Những cảnh sát mặc thường phục
Các Website khác - 06/03/2006
Thượng tá Phạm Ngọc Thạch, Trưởng phòng CSÐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an tỉnh Hà Tĩnh vui vẻ tiếp chúng tôi trong căn phòng đơn sơ, giản dị như tác phong của người chiến sĩ cảnh sát trên lĩnh vực điều tra khám phá án.
Chỉ trong hai tháng 1 và 2-2006, Công an Hà Tĩnh đã điều tra, làm rõ, triệt phá 24 ổ nhóm trộm cắp, khám phá hàng chục vụ trọng án với các tội danh giết, cướp, hiếp dâm và buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy... Thượng tá Thạch cho biết: Chiến công của phòng thì nhiều. Nhưng có một mũi công tác khá "âm thầm", nhưng hết sức quyết liệt, gian khổ và nguy hiểm đến tính mạng người chiến sĩ công an trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đến Ðội bắt tội phạm theo lệnh truy nã.

Cả bốn sĩ quan cấp tá của Phòng PC14 đều mặc thường phục, đang họp bàn kế hoạch chuẩn bị xuống địa bàn huyện Ðức Thọ truy bắt tên Công, phạm tội giết người rồi đào tẩu đã hơn một tháng nay. Thiếu tá Trần Văn Minh phân bua: Mặc thường phục là khi thực thi nhiệm vụ, xuống địa bàn trực tiếp bắt đối tượng. Còn trong sinh hoạt, học tập... chúng tôi vẫn là những chiến sĩ cảnh sát gương mẫu thực hiện Ðiều lệnh CAND.

Theo các thiếu tá Nguyễn Ðức Hoàng và Trần Ðăng Thọ: Ðể bắt được một tên tội phạm theo lệnh truy nã của các cấp công an, các anh phải lao tâm khổ tứ, truy tìm dấu vết tội phạm theo hàng trăm địa chỉ, lại còn phải "chạy đua" về thời gian, bởi bọn tội phạm sau khi gây án đã xa chạy, cao bay. Càng để lâu càng khó truy tìm.

Trong năm 2005, Ðội bắt tội phạm theo lệnh truy nã của Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ 40 đối tượng lẩn trốn khắp trên địa bàn toàn quốc, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh đông và tây Nam Bộ. Ðối tượng có lệnh truy nã, thường là những tên gây ra các vụ trọng án như: Giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, phá hoại công trình trọng điểm về an ninh quốc gia...

Chỉ tính trong hai tháng đầu năm 2006, Ðội đã tiến hành bắt giữ 15 tên tội phạm nguy hiểm. Ví như sau khi xác định tên Nguyễn Văn Hi, sinh năm 1978, ngụ xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, có hộ khẩu thường trú tại thôn 12, xã Ea Mốt, huyện Ea Ka, Ðác Lắc, can tội cướp xe máy, bị Công an Ðác Lắc ra lệnh truy nã từ năm 2001. Theo nguồn tin của bà con, Tết vừa rồi Hi có về quê ăn Tết. Sau khi lập phương án được lãnh đạo phòng duyệt, các chiến sĩ công an mặc thường phục đã ngày đêm giăng lưới...

Khi chuyến xe tốc hành dừng lại trên quốc lộ 1A, một thanh niên cao, to bước xuống xe. Xác định đúng tên Hi, các chiến sĩ Trần Văn Minh, Trần Ðăng Thọ, Nguyễn Ðức Hoàng đã tiếp cận ngay khi hắn đang cúi nhặt hành lý. Với bản chất manh động của tên cướp, tên Hi rút dao nhọn giấu sẵn trong người ra chống đối quyết liệt. Bằng thế võ hiểm, Thiếu tá Trần Văn Minh đã tung cú đá làm con dao nhọn trên tay tên cướp văng ra xa, tạo khoảng cách an toàn cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ bắt giữ hắn.

