Quyết định giải quyết cuối cùng vẫn có sai sót
Các Website khác - 28/12/2005
Kết quả thanh tra tại An Giang cho thấy, trong số 21 quyết định giải quyết cuối cùng có 12 (chiếm 57%) quyết định có sai sót, cần phải chỉnh sửa hoặc ra quyết định lại. Con số này ở Tiền Giang là 9/19 (chiếm 47%); Bình Thuận 8/16 (chiếm 50%); Vĩnh Long 18/47 (chiếm 38,3%).
Ðể tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân, nhất là những KNTC đã có quyết định giải quyết cuối cùng, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Chính phủ đã thành lập nhiều tổ công tác đi thực tế tại bốn tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bình Thuận.

Tại An Giang, qua xem xét 21 quyết định giải quyết cuối cùng, đã phát hiện 12 (chiếm 57%) quyết định có sai sót, cần phải chỉnh sửa hoặc ra quyết định lại. Con số này ở Tiền Giang là 9/19 (chiếm 47%); Bình Thuận 8/16 (chiếm 50%); Vĩnh Long 18/47 (chiếm 38,3%).

Những con số nêu trên, tuy chưa nói lên được nhiều điều, song nếu đặt nó trong bối cảnh chung của công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân hiện nay, thì đây lại là vấn đề không thể xem nhẹ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình thẳng thắn: Quyết định giải quyết cuối cùng KNTC của công dân, nếu để xảy ra sai sót thì dù chỉ là một hai phần trăm cũng là nhiều. Rút kinh nghiệm từ việc các tổ công tác lần trước đồng thời nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, đầu tháng 12 này, chúng tôi sẽ cử tiếp năm tổ công tác đi thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía nam. Thanh tra Chính phủ chỉ tập trung vào những vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng của các cấp, các ngành nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện. Với trách nhiệm, thẩm quyền được giao, nếu phát hiện các quyết định giải quyết cuối cùng còn sai sót hoặc chưa đúng pháp luật, Thanh tra Chính phủ sẽ yêu cầu người ra quyết định cuối cùng đó phải chỉnh sửa hoặc thay đổi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công dân. Nếu người có trách nhiệm (thủ trưởng các cấp, các ngành) không thực hiện việc kiến nghị, yêu cầu, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo lên Thủ tướng để có biện pháp xử lý thích đáng.

Giải quyết KNTC của công dân nói chung và việc triển khai thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành nói riêng, chỗ khó nhất mà các cán bộ thanh tra đang gặp phải chính là pháp luật hiện nay chưa có các biện pháp chế tài đủ mạnh đi kèm, hoặc ít nhất cũng chưa đủ "sức nặng" trong việc buộc những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc ra quyết định cuối cùng đối với KNTC của công dân phải cân nhắc, tính toán kỹ trong công việc, phải làm việc với tinh thần cao nhất trước khi hạ bút ký quyết định.

Có một thực tế là, Thanh tra Chính phủ không thể "ôm" hết cả đống công việc của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng với cách làm bóc tách những tỉnh, thành phố có nhiều đơn thư KNTC, nhiều vụ việc nổi cộm để xem xét và yêu cầu người có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp, sẽ có tác dụng chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đồng thời có tính răn đe, phòng ngừa chung cho các địa phương khác.

Thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các ngành, các cấp trong giải quyết KNTC là hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra. Thực tế tình hình khiếu kiện vẫn chưa có xu hướng giảm, ngay cả khi vụ việc của họ đã được thủ trưởng các cấp, các ngành ra quyết định giải quyết cuối cùng. Nguyên nhân do đâu, năng lực cán bộ ở các địa phương còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao, hay vì các quy định của pháp luật còn sơ hở, chồng chéo? Ðó là những vấn đề mà các tổ công tác sẽ trả lời.

HỒNG THANH