Làm thủ tục xác lập sở hữu
UBND quận huyện có trách nhiệm rà soát và tổng hợp danh sách nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng theo chính sách quản lý nhà đất và cải tạo XHCN trước ngày 1-7-1991. Danh sách này được lập để trình chủ tịch UBND tỉnh, TP ra quyết định xác lập sở hữu toàn dân.
Đối với nhà đất đang sử dụng vào mục đích để ở nhưng người đang trực tiếp sử dụng chưa hợp thức hóa nhà ở, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hợp thức hóa nhà ở cho người đang thuê theo giá quy định trước đây.
Đối với nhà ở không thuộc diện được bán hoặc người ở thuê không mua thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển giao nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho UBND cấp tỉnh trực thuộc trung ương.
Trường hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân sử dụng nhà đất không đúng mục đích được giao hoặc cho các cơ quan, tổ chức khác thuê lại thì UBND cấp tỉnh phải thu hồi để giao cho các DNNN có chức năng quản lý quỹ nhà nhà nước của địa phương quản lý.
Nhà do Nhà nước trưng mua, thanh toán tiền ra sao?
Các trường hợp nhà đất mà Nhà nước đã trưng mua trước đây nhưng chưa trả tiền hoặc mới trả một phần, người thuộc diện này phải nộp hồ sơ đề nghị thanh toán tại cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh. Đối với trường hợp Nhà nước trưng mua nhưng chưa thanh toán tiền thì cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Việc xác định số tiền thanh toán phải lấy giá xây dựng mới của nhà ở cấp 2, nếu là biệt thự thì lấy giá biệt thự cấp 2 do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm thanh toán nhân với diện tích nhà mà Nhà nước đã trưng mua trước đây.
Ví dụ: Năm 1978 Nhà nước trưng mua của ông Nguyễn Văn A căn nhà cấp 2 với diện tích 120m2 nhưng chưa trả tiền cho ông A. Tháng 6-2006, ông A nộp hồ sơ đề nghị thanh toán thì số tiền thanh toán cho ông A được xác định như sau:
Giá chuẩn nhà ở xây dựng mới của nhà cấp 2 do UBND tỉnh quy định áp dụng tại thời điểm thanh toán (năm 2006) là 1,3 triệu đồng/m2 thì giá tiền thanh toán là 1.300.000 đồng x 120m2 = 156.000.000 đồng (một trăm năm mươi sáu triệu đồng).
Đối với trường hợp Nhà nước trưng mua nhưng đã thanh toán một phần tiền thì cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh áp dụng như trên và trừ đi phần trăm số tiền mà Nhà nước đã trả trước đây để thanh toán cho chủ sở hữu số tiền còn lại.
Giao lại nhà ở mà Nhà nước trưng dụng có thời hạn
Người thuộc diện được giao lại nhà ở (không phụ thuộc nơi đang cư trú) có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ đề nghị giao lại nhà ở tại cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh nơi có nhà đất mà Nhà nước đã trưng dụng trước đây.
Trường hợp nhà ở không giao lại được thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo lập phương án bồi thường theo quy định hiện hành để bồi thường cho người thuộc diện được giao lại nhà ở. Nếu ngân sách địa phương không đủ để bồi thường, UBND cấp tỉnh làm báo cáo giải trình để Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Người được giao lại nhà ở hoặc được bồi thường bằng nhà ở, đất ở phải làm thủ tục để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ cải thiện nhà ở
Người thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở phải có đủ các điều kiện theo quy định tại điều 9 nghị định 127 (nhà ở đã được sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; đã bị phá dỡ xây dựng lại; đã được Nhà nước bố trí cho người khác sử dụng ổn định, đã được xác lập sở hữu toàn dân; đã chuyển quyền sở hữu cho người khác hoặc nhà đất đó thuộc diện phải giải tỏa theo quy hoạch để chỉnh trang đô thị) phải làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhà ở và nộp cho UBND cấp quận huyện.
Hồ sơ gồm: đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở; giấy tờ chứng minh Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng theo quy định, đồng thời có hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhà ở nộp cho UBND cấp huyện.
Hồ sơ này sẽ được chuyển lên cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh để trình UBND cấp tỉnh ra quyết định. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc cho mua nhà ở trả góp theo quy định về bán nhà ở cho người tái định cư hoặc bán nhà ở cho người thu nhập thấp. Trường hợp địa phương chưa có nhà ở để hỗ trợ thì cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh phải có văn bản thông báo rõ cho người thuộc diện được hỗ trợ biết.
------
(*) Nghị định 127 ban hành ngày 10-10-2005 nhằm thực hiện nghị quyết 23 của Quốc hội và nghị quyết 755 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
|