụng viên chức ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm.

Hội đồng kiểm tra có năm hoặc bảy thành viên, bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị;

- Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của đơn vị;

- Các Ủy viên Hội đồng là viên chức lãnh đạo bộ phận chuyên môn và một số viên chức có năng lực, trình độ nghiệp vụ công tác ở cùng ngạch hoặc ngạch cao hơn (Chủ tịch Hội đồng phân công một trong số các Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng).

Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ:

- Xem xét các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của ngạch mới, văn bản đánh giá nhận xét quá trình công tác;

- Phỏng vấn viên chức chuyển ngạch về hiểu biết, nhận thức về chính trị, xã hội;

- Kiểm tra người chuyển ngạch về chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu nhiệm vụ của ngạch;

- Hội đồng kiểm tra họp đánh giá kết quả, nếu xét thấy viên chức đạt yêu cầu thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức bổ nhiệm vào ngạch.

Khi xét chuyển ngạch, không được kết hợp nâng bậc lương, nâng ngạch.

----------------------------------

Chế độ bồi thường chi phí đào tạo

Hỏi: Trong trường hợp nào thì công chức, viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo và cách tính chi phí bồi thường như thế nào?

Trả lời: Nghị định số 54/2005/NÐ-CP ngày 19-4-2005 của Chính phủ quy định trường hợp công chức, viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo như sau:

- Công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo mà chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ theo quy định mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

- Công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Các khoản chi phí đào tạo được tính để bồi thường bao gồm: Các khoản chi cho khóa đào tạo (bao gồm cả chi phí đi lại) tính theo từng người được đào tạo có thời gian từ ba tháng trở lên từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn tài chính viện trợ chính thức của nước ngoài cho Việt Nam, từ nguồn tài chính của cơ quan, đơn vị.

Cách tính chi phí bồi thường:

- Ðối với công chức, viên chức đang trong thời gian được cử đi đào tạo mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc trở về cơ quan, đơn vị mà tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc ngay thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo của khóa học đó.

- Ðối với các trường hợp khác thì chi phí bồi thường được tính như sau:

Chi phí đào tạo phải bồi thường = (Thời gian yêu cầu phục vụ trừ đi (-) Thời gian làm việc sau khi đào tạo) chia cho (:) Thời gian yêu cầu phục vụ nhân với (x) Tổng chi phí của khóa đào tạo.

Trong đó, thời gian yêu cầu phục vụ được quy định gấp ba lần so với thời gian của khóa đào tạo.

----------------------------------

Quản lý và bảo vệ cây xanh trong các đô thị

Hỏi: Hiện nay, ở nhiều địa phương, việc quản lý và bảo vệ cây xanh trong các đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Ðề nghị quý báo cho biết quy định cụ thể về vấn đề này?

Trả lời: Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời khuyến khích toàn xã hội tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên toàn quốc, ngày 20-12-2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 20, hướng dẫn như sau:

- Tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý.

- Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải mang bản sắc địa phương, phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đồng thời bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đô thị, hạn chế làm hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng trên mặt đất, dưới mặt đất cũng như trên không.

- Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trước mặt nhà, trong khuôn viên; đồng thời thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng quản lý để giải quyết khi phát hiện cây nguy hiểm và các hành vi gây ảnh hưởng sự phát triển của cây xanh đô thị.

- Cấm các hành vi xâm hại cây xanh sau: Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây; tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.

- Cây xanh đưa ra trồng phải bảo đảm tiêu chuẩn: Cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 3,0m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 6cm, tán cây cân đối, không sâu bệnh, thân cây thẳng. Chung quanh ô đất trồng cây trên đường phố hoặc khu vực sở hữu công cộng (có hè đường) phải được xây bó vỉa có cao độ cùng với cao độ của hè phố nhằm giữ đất tránh làm bẩn hè phố hoặc các hình thức thiết kế khác để bảo vệ cây và tạo hình thức trang trí.

- Khi thi công các công trình ngầm và trên mặt đất, đơn vị thi công có trách nhiệm bảo vệ hệ thống cây xanh đã có trong và chung quanh khu vực công trường. Không được lấy thân cây làm chỗ tựa, đỡ để kéo sắt, thép, cấu kiện vật liệu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh tại khu vực thi công phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.