Hay như vụ truy bắt tên Ðinh Văn Thành, sinh năm 1982, ngụ xã Bùi Xá, huyện Ðức Thọ, can tội cướp xe ôm năm 2004. Sau khi gây án, tên Thành đã xa chạy, cao bay. Với một địa chỉ mà quần chúng báo tin thật mong manh: Tên Thành đang trốn tại các tỉnh Tây Nguyên! Sau hơn một năm truy tìm, đã xác định tên Thành đang lẩn trốn tại Ðác Lắc. Cầm trong tay hàng chục địa chỉ của người thân, người quen của tên Thành, các chiến sĩ đã rong ruổi trên hàng chục chuyến xe khách đi tìm... "bóng chim".

Khi hết đường xe, các chiến sĩ trong vai đi khai hoang, hoặc thăm người thân, đã cởi đôi giày sĩ quan CAND gửi lại nhà dân, rồi lội bộ... Vượt qua hàng chục quả đồi và nhiều khe suối đến tứa máu chân, ngày đi, đêm nghỉ, ăn lương khô, uống nước suối mấy ngày liền, quyết tâm bắt tên Thành phải đưa tay vào còng số 8, tại xã Ea Vi, huyện Ea HLeo. Ðến lúc này, y vẫn bị bất ngờ, hỏi: Tôi không tin các ông là công an? Nơi thâm sơn cùng cốc này, chỉ những người dân bản xứ, những lâm tặc và những kẻ giang hồ, cướp bóc chạy trốn cuộc đời, chạy trốn pháp luật như chúng tôi mới có mặt.

Hay như cuộc truy tìm tên Nguyễn Hồng Kha, sinh năm 1962, ngụ huyện Hương Khê, can tội giết người năm 1992. Sau khi gây án, giết chết một người do mâu thuẫn cá nhân, Kha đã... "mất tích". Công an Hà Tĩnh ra lệnh truy nã trong toàn quốc. Sau gần 14 năm chạy trốn, cơ quan công an đã tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để lần tìm nhưng hắn vẫn biệt tăm! Ðầu xuân 2006, khi bị bắt giữ tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hắn đã ôm mặt khóc. Bởi 14 năm qua, hắn đã bỏ người vợ ở quê và một đàn con để lẩn trốn. Trên đường chạy trốn, hắn được một phụ nữ hơn hai tuổi nhưng còn... "phòng không" cưu mang. Từ đó, hai người sống như vợ chồng và đã có với nhau hai mặt con. Ngỡ rằng công an đã "quên" hắn rồi, không ngờ có ngày hắn sa lưới pháp luật...

Trong quá trình trực tiếp bắt giữ hàng chục tên tội phạm nguy hiểm theo lệnh truy nã, các chiến sĩ công an đã chừng ấy lần đối mặt hiểm nguy đến tính mạng của mình.

Bởi trong quá trình chạy trốn, gần như tên nào cũng có vũ khí, hung khí như dao nhọn, lựu đạn... giấu trong người. Bọn chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị công an bắt giữ. Trong quá trình chiến đấu, bắt giữ tội phạm theo lệnh truy nã, có không ít cán bộ, chiến sĩ công an bị thương, thậm chí hy sinh tính mạng. Riêng đội bắt tội phạm truy nã của PC14 Công an Hà Tĩnh, trong quá trình truy bắt đối tượng, đã nhiều lần bị thương. Nhẹ thì trầy da, xước móng. Nặng thì chảy máu, gãy tay...

Làm nhiệm vụ bắt tội phạm theo lệnh truy nã, CBCS phải dũng cảm, tinh thông nghiệp vụ, tinh thần tiến công tội phạm cao, chấp nhận gian khổ, hiểm nguy, dựa vào nhân dân hoàn thành nhiệm vụ, góp sức mình vì sự bình yên của nhân dân, đất nước.

ÐINH QUANG LÂN
(Hà Tĩnh)