Trả lời: Theo quy định tại Nghị định 63/1998/NĐ-CP ngày 17-8-1998 và quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1437/2001/QĐ-NHNN ngày 19-11-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì người thừa kế ở nước ngoài được hưởng thừa kế ở Việt Nam, muốn nhận được tiền thừa kế có thể thông qua các ngân hàng ở Việt Nam để nhận số tiền này.
Người thừa kế ở nước ngoài có thể nhận được tiền thừa kế chuyển từ Việt Nam bằng một số loại ngoại tệ mà các ngân hàng Việt Nam có bán như: USD, Franc Pháp, Deutsche mark (Đức)... để giao dịch với ngân hàng ở Việt Nam, người nhà của bạn ở nước ngoài có thể ủy quyền cho một cá nhân ở Việt Nam hoặc thông qua một số công ty luật hoạt động ở Việt Nam làm đại diện để giao dịch với ngân hàng nhằm chuyển số tiền này đến nơi cần thiết hoặc để mang số tiền này ra nước ngoài cho bạn khi xuất cảnh.
Tuy nhiên, khi liên hệ với ngân hàng, người đại diện phải có đủ một số giấy tờ sau:
- Đơn xin chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài (theo mẫu của ngân hàng);
- Bản chính hoặc bản sao công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thỏa thuận giữa những người thừa kế hợp pháp;
- Văn bản ủy quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển, mang ngoại tệ.
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân và một số giấy tờ khác.
-----------------------
Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung
Hỏi: Đề nghị cho biết, hiện nay pháp luật quy định như thế nào về xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung. Ở địa phương tôi có một số người thường hay gây ồn ào làm huyên náo cả xóm làng khi đêm đã về khuya (sau 23 giờ), thì đối với những người này sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, thì hành vi gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung bị xử phạt như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a. Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên nào trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau:
b. Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sau đây: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm khoản 2 Điều này thì bị tịch thu tang vật, phương tiện.
Như vậy, theo quy định trên nếu ở địa phương ông có những người thường hay gây ồn ào, huyên náo cả xóm làng khi đêm đã về khuya (sau 23 giờ), thì đối với họ có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
-----------------------
Chính sách đối với người lao động sau khi sắp xếp lại doanh nghiệp
Hỏi: Xin cho biết chính sách đối với người lao động tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại theo hình thức bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước.
Trả lời: Tại Thông tư số 29/2005/TT-B LĐTB XH hướng dẫn thực hiện một số điều về chính sách lao động của Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước quy định:
Bên nhận mua, nhận khoán kinh doanh, nhận thuê công ty nhà nước có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động mà công ty nhà nước đã ký kết với người lao động thuộc diện có nhu cầu tiếp tục sử dụng theo phương án sử dụng lao động đã được phê duyệt cho đến khi sửa đổi, bổ sung hoặc ký kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về HĐLĐ.
Khi thôi việc hoặc bị mất việc làm, người lao động được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động, các chính sách hiện hành có liên quan và các cam kết có liên quan trong hợp đồng bán, khoán kinh doanh, thuê công ty nhà nước đã ký kết.
Riêng đối với doanh nghiệp mới hình thành do thực hiện bán công ty nhà nước hoặc bộ phận công ty nhà nước, khi giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc mất việc cho người lao động trong khoảng thời gian 5 năm đầu kể từ thời điểm doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán 50% tổng mức trợ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động, số còn lại được thanh toán từ tiền thu của Nhà nước do bán công ty nhà nước hoặc bộ phận công ty nhà nước theo quy định tại khoản 5, Điều 22 của Nghị định số 80/2005/NĐ-CP. Việc thanh toán trợ cấp được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hết thời hạn này, doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán toàn bộ mức trợ cấp cho người lao động.
Sau khi kết thúc hợp đồng thuê, nếu công ty cho thuê tiếp tục hoạt động thì phải có nghĩa vụ tiếp nhận trở lại số lao động cũ (là số lao động trong danh sách nêu tại điểm g khoản 1, mục II của thông tư này) theo quy định tại khoản 3 Điều 48 của Nghi định số 80/2005/NĐ-CP.
Lao động do công ty nhận thuê tuyển mới theo quy định của Bộ luật Lao động trong thời gian thực hiện hợp đồng thuê công ty được công ty cho thuê tiếp tục sử dụng nếu có nhu cầu hoặc giải quyết chế độ theo quy định hiện hành. Trong trường hợp công ty cho thuê chấm dứt hoạt động do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ cho người lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các chính sách có liên quan.
-----------------------
Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn
Hỏi: Ðề nghị báo cho biết, những đối tượng nào được áp dụng chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và người học nghề phải làm những việc gì?
Trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 06/2006 ngày 19-1-2006 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua học nghề, có nhu cầu học nghề, đủ điều
kiện xét tuyển vào các khóa học nghề ngắn hạn và được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau:
- Lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác do đô thị hóa hoặc do xây dựng các công trình công cộng, khu công nghiệp, khu chế xuất và các dự án khác về an ninh quốc phòng vì lợi ích quốc gia có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.
- Lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật.
- Lao động thuộc các dân tộc thiểu số; các xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Lao động nữ chưa có việc làm.
- Lao động thuộc các làng nghề nằm trong dự án khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mà dự án không có khoản kinh phí riêng cho dạy nghề.
- Lao động thuộc vùng chuyên canh có nhu cầu chuyển đổi nghề.
- Lao động nông thôn khác có nhu cầu học nghề.
Trách nhiệm của người lao động tham gia học nghề:
- Lựa chọn nghề, cơ sở dạy nghề theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Nộp đơn xin học nghề có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (theo mẫu) cho cơ sở dạy nghề đã lựa chọn.
- Ký hợp đồng học nghề với cơ sở dạy nghề sau khi đơn xin học nghề được chấp nhận; thực hiện các nhiệm vụ và được hưởng các quyền lợi đối với người học nghề theo quy định hiện hành.
|